Tiếc nuối những “ngọn hải đăng tri thức Pháp” một thời

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thông tin về việc đóng cửa 4 trong số 6 cửa hiệu của chuỗi hiệu sách Gibert Jeune - một trong những hiệu sách lâu đời, được đánh giá là mang tính biểu tượng, là hình ảnh tưởng chừng không thể tách rời khỏi quảng trường Saint-Michel ở thủ đô Paris của nước Pháp - đã làm dấy lên những tiếc nuối của người dân nước này và cả khách du lịch từng đặt chân đến đây.
Khách hàng xếp hàng bên ngoài hiệu sách Gibert Jeune ở Paris năm 1951.
Khách hàng xếp hàng bên ngoài hiệu sách Gibert Jeune ở Paris năm 1951.

“Ngọn hải đăng tri thức Pháp”

Từ cuối thời kỳ Trung Đại, cùng với sự ra đời của trường Sorbonne - tiền thân của Đại học Sorbonne sau này - vào năm 1257, có một vùng đất tả ngạn sông Seine ở thủ đô của nước Pháp đã trở thành nơi đặt nền móng đầu tiên cho giới trí thức Pháp.

Kéo dài từ khu Saint-Germain-de-Prés đến khu Campus Sorbonne, khu vực này dần dần quy tụ hàng loạt trường đại học lớn đầu tiên, từ khoa học xã hội đến kỹ thuật, nghệ thuật, chính trị như đại học y, mỹ thuật, kiến trúc, Paris I, ParisTech, Panthéon- Sorbonne, Sorbonne Nouvelle, Science Po... Khu vực này còn được gọi là khu phố Latin, xuất phát từ việc xưa kia, giới sinh viên lui tới đây thường trao đổi với nhau bằng ngôn ngữ Latin. 

Khu phố Latin là nơi tập trung giới sinh viên từ nhiều thế kỷ, là trung tâm của tuổi trẻ, tri thức và sáng tạo. Các khu phố này cũng từng là nơi sinh sống và giao lưu của tầng lớp tinh hoa qua nhiều thế kỷ như nhóm Les Encyclopédistes bao gồm Denis Diderot và Jean d’Alembert - những soạn giả của bộ bách khoa toàn thư đầu tiên, một trong những thành tựu tiêu biểu của thời kỳ Khai Sáng (siècle des Lumières).

Những nhà văn hoá, tư tưởng lớn của Pháp đầu thế kỷ 20 như Jean-Paul Sartre, Simone de Beauvoir hay Marguerite Duras và cả những văn nghệ sỹ nước ngoài như Ernest Heminway, Pablo Picasso... cũng thường lui tới đây. Nhiều nhà xuất bản danh tiếng lâu đời, như Gallimard, Seuil, Grasset... cũng đặt trụ sở tại khu vực được ví như “trái tim văn hoá” của Paris. 

Đây cũng là khu vực của Paris còn giữ được nhiều phần dáng dấp kiến trúc và hình thái đô thị từ thời Trung Đại. Hơn nữa, khu phố Latin còn giữ nhiều di chỉ của trung tâm thành Lutèce đầu tiên từ thời Gallia - La Mã Cổ Đại (thế kỷ 1), tiền thân của đô thị Paris sau này. Trái ngược với những trục thẳng tắp rộng lớn của kiến trúc Haussmann, ở khu phố Latin, khách tham quan được trở về trong không gian đô thị của Paris thủa sơ khai với những con phố nhỏ, ngoằn ngoèo lát đá, san sát những ngôi nhà thấp tầng lô xô, mang đặc thù đô thị Médiéval (thời Trung Đại).

Chính vì thế nó trở thành một địa điểm không thể bỏ qua của du khách đến thăm thủ đô. Đến đây, du khách vừa được cảm nhận một Paris thân thiện, gần gũi với con người, vừa được tìm hiểu cái nôi hình thành của tri thức Pháp qua những trường học danh tiếng, những quán cà phê, hiệu sách, điểm hẹn giao lưu của giới trí thức, các nhà tư tưởng và văn nghệ sỹ một thời. 

Khu phố Latin cũng nổi tiếng với những hiệu sách, mà trong đó hiệu sách gia đình Gibert là một trong những chuỗi cửa hàng sách lớn lâu đời và lớn nhất. Chuỗi cửa hàng này ra đời từ năm 1888, với khởi đầu chỉ là thùng sách cũ của anh chàng mê sách Gibert Joseph. Ở giai đoạn giáo dục trở nên phổ cập và miễn phí cuối thế kỷ 19, Gibert tin tưởng vào vị trí không thể thiếu của sách học đường.

Với niềm tin đó, ông thầy gốc gác con nhà nông chuyên dạy văn tự cổ ở vùng Saint-Etienne đã thành công khi phát triển cửa hàng đầu tiên ở 17 Đại lộ Saint-Michel thành chuỗi hiệu sách mang tên mình tập trung ở khu phố Latin. Ban đầu, chuỗi cửa hàng này tập trung vào mảng sách giáo khoa, học thuật và sách cũ. Đến nay, đây trở thành nơi có số đầu sách lớn nhất nước Pháp, luôn là hình ảnh tiêu biểu của khu phố đại học lâu đời. 

