Tỉ phú Nga kiện nhau ở Anh

Tòa thượng thẩm London, Anh, mới tiếp tục phiên tòa xét xử vụ Mikhail Chernyi kiện tỉ phú Nga Oleg Deripaska, người đang là chủ hãng Rusal. Trong lần này, luật sư cả hai bên đã phát biểu tranh tụng trước tòa, đề cập đến việc buôn bán tại Nga những năm 1990.

 Ngày 9/7/2012, Tòa thượng thẩm London, Anh, tiếp tục phiên tòa xét xử vụ Mikhail Chernyi kiện tỉ phú Nga Oleg Deripaska, người đang là chủ hãng Rusal. Trong lần này, luật sư cả hai bên đã phát biểu tranh tụng trước tòa, đề cập đến việc buôn bán tại Nga những năm 1990.  

Nhiều khả năng tỉ phú Roman Abramovich sẽ ra làm chứng tại tòa.

Người Anh không xa lạ gì với việc các cựu công dân Liên Xô trước đây (Nga sau này) lôi nhau ra tòa. Chẳng hạn, vụ Roman Abramovich - Boris Berezovsky, hai doanh nhân Nga sống tại Anh kiện cáo nhau vì hãng dầu khí “Sibnefti” và hãng “Rusal”. Berezovsky khẳng định, Abramovich đã bán cổ phần của hai người tại hai hãng vừa nêu và đòi bồi thường 5,5 tỉ USD.

Hay vụ Arkady Gaydamak kiện đòi Lev Levaev một tỉ USD vì kim cương Angola  (PLCN đã có bài về vụ án này). Trong lần này, Mikhail Chernyi khẳng định, ông có cổ phiếu tại Rusal và đòi Oleg Deripaska phải bồi thường cho ông 1 tỉ USD.

Kinh doanh thời loạn

Luật sư của Mikhail Chernyi là Marc Howard phát biểu đầu tiên tại tòa. Howard cho biết, thân chủ của mình quen biết Deripaska vào tháng 10/1993 và lúc đó ông Chernyi là doanh nhân thành đạt, có nhiều mối quan hệ tại Nga cũng như ở nước ngoài.

Chernyi có quan hệ chặt chẽ với thương gia của Trans World Group (TWG) là David và Simon Rubenov, những người đang giúp “sinh viên nghèo khó” Deripaska nắm quyền kiểm soát nhà máy sản xuất nhôm Sayannogorsky. Cần nói rằng, sau khi Liên Xô tan rã, những năm đầu thập niên 1990, kinh tế Nga lâm vào thời kỳ loạn lạc, vàng thau lẫn lộn. Trong đó, có cả các tổ chức tội phạm chi phối nhiều lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Nga.

Howard nói với tòa rằng, đây là giai đoạn chủ chốt để phát triển kinh doanh ngành nhôm của Deripaska. Khi đó Chernyi đưa cho Deripaska khá nhiều tiền, hiện có các tài liệu và nhân chứng chứng minh cho việc này. Từ năm 1996 - 1998, vài hãng của Chernyi đã chuyển cho các công ty của Deripaska 100 triệu USD. Hơn thế, Chernyi còn “cho thêm” Deripaska 575 triệu USD nhằm sở hữu 50 cổ phần của “Hãng nhôm Russia” trực thuộc tập đoàn “Siberian nhôm”.

Mikhail Chernyi nói với báo giới rằng, sau khi sát nhập với “Siberian nhôm” vào tháng 3/2001 với sự tham gia của tỉ phú Roman Abramovich, ông không thấy tên mình trong nhóm lãnh đạo “Hãng nhôm Russia”. Khi đó Deripaska giải thích cho Chernyi rằng, do Tổng thống Nga mới - Vladimir Putin, không ưa Berezovsky (và cả Chernyi), nên đề nghị Chernyi bán lại cổ phần của mình ở “Hãng nhôm Russia”.

Hình thức mua bán diễn ra theo sơ đồ sau: Chernyi sẽ nhận ngay 250 triệu USD, số tiền còn lại Deripaska sẽ trả sau khi bán được cổ phần của Chernyi. “Ông ấy (Deripaska) giống như con trai tôi. Tôi hoàn toàn không nghi ngờ về thiện chí của ông ấy, một chàng trai trẻ mới lớn, mặc vét-tông và đeo cà vạt”, Chernyi nói với báo giới.

Tại tòa, Howard kể rằng, vào tháng 3/2001 hai bên ký văn bản thỏa thuận là Chernyi thôi không kinh doanh cùng Deripaska và ông này nhận được 250 triệu USD từ việc bán cổ phần của mình ở “Hãng nhôm Russia”. Và sau khi bán hết cổ phiếu của Chernyi tại đây, Deripaska sẽ trả nốt 250 triệu USD nữa. Tuy nhiên, Deripaska không trả 250 triệu USD như đã hứa và sau vài lần đòi không được Chernyi đã đâm đơn kiện lên tòa.

Chernyi cho biết, quan hệ giữa ông và Deripaska cùng những lãnh đạo khác của “Hãng nhôm Russia” như Anton Malevsky, Sergei Popov không chỉ là đối tác mà giống như người thân. Thậm chí Popov còn là cha đỡ đầu con gái của Deripaska. Tuy thế, Deripaska lại coi những người này như “vật tế thần” cho chính quyền để tiến thân trong kinh doanh.

