(Giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ Bùi Thanh Tùng trả lời phỏng vấn Báo Hải Phòng)
- Theo số liệu của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ khoa học –Công nghệ), trong 4 năm 2006-2009, Hải Phòng được cấp 2 văn bằng bảo hộ sáng chế dưới dạng giải pháp hữu ích. Vì sao chỉ có ít vậy?
- Ở nước ta, 2 trung tâm lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh (nơi có nhiều trường đại học và viện nghiên cứu, nhiều tập đoàn kinh tế lớn) có chỉ số về văn bằng bảo hộ sáng chế/giải pháp hữu ích cao nhất cả nước. Trong giai đoạn 2006-2009, Hà Nội có 132 văn bằng, bình quân 33 văn bằng/năm, thành phố Hồ Chí Minh có 116 văn bằng, bình quân 29 văn bằng/năm). Các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương có tổng số văn bằng là 15 và 9, chủ yếu do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký bảo hộ. Đà Nẵng và Cần Thơ là hai thành phố trực thuộc Trung ương có hệ thống các trường đại học kỹ thuật mạnh, có số văn bằng là 7 và 3. Hải Dương có 3 văn bằng. Hải Phòng đứng thứ 8 toàn quốc, cùng với tỉnh Vĩnh Phúc. Một số tỉnh phía Bắc như Hưng Yên, Quảng Ninh chỉ có 1 văn bằng hoặc không có văn bằng nào trong suốt 4 năm. Tuy nhiên trong 4 năm qua, số lượng đơn đăng ký bảo hộ sáng chế và giải pháp hữu ích của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố nộp về Cục Sở hữu trí tuệ không nhỏ, với 29 đơn đăng ký bảo hộ (gồm 21 đơn đăng ký sáng chế, 8 đơn đăng ký giải pháp hữu ích), gấp 1,1 lần so với giai đoạn 2001-2005 và gấp 2,3 lần so với giai đoạn 1991-2000. Như vậy, Hải Phòng có nhiều tiềm năng về lĩnh vực này, nhưng số văn bằng đạt thấp.
Nguyên nhân của tình trạng này do quy trình xét duyệt đơn đăng ký bảo hộ đối tượng sáng chế và giải pháp hữu ích hiện kéo dài, làm nản lòng những người nộp đơn. Thông thường, thời gian từ lúc nộp đơn hợp lệ tới lúc được cấp văn bằng bảo hộ (nếu đủ điều kiện) kéo dài 3-5 năm. Nhiều đơn đăng ký bảo hộ của các tổ chức, cá nhân của Hải Phòng có chất lượng không cao về tính mới, tính sáng tạo nên bị từ chối cấp văn bằng. Bên cạnh đó, năng lực và tính chuyên nghiệp trong nghiên cứu khoa học - chuyển giao công nghệ của đội ngũ cán bộ các trường đại học, các tổ chức hoạt động khoa học trên địa bàn thành phố còn yếu, đa số doanh nghiệp của thành phố có quy mô nhỏ, ít quan tâm đến hoạt động nghiên cứu. Điều kiện cơ sở vật chất như các phòng thí nghiệm, thử nghiệm - yếu tố quan trọng để tạo ra sáng chế, giải pháp hữu ích - ít về số lượng, thiếu những thiết bị hiện đại, chưa được đầu tư đồng bộ, đón đầu mang tính chiến lược. Cùng với đó, một số cá nhân nhận thức chưa đầy đủ, không muốn đăng ký bảo hộ sáng chế vì ngại “lộ” bí quyết.
- Là cơ quan tham mưu trong lĩnh vực này, Sở Khoa học và Công nghệ có những biện pháp gì khắc phục tình trạng này?
- Trước hết, để khuyến khích và tạo điều kiện cho các tập thể, cá nhân cán bộ khoa học của thành phố nghiên cứu sáng tạo, Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu với thành phố ban hành một số cơ chế ưu đãi trong quản lý các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp thành phố, cấp cơ sở. Các kết quả nghiên cứu sau khi nghiệm thu, được hướng dẫn để triển khai các thủ tục đăng ký bảo hộ sáng chế-giải pháp hữu ích nếu đủ điều kiện. Sở tham mưu với thành phố có cơ chế hỗ trợ mỗi đơn đăng ký bảo hộ sáng chế và giải pháp hữu ích được cấp văn bằng (không phân biệt đối tượng nộp đơn) 20 triệu đồng từ ngân sách khoa học công nghệ thành phố. Những đơn vị nộp đơn được hỗ trợ miễn phí tra cứu để giảm tỷ lệ từ chối cấp văn bằng do trùng với các văn bằng được cấp trước. Việc nghiên cứu cải tiến, hoàn thiện công nghệ, tạo ra sản phẩm mới trong các doanh nghiệp được ngân sách khoa học hỗ trợ khoảng 30% tổng kinh phí đầu tư cho nghiên cứu, với thủ tục đơn giản.
Sở đang tích cực đề xuất với thành phố ban hành những chương trình, đề án tăng cường năng lực cho các tổ chức hoạt động khoa học (kể cả về cơ sở vật chất kỹ thuật và đào tạo nhân lực), triển khai từng bước đề án xây dựng và nâng cấp hệ thống phòng thí nghiệm trọng điểm của thành phố thông qua các dự án đầu tư cụ thể. Đương nhiên, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, doanh nghiệp nói chung, của đội ngũ cán bộ khoa học thuộc các trường đại học, cao đẳng, tổ chức hoạt động khoa học của thành phố nói riêng, về tầm quan trọng của việc đăng ký bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích cũng sẽ tiếp tục được quan tâm và tăng cường.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí.
Hồng Dương thực hiện