Tiền “chạy” lòng vòng, gây khó nhà băng

Hiện hầu hết ngân hàng đã niêm yết lãi suất tiết kiệm vượt mức đồng thuận 12%/năm. Nhiều ngân hàng còn sử dụng 2 bảng lãi suất để "chiêu dụ khách hàng" gửi tiền.

Tiền “chạy” lòng vòng, gây khó nhà băng ảnh 1
 

Hiện hầu hết ngân hàng đã niêm yết lãi suất tiết kiệm vượt mức đồng thuận 12%/năm. Nhiều ngân hàng còn sử dụng 2 bảng lãi suất để "chiêu dụ khách hàng" gửi tiền.

Mặt bằng lãi suất tiền gửi VND tiếp tục được các ngân hàng điều chỉnh tăng trước áp lực lạm phát và cầu vốn cuối năm tăng cao. Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay là không phải đồng vốn tiết kiệm chuyển kênh đầu tư mà "chạy" lòng vòng theo lãi suất từ ngân hàng này sang ngân hàng khác, gây khó khăn cho các nhà băng trong việc sử dụng một cách hiệu quả nguồn tiền tiết kiệm.

Điều chỉnh theo diễn biến thị trường

Hiện hầu hết ngân hàng đã niêm yết lãi suất tiết kiệm vượt mức đồng thuận 12%/năm. Nhiều ngân hàng còn sử dụng 2 bảng lãi suất để "chiêu dụ khách hàng" gửi tiền.

Nếu khi vào gửi tiết kiệm, khách hàng nào không biết được thủ thuật sử dụng 2 biểu lãi suất sẽ bị thiệt. Bởi với bảng lãi suất thứ nhất, ngân hàng công bố thường thấp, còn biểu lãi suất thứ hai sẽ được đưa ra khi khách hàng "mặc cả" lãi suất hoặc định rút tiền chuyển qua ngân hàng khác.

VietA Bank là một điển hình, với mức lãi suất được thay đổi kể từ ngày 13/11 đến nay là 14,5%/năm. Ngân hàng này nâng lãi suất huy động vốn lên mức trên bằng cách tặng thêm lãi suất cho khách hàng gửi tiền, tùy theo giá trị khoản tiền tiết kiệm và kỳ hạn gửi.

Tuy nhiên, mức lãi suất 14,5%/năm của VietA Bank không được niêm yết công khai trên website Ngân hàng. Còn WesternBank đã chính thức công bố mức lãi suất cao nhất đạt 14,5%/năm.

Ở nhiều ngân hàng quy mô vừa và nhỏ như HDBank, SeABank, Bắc Á…, mức lãi suất cao nhất được công bố khoảng 13,5 - 13,7%/năm. Ngoài ra, các ngân hàng còn gia tăng thêm khuyến mãi, tặng lãi suất và tiền mặt.

GiaDinh Bank vừa triển khai sản phẩm "Tiết kiệm siêu lợi nhuận" dành cho các đối tượng khách hàng là cá nhân gửi tiết kiệm bằng VND. Khách hàng được hưởng một phần lãi trả trước và một phần lãi vào cuối kỳ, phần lãi trả trước được nhập vào vốn gốc ban đầu để được tính lãi cuối kỳ. Thời gian thực gửi càng dài, lãi suất trả trước càng cao, lợi nhuận khách hàng càng tăng.

Nhưng một thực tế vẫn tồn tại việc thỏa thuận ngoài cao hơn bảng lãi suất các ngân hàng niêm yết, nên mặt bằng lãi suất tiết kiệm còn cao hơn 14,5%/năm. Theo các chuyên gia kinh tế, lãi suất đang theo sát diễn biến của thị trường và để kiềm chế được lạm phát, phải chấp nhận lãi suất cao trong một thời gian để hút bớt tiền trong lưu thông. Thêm vào đó, nhu cầu vốn của DN cuối năm luôn cao nên ngân hàng cũng cần vốn để đáp ứng cầu.

Thế nhưng, khi lãi suất huy động vốn tiếp tục biến động theo chiều hướng lên ở các ngân hàng nhỏ, các nhà băng quy mô lớn, nguồn vốn khả dụng dồi dào cũng trở nên khó khăn. Bởi nếu không điều chỉnh lãi suất lên tương ứng và phù hợp với mặt bằng lãi suất chung của thị trường, người gửi tiền sẽ sẵn sàng rút ra đem vốn sang ngân hàng khác, với kỳ vọng hưởng được mức lãi suất cao hơn.

Do vậy, hiện không chỉ ngân hàng quy mô nhỏ mà ngay cả nhà băng lớn, có nguồn dồi dào cũng từng bước nâng lãi suất tiết kiệm lên mức cao nhất 13 - 13,5%/năm. Nếu cộng cả khuyến mãi, lãi suất ở một số ngân hàng còn cao hơn mức nói trên.

Tại Vietinbank, Vietcombank, lãi suất tiết kiệm cao nhất đã lên đến 13%/năm, thế nhưng, so với ngân hàng nhỏ, lãi suất của nhiều nhà băng lớn vẫn kém hấp dẫn.

Mặc dù đã có đồng thuận, nhưng trước biến động của lãi suất hiện nay, Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) cũng không thể lên tiếng, vì trước đó không lâu VNBA đã kêu gọi các nhà băng giảm lãi suất huy động xuống 11%/năm. Song do diễn biến của thị trường không thuận lợi và áp lực lạm phát tăng cao trong tháng 11, nên lãi suất huy động vốn VND thậm chí còn "bung" khỏi mức đồng thuận mới (12%/năm).