Không chỉ bán sách nhiều lĩnh vực, sách trường học, sách cũ, Gibert còn được đánh giá cao bởi là người am hiểu, sưu tầm và lưu trữ nhiều sách hiếm. Vào năm 1896, ông cho ra mắt tờ bán nguyệt san có tên Sách để giới thiệu thư mục sách quý hiếm cho những nhà sưu tầm và đam mê. Sau này, các con cháu ông, dù chia thành hai dòng cửa hàng độc lập đều vẫn giữ niềm đam mê sách. Gibert Joseph tham gia tái bản các tựa sách kinh điển còn Gibert Jeune hướng về sách mỹ thuật chọn lọc.

Cửa hàng Gibert Jeune đã từng thu hút hàng dài sinh viên xếp hàng dài để tìm kiếm những cuốn sách cũ giá rẻ trước khi bắt đầu mỗi năm học. Hầu hết các sinh viên đã học ở Paris vào một thời điểm nào đó sẽ ghé thăm cửa hàng 6 tầng này để tìm một cuốn sách cho khóa học của họ. Những mái hiên màu vàng tươi của cửa hàng đã trở thành một địa danh quen thuộc ở khu phố lịch sử về văn học và tri thức của Paris. 

Đời sống văn hóa đang mai một?

Những hiệu sách nhà Gibert suốt 130 năm tồn tại là nơi gắn kết những độc giả, người đam mê sách, nơi lui tới thường xuyên một thời của những giáo viên, trí thức, văn nghệ sỹ nổi tiếng thế kỷ 20 của Pháp như Malraux, Duras, Modiano, Nothomb, Orsenna hay Gainsbourg...

Như truyền thống của nhiều hiệu sách lâu đời khác, đây còn là nơi gặp gỡ của người viết với độc giả, nơi họ tổ chức những buổi trò truyện chuyên đề, học thuật, giới thiệu sách mới. Chính vì vậy nên cây viết Annik Cojean trên nhật báo Le Monde đã gọi nơi đây là “ngọn hải đăng của trí thức Pháp”.

Cũng vì lẽ đó nên thông tin về việc đóng cửa hàng loạt cửa hàng của chuỗi này đã khiến nhiều người yêu sách ngẩn ngơ. Trên thực tế, từ nhiều năm trở lại đây, các hiệu sách ở Pháp đã phải hoạt động trong tình cảnh vốn không mấy thuận lợi. Đại dịch Covid-19 càng làm chồng chất thêm những khó khăn, nhiều hiệu sách nếu không hoạt động cầm chừng thì cũng có nguy cơ phải đóng cửa vĩnh viễn.

Vài tháng trước, hiệu sách chuyên các đầu sách tiếng Anh Shakespeare & Company huyền thoại đã phải lên tiếng kêu gọi độc giả mua sách ủng hộ sau 1 năm mất đến gần 90% doanh thu. Sau đó, đến lượt Gibert Jeune - một trong những hiệu sách nổi tiếng nhất của Paris thông báo đóng cửa các cửa hàng của mình ở Khu phố Latin. “Đại dịch đã khiến khu vực này trở nên vắng hoe trong nhiêu tháng. Covid đến, khiến cho khu này chẳng còn du khách và sinh viên nào. Do đặc thù về đầu sách nên cửa hàng của chúng tôi bị ảnh hưởng nhiều hơn nhiều so với những cửa hiệu khác”, anh Rodolphe Bazin de Caix (quản lý của Gibert Jeune) cho hay.

Các tờ báo lớn của Pháp như Le Monde, Le Figaro, Libération đều dành những bài viết tâm huyết, hoài niệm để tri ân vị trí của hiệu sách đã có lịch sử hơn 1 thế kỷ này trong lòng công chúng Paris và cả nước. Cojean lo sợ sự vụt tắt của các hiệu sách ở khu phố Latin “sẽ phủ bóng tối lo âu” lên quảng trường Saint-Michel. Nhật báo Le Figaro còn bi quan hơn, gọi việc đóng cửa của Gibert Jeune này, cùng với nhiều hiệu sách danh tiếng của Pháp, là sự mai một của văn hoá Pháp.

Lo ngại này không giới hạn ở một hiệu sách lớn và có bề dày lịch sử nhất Paris mà như cả bao hàm nỗi lo sợ sự đổi thay của thời cuộc ngay tại cái nôi của tri thức của Pháp. Bởi, những hiệu sách - biểu tượng đời sống văn hoá tinh thần Pháp - tại trung tâm lui tới của giới trẻ Paris và khách du lịch, đang dần bị thay thế bởi các cửa hiệu thời trang, mỹ phẩm hàng hiệu vốn được xem là hình ảnh của thế giới tiêu thụ, vật chất.

Với một số người yêu Paris ở khắp nơi trên thế giới và những cựu sinh viên, không còn Gibert Jeune đồng nghĩa với việc mất đi một địa chỉ văn hoá đầy kỷ niệm quen thuộc, nơi đồng hành cùng lịch sử Paris và tuổi trẻ của bao thế hệ. 

Đọc thêm