Tiền bạc và Premier League: Vẻ hào nhoáng đi mượn

Bóng đá đang thay đổi theo từng ngày, từng giờ. Sự thay đổi ấy là tích cực hay tiêu cực thì chẳng ai có thể nói rõ nhưng ai cũng thấy một điều rằng tiền bạc ngày càng có vai trò lớn hơn trong bóng đá.

Bóng đá đang thay đổi theo từng ngày, từng giờ. Sự thay đổi ấy là tích cực hay tiêu cực thì chẳng ai có thể nói rõ nhưng ai cũng thấy một điều rằng tiền bạc ngày càng có vai trò lớn hơn trong bóng đá. Nó có thể rút ngắn lịch sử mấy chục năm truyền thống để một câu lạc bộ từ quạ thành công, nó cũng có thể biến một tượng đài bất diệt ngày một èo uột và có nguy cơ sụp đổ. Khi mà sự thực dụng đã lên ngôi, tiền bạc có thể làm những gì.

Tiền không phải là tất cả...

Có nhiều thứ không thể mua được bằng tiền. Chẳng ai hiểu rõ điều này bằng chủ tịch của Chelsea, Roman Abramovic. Vị tỉ phú người Nga mượn sức mạnh đồng tiền để giúp Chelsea trở thành thế lực rất mạnh với dàn sao trải đều tất cả các tuyến. Mục tiêu mà ông mong muốn nghe qua có vẻ đơn giản, giành chức vô địch UEFA Champions League. Nhưng đã 6 năm Chelsea vẫn chưa làm được điều duy nhất mà ông chủ người Nga mong muốn, dù bơm vào không ít tiền với những HLV thượng hạng. Sau 6 năm, màu xanh của Chelsea vẫn đang bao trùm lên khắp châu Âu. Họ liên tục bước vào bán kết rồi chung kết, nhưng rốt cuộc cũng chỉ... suýt vô địch sau pha trượt chân của Terry trên chính quê hương của Abramovic, trên đất Nga. Có tiền, có sức mạnh, có truyền thống nhưng không thể đăng quang danh hiệu cao quí nhất châu Âu. Abramovic chợt tiết kiệm một cách kì lạ với chiến lược phát triển Chelsea lâu dài hơn.

ManCity-tanbinh.jpg
Manchester City là đội bóng "chịu chơi" nhất trong kì chuyển nhượng mùa hè năm nay

Hết thời vung tiền của Chelsea thì đến Manchester City. Nhưng Sheikh Mansour không lọc lõi như Abramovic. Vị tỉ phú người Ả Rập chỉ biết ném tiền cho các HLV rồi đợi thành quả mà chẳng muốn nhúng tay vào việc gì. Nhưng có lẽ họ cũng chưa biết cách "chọn mặt gửi tiền" khi hết Mark Hughes rồi Mancini vẫn chưa thể bình ổn phòng thay đồ, cả hai vị chiến lược gia chỉ biết mua, mua và... thua trong cuộc đua tới những danh hiệu.
Nhìn Manchester City hiện giờ mà xem. Sau những bước chạy đà hoàn hảo họ đang có dấu hiệu chững lại. Thua tan tác 0-3 trước Arsenal chỉ vì sự non kinh nghiệm của Boyata và cách dùng người sai lầm của Mancini. Một số cầu thủ không được trọng dụng đã truyền cái tinh thần muốn đi cho những đồng đội, thủ lĩnh Tevez uể oải, chán nản, một số người khác thì lao đầu vào bia rượu và những cuộc chơi vô tận,... Vậy tiền nhiều nhưng bao giờ Manchester City thành đại gia thực sự đây?

... nhưng không có tiền thì chẳng có gì cả.

Arsenal là tấm gương tiêu biểu cho sự thiếu tiền. Lâu lắm rồi người hâm mộ pháo thủ không được nhìn thấy cảnh thầy trò Wenger hân hoan nâng những chiếc Cúp vô địch. Tất cả cũng chỉ vì một chữ tiền. Wenger vẫn cứ sống trong khúc hát ru bóng đá đẹp và không lệ thuộc đến đồng tiền. Ông được tôn vinh "giáo sư" không chỉ vì giỏi huấn luyện mà còn rất biết cách làm kinh tế, nhưng nếu vừa giàu nhanh vừa có những thành công thì Wenger sẽ được phong thánh chứ không phải là giáo sư. Arsenal làm ăn có lãi qua hàng năm và họ cũng chỉ biết đứng nhìn kẻ khác giành chức vô địch qua từng mùa giải. Trách ai được, có trách thì trách Wenger có tiền mà không dám tiêu.

Manchester United đang là "chúa chổm" không chỉ ở Premier League mà còn ở châu Âu. Sự áp bức của nhà Glazer đã khiến đội hình "Quỉ đỏ" ngày càng thừa lượng thiếu chất. Không có sao đã đành, suýt nữa họ cũng mất luôn một biểu tượng khi Rooney chỉ đồng ý ở lại nhờ được tăng lương. Nhìn thấy đồng đội thành công, hết Evra, O'Shea và cả "siêu dự bị" Owen cũng làm mình làm mẩy đòi tăng lương. Đã không có nhiều tiền để mua cầu thủ nay lại thêm quĩ lương phình to thêm, Manchester United không còn giữ được vẻ ngoài hoành tránh như trước nữa mà đang liêu xiêu trong cơn bão tài chính.

Joe Cole là biểu tượng cho sự thiếu tiền bổ sung lực lượng của Liverpool khi anh thi đấu quá thất vọng
Joe Cole là biểu tượng cho sự thiếu tiền bổ sung lực lượng của Liverpool khi anh thi đấu quá thất vọng

Liverpool trải qua một chuỗi dài thất vọng khi hầu như chỉ biết hòa và thua. Không có tiền để mua sắm trong kì chuyển nhượng mùa hè, HLV Roy Hodgson buộc lòng phải bán rồi mới nghĩ đến mua. 6 tân binh đã cập bến Anfield với biết bao hi vọng, nhưng rồi tất cả đã vỡ tan khi dần dà họ bộc lộ ra vì sao Hodgson không tốn nhiều tiền mà lại có lực lượng đông đảo đến thế. Bởi tất cả họ hầu như đều thuộc dạng miễn phí hay treo biển đại hạ giá. Với những cầu thủ chỉ thuộc dạng bậc trung thì việc Liverpool trở nên èo uột và yếu ớt là điều dễ hiểu.
Dù đã chính thức thoát khỏi sự kìm kẹp của gọng kìm Hicks và Gillett khi được NESV cứu, dù vừa chiến thắng trước Blackburn và Torres đã ghi bàn. Thế nhưng bình minh có thực sự về lại từ phía đông Anfield, hay vẫn là mặt trời lặn đằng tây với những đen tối trước mặt.
Premier League sở dĩ hào nhoáng trong những năm qua là bởi họ luôn có rủng rỉnh tiền bạc để chiêu mộ và giữ chân những ngôi sao, nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã dạy cho giới chủ tại xứ sở sương mù biết cách làm chủ thay vì làm nô lệ cho đồng tiền. Và khi nào vẫn còn lệ thuộc quá nhiều vào đồng tiền thì khi ấy, vẻ hoành tráng của Premier League vẫn chỉ là đi mượn.
Theo Bongda24h

Đọc thêm