Thỉnh thoảng họ còn thấy vài miếng thịt người và cả khúc xương do chó gặm về. Đêm thì nghe tiếng hờ hững ai oan từ các nấm mộ.
Câu chuyện về Nghĩa trang Tân An (hay nghĩa trang TP Bắc Giang) đã được nhiều cơ quan báo chí nêu ra từ cách đây hơn 7 năm, cuối cùng cũng nhận được lời hứa từ các cơ quan chức năng của tỉnh này về việc di dời 8 hộ dân ra khỏi khu vực bị ô nhiễm nặng từ nghĩa trang. Tuy nhiên, cho đến bây giờ, 8 hộ dân vẫn phải hằng ngày, hằng đêm sống trong tâm trạng thấp thỏm, sợ hãi.
Ám ảnh ngày đêm
Những nấm mộ nằm san sát bên nhau. Mộ tràn cả lên đường đi. Khu vực giáp thôn Giạ trước đây được trồng mấy hàng keo để hạn chế ô nhiễm và tạo môi trường trong lành thì bây giờ cũng bị chặt gần hết để nhường chỗ cho những nấm mộ mới.Trên tường chi chít tên người chết và những mũi tên chỉ xuống ngôi mộ phía dưới - Cách để mọi người còn có thể nhận ra mộ của người thân mỗi lúc đến thăm…Đó là những hình ảnh chúng tôi ghi lại ở nghĩa trang nhân dân TP Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang).
Người dân địa phương phát hiện những bao tải bốc mùi hôi thối được vứt dưới mương nước cạnh nghĩa trang |
“Mỗi ngày có đến 3 - 4 đám ma, với diện tích nghĩa trang hiện thời thì làm sao chịu nổi” - Bà Nguyễn Thị Dần, thôn Dạ, xã Thái Đào, người sống gần nghĩa trang hàng chục năm trời than thở.Theo khảo sát của các cơ quan chức năng nhiều năm trước đây, nghĩa trang TP Bắc Giang đã bị ô nhiễm nặng. Một số chỉ số về môi trường vượt giới hạn cho phép hàng nghìn lần.Ban ngày, tiếng kèn trống đưa ma ai oán, ban đêm tiếng con cháu khóc hời lẫn trong tiếng kèn cải táng càng nghe càng nẫu ruột. Nhưng đó là những tiếng động thường thấy đối với người dân sống xung quanh nghĩa trang, nhất là 8 gia đình đang sống cách nghĩa trang Tân An chỉ chừng 50 m.
Sau khi chôn cất xong, nhiều gia đình có người thân nằm lại ở nghĩa trang đã buộc chó, mèo, gà ở lại bên mộ phần để yểm cho linh hồn siêu thoát. Không chịu được đói khát, những con vật ấy lại mò vào nhà dân gần đấy kêu gào, khắc khoải.
Có một điều lạ là, dù có đánh đuổi thì những con vật ấy vẫn tìm đến những ngôi nhà có hơi ấm người. Còn những gia đình có những con vật hoang tìm đến thì sợ đến co rúm người lại. Mới đây thôi, khi thấy có mùi nồng nặc, người dân ở đây mới đi tìm và phát hiện ra dưới ao cạnh đấy có hai bao thịt người đã thối, sản phẩm còn lại của một buổi cải táng. Còn chuyện những con chó nuôi trong nhà thỉnh thoảng mang về một khúc xương người đã không còn là chuyện lạ.
Trong số những người của 8 gia đình sống gần nghĩa địa thì đã có hai người chết ở tuổi 45. Người đầu là anh Trần Văn Chính. Người thứ hai là anh Nguyễn Sỹ Toàn, chết hồi tháng sáu năm ngoái. Theo người nhà của hai anh, họ đều bị chết do nhiễm khuẩn não. Anh Nguyễn Sỹ Tuấn cho biết: “Trẻ con ở đây còn khoảng 7 - 8 đứa nhưng cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề. Đi khám bác sỹ đều nói là bị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa. Bản thân vợ tôi cũng bị nhiễm khuẩn phổi. Còn chuyện ốm vặt thì tần suất của người dân nơi đây luôn cao hơn nhiều so với những gia đình ở nơi khác”.
Theo trình bày của 8 hộ dân trong thôn Giạ, ngay từ cuối năm 2005, sau khi có đơn thư và sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan báo chí, Sở Tài nguyên & Môi trường đã đề nghị cấp có thẩm quyền chuyển một số hộ dân đang sống gần nghĩa trang ra chỗ ở khác, cấp nước sạch để bảo đảm đời sống người dân và cảnh quan môi trường. Sau đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Công Bộ đã có kết luận: Giao UBND xã Thái Đào phối hợp với Công ty cổ phần quản lý công trình đô thị Bắc Giang tiến hành quy hoạch lại nghĩa trang theo hướng ngừng đặt mộ hung táng (chưa cải táng) về phía gần thôn Giạ để giảm mức độ ô nhiễm môi trường đối với nhân dân trong thôn...
Giao UBND huyện Lạng Giang chỉ đạo xã Thái Đào tiến hành quy hoạch khu dân cư cách xa nghĩa trang trình cấp có thẩm quyền phê duyệt tạo quỹ đất để bố trí cho những hộ có nhu cầu, đặc biệt là các hộ hiện đang ở gần nghĩa trang Tân An. Trên đã bảo vậy nhưng cho đến tận hôm nay, sau gần 4 năm quyết định trên vẫn chưa thể thi hành. Dư luận đang đặt câu hỏi, liệu có phải “trên bảo, dưới không nghe” hay có những vấn đề uẩn khúc sau đó? Còn 8 hộ dân trong thôn vẫn mỏi cổ chờ một ngày mai tươi sáng.