Doanh nhân Mikhail Chernyi.

Đâu là sự thật

Những lời của Chernyi ít nhiều cũng chứa đựng sự thật: Anton Malevsky, Sergei Popov đều là nhà kinh doanh giỏi, hiện nắm giữ một số lĩnh vực chủ chốt tại Nga. Còn Chernyi bị cơ quan bảo vệ Nga truy lùng vì nghi ngờ rửa tiền. Giờ đây, nhà kinh doanh này đã trở thành công dân Israel và sống tại đất nước Trung Đông. Do Chernyi bị truy nã cấp độ quốc tế (bất cứ quốc gia nào ở châu Âu cũng có quyền bắt giữ doanh nhân này), nên Tòa thượng thẩm London cho phép ông phát biểu qua video.

Tại tòa, luật sư của Deripaska là Thomas Beazley cho rằng, khi thân  chủ của mình làm quen với Chernyi, thì ông không phải là “sinh viên nghèo khó” mà đã là “nhà kinh doanh đích thực”. Trong phần tranh tụng bằng văn bản của mình, Thomas Beazley cho rằng có một số từ tiếng Nga được dịch qua tiếng Anh là không chính xác. Và do đó Deripaska chưa bao giờ đồng ý hợp tác kinh doanh với Chernyi kể cả bằng lời nói hay bằng văn bản, nhưng đã phải chi tiền (dolya) cho ông ta vì bảo kê khỏi thế giới tội phạm.

Báo Vedomosti viết: luật sư của Deripaska mô tả quan hệ giữa hai người bằng thuật ngữ “krysha” (tạm hiểu như ô dù) - tòa án Anh đã quen với thuật ngữ này trong vụ Berezovsky kiện Abramovich và Malevsky hay Chernyi là “avtoritet” (tạm hiểu như bảo kê). Ngoài ra, phía Deripaska còn tố cáo Chernyi có quan hệ chặt chẽ với thủ lĩnh các tổ chức tội phạm. Trong số này có Anatoli Bykov (thủ lĩnh băng đảng ở Krasnoyaskaia), Alimzan Tokhtakhunov (biệt danh Thailanchik vor-v-zakone), Vyacheslav Ivankov (biệt danh Yapontik), Salim Abduvalyev, Vladimir Tatarenkov…

Thomas Beazley gọi Chernyi là kẻ tội phạm hình sự, tống tiền Deripaska trong hơn 6 năm trời. Vào đầu những năm 2000, Deripaska phải thuê vệ sĩ riêng và không cần đến “krysha” nữa. Theo lời Thomas Beazley, ông Putin tác động lớn trong việc này, khi trở thành tổng thống ông đã đấu tranh cương quyết với các băng đảng bảo kê.

Vào tháng 3-2001, Deripaska gặp “krysha” để chấm dứt mối quan hệ. Thỏa thuận mà hai bên ký lúc đó chính là số tiền lại quả, Thomas Beazley cho biết. Và thêm vào đó là Chernyi, Popov, Malevsky không còn quan hệ gì với Deripasky.

Lời kể của hai phía trước tòa hoàn toàn có độ vênh. Chẳng hạn, Chernyi khai hai người làm quen với nhau vào tháng 10/1993, còn Deripasky nói ông gặp Chernyi lần đầu vào tháng 5/1994 và thực ra không có kế hoạch làm quen với ông này. Điều này cho thấy, một trong hai người (bên bị hoặc bên nguyên) đã nói dối toàn bộ vụ việc. Và tòa sẽ xác định ai sẽ là người nói dối. Vào ngày 27/7 này, các luật sư của hai bên sẽ lại gặp nhau trước tòa để bổ sung thêm một số chi tiết về mặt kỹ thuật. Còn phiên tòa sẽ kéo dài đến tháng 9/2012. 

Theo thông tin của báo chí Anh, có thể tỉ phú Roman Abramovich sẽ được mời đến tòa để làm nhân chứng trong vụ án này. Ông sẽ xác nhận liệu Chernyi có tống tiền như Deripasky nói hay không. Chưa biết phần thắng thuộc về ai, nhưng xem ra càng về đoạn kết, phiên tòa sẽ càng trở nên hấp dẫn.

Chernyi muốn nhận tiền từ cổ phần nào?

“Hãng nhôm Russia” thành lập năm 1997 theo sáng kiến của Deripaska. Hạt nhân của hãng này là nhà máy sản xuất nhôm Sayannogorsky. Sau đó 3 năm hãng này trở thành một trong mười nhà sản xuất nhôm hàng đầu tại Nga. Vào năm 2000, hãng “Siberian nhôm” và “Sibnefti” hợp nhất cổ phần của mình tại “Hãng nhôm Russia”.

Vào năm 2007 do “Hãng nhôm Russia” sát nhập với tập đoàn SUAL và hãng Glencore của Thụy Sĩ lấy tên chung là Rusal. Khi đó Chernyi tuyên bố, ông có cổ phần ở “Siberian nhôm” và “Hãng nhôm Russia”, bởi 1/5 số cổ phần của Deripasky (66%) là của ông. Điều này có nghĩa là 13,2% cổ phần “Hãng nhôm Russia” thuộc về Chernyi.

Hạ Huyền

Đọc thêm