11 tháng, CPI đã ở sát mức 2 con số, trong khi tháng 12 lại là cao điểm mua sắm, tiêu dùng cuối năm, nên theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, giải pháp duy nhất để chống lạm phát hiện nay là tăng lãi suất tiết kiệm.

Cố giữ chân khách hàng bằng nhiều cách

Khó thu hút được nguồn tiền nhàn rỗi, đồng thời trước diễn biến của lãi suất hiện nay, một số ngân hàng đã đưa ra giải pháp cho khách hàng gửi tiền vay vốn dưới hình thức thế chấp sổ tiết kiệm, nếu có nhu cầu sử dụng vốn cuối năm.

Theo một cán bộ huy động vốn ở một điểm giao dịch của Vietcombank trên địa bàn quận 3, TP. HCM, 2 tuần qua để huy động được nguồn tiền tiết kiệm thực sự không dễ, trong khi lại phải chứng kiến cảnh nhiều khách hàng chuyển hướng sang nhà băng khác có lãi suất tiết kiệm cao hơn, cho dù sổ tiết kiệm chưa đến thời kỳ đáo hạn.

Thực tế, so với các nhà băng khác, nhất là ngân hàng quy mô nhỏ đang niêm yết với lãi suất cao nhất 14 - 14,5%/năm, bảng lãi suất niêm yết của Vietcombank thấp hơn đến 2 - 2,5%/năm.

Chính vì vậy, khi khách hàng có nhu cầu rút tiết kiệm, Vietcombank đưa ra giải pháp là, nếu cần vốn Ngân hàng sẽ thực hiện nghiệp vụ tái cho vay (tài sản thế chấp chính là sổ tiết kiệm của khách hàng đang gửi ở Vietcombank) để có vốn đáp ứng nhu cầu, với lãi suất thỏa thuận tương đối cạnh tranh. Thế nhưng, đây cũng không phải là cách tốt nhất để giữ chân khách hàng ở lại.

Do vậy, trong ngày 25/11, điểm giao dịch trên của Vietcombank đã nhận được thông báo từ trên về việc điều chỉnh kịp thời lãi suất tiền gửi tiết kiệm, với mức cao nhất áp dụng cho chương trình khuyến mãi huy động vốn đón Xuân lên đến 13%/năm. Mức lãi suất này được áp dụng cho nhiều kỳ hạn, trong đó ưu tiên kỳ hạn ngắn.

Bên cạnh đó, khách hàng còn có cơ hội trúng thưởng dưới hình thức quay số dự thưởng khi gửi tiết kiệm, với giá trị giải thưởng là một căn biệt thự ở Phú Mỹ Hưng.

Ngoài ra, các ngân hàng còn linh hoạt hơn trong việc trả lãi cho khách hàng và rút vốn trước hạn. HDBank được xem là một trong những ngân hàng đầu tiên chính thức công bố lãi suất tiết kiệm lên mức 13%/năm.

Thế nhưng, trước cạnh tranh gay gắt về lãi suất tiền gửi trên thị trường hiện nay, ngày 25/11, ngân hàng này tiếp tục tung ra sản phẩm "Tiết kiệm đa lợi" được áp dụng mức lãi suất của tiết kiệm siêu lãi suất, với mức cao nhất lên đến 13,5%/năm. Đồng thời, HDBank còn trả lãi linh hoạt cho khách hàng theo từng kỳ hạn 1 - 9 và 12 tháng.

Còn nếu khách hàng có số tiền gửi ban đầu từ 100 triệu đồng hoặc 5.000 USD trở lên, duy trì số tiền gửi ban đầu tròn mỗi 12 hoặc 36 tháng sẽ được cộng thêm nhiều ưu đãi và nhận thêm quà tặng. Nếu có nhu cầu, khách hàng có thể rút một phần hoặc toàn bộ vốn gốc bất kỳ, phần vốn gốc còn lại nếu có sẽ tiếp tục được hưởng lãi suất như quy định của ngân hàng này.

Ngoài lãi suất tiền gửi thả nổi cao nhất 14,5%/năm, khách hàng gửi tiền còn nhận được quà tặng có giá trị tương đương 1%/năm của chương trình "kỳ phiếu mua ngay - trao tay quà tặng" tại Western Bank. Lãnh đạo ngân hàng này cho biết, việc tăng lãi suất của sản phẩm tiền gửi siêu lãi suất, tiền gửi lãi suất thả nổi lên 14,5%/năm nhằm đáp ứng nhu cầu sinh lời đồng tiền nhàn rỗi trong công chúng.

Song trước biến động của mặt bằng lãi suất hiện nay và sự cạnh tranh trong huy động vốn ngày càng trở nên gay gắt, các ngân hàng, nhất là những đơn vị quy mô vừa và nhỏ phải luôn tìm đủ mọi cách mới có thể giữ được nguồn tiền tiết kiệm.

Áp lực chi phí tăng, song lãi suất cho vay khó tăng tương ứng, chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay thu hẹp dần khiến lợi nhuận co lại. Các ngân hàng hiện nay huy động đầu vào khoảng 13 - 15%/năm thì đầu ra cho vay ít nhất phải lên đến 17 - 18%/năm (đối với DN), thậm chí 20 - 22%/năm (cá nhân). Với mức lãi suất cho vay này, tăng trưởng tín dụng rất khó và thực tế không chỉ các DN không mặn mà trong vay vốn mà ngay cả NHTM cũng không dám "bung vốn" quá đà.

Theo Vân Linh
ĐTCK

CafeF

Đọc thêm