Khoảng lặng giữa V-League 2009 và V-League 2010 bỗng sôi động hẳn lên bởi chuyện chuyển nhượng cầu thủ, chuyện đi hay ở của nhiều thành viên. Vào lúc gương mặt thị trường của bóng đá ngày càng rõ nét, song các mối quan hệ xã hội và cách ứng xử thì vẫn chưa dứt khoát với chuyện trọng tình, đã nảy sinh không ít tranh luận chung quanh những bản hợp đồng.
Tốn giấy mực nhiều nhất có lẽ là mối quan hệ rối rắm tay ba tay bốn giữa ông Calisto, câu lạc bộ Đồng Tâm Long An, câu lạc bộ T&T Hà Nội và cả Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Sau thành công với đội tuyển Việt Nam ở AFF Cup năm ngoái, uy tín và giá trị nghề nghiệp của chuyên gia Bồ Đào Nha này tăng lên rõ rệt. Bản thân ông nhận thức rõ điều này nên trong vài kế hoạch tính toán cho tương lai, ông biết chọn các đối sách khôn khéo nhằm nâng cao giá trị thương thảo. Có tin là ông tỏ vẻ không mặn mà với vai trò dẫn dắt các đội tuyển bóng đá Việt Nam nữa một phần vì áp lực công việc, phần khác - quan trọng hơn - vì muốn rẽ sang con đường có nhiều hoa hồng ở câu lạc bộ T&T Hà Nội. Từ đây nảy sinh cuộc đối đầu khá căng thẳng tranh giành Calisto giữa Đồng Tâm Long An và đại diện bóng đá thủ đô.
Phía Đồng Tâm Long An cho rằng chuyên gia Bồ Đào Nha vẫn còn thời hạn hợp đồng với họ, nếu ông Calisto không tiếp tục làm việc ở đội tuyển quốc gia thì phải về lại với bóng đá Long An và đơn vị nào muốn ký hợp đồng với chuyên gia này thì phải bàn thảo với họ (VFF ký hợp đồng với ông Calisto qua một thỏa thuận với Đồng Tâm Long An lúc ông này đang là giám đốc kỹ thuật của câu lạc bộ này). Phía T&T Hà Nội thì cho rằng họ không việc gì phải thương thảo với Đồng Tâm Long An mà chỉ cần trao đổi trực tiếp với bản thân ông Calisto. Lời qua tiếng lại, đã nảy sinh những mối nghi kỵ, những lời đàm tiếu về hiện tượng “tham phú phụ bần”, chuyện bỏ tình để chạy theo tiền, đến nỗi ông Calisto và ông Võ Quốc Thắng - người đứng đầu CLB Đồng Tâm Long An - phải ngồi lại với nhau trong một động thái được xem là để giải tỏa khúc mắc. Dù cuộc gặp giữa hai người đã kéo dài hàng giờ nhưng xem ra chẳng giải quyết được gì ngoài chuyện thêm một lần họ xác lập tình bạn thắm thiết giữa hai người. Sự khôn khéo của người này đã níu kéo cái tình của người kia để đẩy câu chuyện vào chỗ chẳng tìm được lối ra?
Ở một cấp độ thấp hơn, mối tình giữa chân sút Thonglao và câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai bắt đầu vào đoạn kết khi tuyển thủ Thái Lan này muốn rời phố núi để đầu quân cho một đội bóng ở quê nhà. Dù đây là chuyện chia tay hợp lý, đúng lúc - cả hai bên sẽ thoát khỏi những trói buột, lực cản - nhưng mọi sự không diễn ra dễ dàng vì đồng tiền vừa xuất hiện khi Hoàng Anh Gia Lai đòi khoản giải phóng hợp đồng 200 ngàn USD.
Thonglao muốn rời đội bóng phố núi không phải vì tiền mà cần tìm về nơi hợp với sức sáng tạo của anh. Ông Calisto, khi tính toán lại kế hoạch của mình, có thể đã nghĩ đến một bến bờ mới với thách thức mới. Chuyện của họ diễn ra vào lúc bên trời Tây nổi lên sự tỏa sáng của Tevez trong đội hình câu lạc bộ Manchester City, người từng mang tiếng chạy theo đồng tiền khi dứt bỏ chiếc áo đỏ của M.U. Những gì Tevez cống hiến cho nửa xanh của thành Manchester lúc này thuyết minh cho lý giải của anh về cuộc ra đi nhiều ray rứt: Đến nơi giải phóng sự ràng buộc, Tevez tìm đất để thi thố tài năng.
Ranh giới giữa tiền và tình trong bóng đá, vì thế, thật mỏng manh. Có điều, hành trình chuyên nghiệp hóa bóng đá bao giờ cũng đòi hỏi tính sòng phẳng, rạch ròi.
NGUYỄN ĐÌNH XÊ