Gian nan tìm nơi ở mới
Hàng chục cuộc họp ở nhiều cấp khác nhau từ thôn tới tỉnh bàn về vấn đề cấp đất cho 8 hộ dân thôn Giạ đang sống lay lắt bên cạnh bãi tha ma. Vụ việc tưởng chừng nhỏ nhưng dường như các cấp chính quyền ở Bắc Giang vẫn chưa tìm được hướng đi phù hợp...Tại phiên chất vấn đại biểu HĐND tỉnh, kỳ họp thứ 16, ngày 10-12-2008, ông Nguyễn Sỹ Nhận, Chủ tịch UBND TP Bắc Giang khẳng định việc hỗ trợ người dân đang sống cận kề nghĩa trang Tân An sẽ hoàn tất trong tháng 12-2008.
Đầu năm 2009, người dân tiếp tục khiếu nại thì ông Nghĩa hứa giải quyết và đo đất xong trong tháng sáu. Và cái việc đi, ở của 8 hộ dân ở vùng đất sống trong sợ hãi cứ dùng dằng cho đến bây giờ.Làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang cho biết: Kế hoạch ban đầu của huyện sẽ giải phóng mặt bằng khu vực giáp tỉnh lộ 299 để giao đất cho 8 hộ dân có nhu cầu.
Tuy nhiên, do người dân có đất bị thu hồi phản ứng quyết liệt không ký vào biên bản đền bù giải phóng mặt bằng nên rất khó triển khai. Bên cạnh đó, UBND tỉnh quy định việc đền bù theo giá đất nông nghiệp (chỉ khoảng 3 - 4 triệu đồng/lô đất) nên người dân không đồng tình. Đây là khu đất đẹp do sát với tỉnh lộ 299 và dự kiến sẽ xây dựng một trường học lớn tại đó nên trong tương lai, giá trị về mặt kinh tế khá lớn.
“Sự bất đồng trong nội bộ người dân thôn Giạ là nguyên nhân lớn nhất khiến cho việc tìm đất cho 8 hộ dân trên gặp rất nhiều khó khăn” - Ông Nghĩa cho biết.
Theo ông, người dân khó có thể chấp nhận để cho 8 hộ dân đang từ khu vực giáp nghĩa trang ra sống ở sát tỉnh lộ với giá trị mỗi lô đất đến hàng trăm triệu đồng, bên cạnh đó lại được sự hỗ trợ của TP Bắc Giang cho mỗi hộ 20 triệu đồng. Người dân cũng đặt ra câu hỏi: Tại sao chỉ có 8 hộ dân được hưởng, còn các hộ khác sống liền kề thì lại không được hưởng ưu đãi tương tự? Và, cần xác định cụ thể mức độ ô nhiễm đến đâu thì giải quyết đến đó, hộ nào được cấp đất, hộ nào không? Chưa giải quyết được thấu đáo những vấn đề này thì nội bộ người dân chưa thông, khó giải quyết.
Vậy thì đến khi nào mới có thể bố trí di dời được 8 hộ dân theo quyết định của UBND tỉnh Bắc Giang? Ông Nguyễn Văn Nghĩa cho biết: Việc di dời các hộ ra khu vực tỉnh lộ 299 rất khó khăn do vấp phải sự phản ứng quyết liệt của người dân. Do đó, hiện nay huyện đang tiến hành đồng thời hai phương án. Một mặt, đang đề nghị các cơ quan chức năng xác định cụ thể mức độ ô nhiễm khu vực xung quanh nghĩa trang Tân An, ảnh hưởng đến đời sống người dân đến đâu, có cần thiết phải di dời hay không?
Kết luận cần được công bố công khai để nhận được sự đồng thuận từ phía nhân dân. Tuy nhiên, đến nay huyện chưa nhận được văn bản trả lời của UBND tỉnh và các cơ quan chức năng về vấn đề này.
Mặt khác, huyện đã tìm được khu vực đất trong thôn Giạ, không nằm trong khu vực nhạy cảm và đang làm hồ sơ để thu hồi, giải phóng mặt bằng và giao đất cho các hộ dân này. Nếu như không có vấn đề gì xảy ra thì trong khoảng 2 tháng nữa sẽ hoàn thành việc giải phóng mặt bằng, chia lô cho các hộ dân. Sau hai tháng nữa lại thêm một lời hứa, những người dân khốn khổ đang phải tồn tại cạnh nghĩa trang Tân An đang tiếp tục chờ và hy vọng.
Năm 2003, Sở Tài nguyên & Môi trường Bắc Giang đã cử cán bộ về thôn Giạ và thôn Mỹ để đánh giá tình hình ô nhiễm ở đây.
Kết quả xét nghiệm các mẫu nước cho thấy nồng độ các chất độc hại vượt mức cho phép rất nhiều. Nồng độ FeCal Colform đo được là 210 MPN/100ml, trong khi chỉ tiêu cho phép của Bộ Y tế chỉ là 3 MPN/100ml.
Nồng độ Coliform ở các giếng vượt hàng nghìn lần, thậm chí có giếng vượt tới 9.600 lần.
Theo Tiền Phong