|
Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Tuy nhiên, dước góc độ bài viết này, chúng tôi xin đề cập đến khía cạnh khác đó là vấn đề nhận hay không nhận, thụ lý hay không thụ lý hồ sơ khi công dân, tổ chức yêu cầu ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Ở đây chúng tôi xin đưa ra hai luồng ý kiến trái ngược nhau về vấn đề này:
Ý kiến thứ nhất, cho rằng Bộ phận một cửa phải nhận tất cả hồ sơ, yêu cầu giấy tờ của công dân, tổ chức mà không được từ chối, theo luồng ý kiến này thì: Bộ phận một cửa chỉ là nơi tiếp nhận và trả kết quả. Do đó, cán bộ, công chức khi làm việc ở đây chỉ kiểm tra hồ sơ xem đã đầy đủ các loại giấy tờ cần thiết theo niêm yết hay chưa mà không cần biết các loại giấy tờ trên có đúng hay không,… còn về thẩm quyền giải quyết là thuộc cấp trên, người có thẩm quyền khác.
Ví dụ: UBND xã lập bộ phận một cửa, có thể phân công văn thư, cán bộ văn phòng tiếp nhận hồ sơ (theo niêm yết công khai đó là gồm những giấy tờ gì còn đúng, sai thế nào là do chủ tịch UBND xã quyết định…). Hoặc cán bộ giúp việc tại phòng công chứng phải tiếp nhận hồ sơ theo yêu cầu của công dân, tổ chức còn quyền có công chứng hay từ chối là thuộc về công chứng viên. Cách làm này có ưu điểm là tất cả mọi yêu cầu, hồ sơ của công dân đều được tiếp nhận, thụ lý và không cần nhiều người làm việc ở bộ phận một cửa, thậm chí chỉ cần một mình văn thư là đủ. Tuy nhiên, nhược điểm rất lớn là do không cần biết nội dung, hồ sơ đúng, sai nên bất cứ yêu cầu nào của công dân, tổ chức đều tiếp nhận, thụ lý miễn đủ hồ sơ. Dẫn đến tình trạng có nhiều hồ sơ không đủ điều kiện, không thể giải quyết hoặc cần phải bổ sung hồ sơ cũng được tiếp nhận sau đó không giải quyết được sẽ ảnh hưởng đến thời gian, đi lại, chờ đợi của công dân, tổ chức. Ngoài ra, nếu trong lĩnh vực, trường hợp phải thu phí, lệ phí khi đã lỡ thu và ghi biên lại, hóa đơn thì sau này rất khó giải quyết nếu thuộc trường hợp từ chối, do khó trả lại tiền cho công dân, tổ chức. Ý kiến thứ hai, cho rằng bộ phận một cửa có quyền từ chối tiếp nhận hồ sơ, giấy tờ của công dân, tổ chức: Vì khi tiếp nhận hồ sơ của công dân, tổ chức thì cán bộ, công chức bộ phận một cửa phải có trách nhiệm kiểm tra, xem xét nội dung, yêu cầu của công dân, tổ chức. Nếu thấy hồ sơ còn thiếu, sai sót, cần chỉnh sửa thì yêu cầu đương sự bổ sung, nếu không thuộc trường hợp giải quyết hoặc không giải quyết được thì có thể từ chối ngay nhằm giảm được thiệt hại cho công dân, tổ chức. Cách làm này có ưu điểm là bắt buộc cán bộ, công chức làm ở Bộ phận một cửa phải có trình độ chuyên môn và phải có trách nhiệm với nhiệm vụ của mình. Đây là biện pháp tốt nhất để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức. Tuy nhiên, nhược điểm là cần phải có rất nhiều người làm việc ở Bộ phận một cửa, vì mỗi lĩnh vực phải cần ít nhất một người có trình độ chuyên môn ở lĩnh vực đó, thì mới giải quyết được yêu cầu nộp hồ sơ của công dân. Trong hai luồng ý kiến trên đều có những ưu điểm, nhược điểm riêng. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay để đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải cách hành chính, cải cách kinh tế và nhu cầu hội nhập kinh tế thế giới, chúng ta nên thực hiện theo ý kiến thứ hai. Bởi vì, trong giai đoạn hiện nay đòi hỏi chúng ta phải xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức vừa hồng, vừa chuyên, thạo một việc nhưng có thể biết và làm được nhiều việc. Từ đó, vừa nâng cao trình độ mọi mặt cho cán bộ, công chức, vừa góp phần tinh giản, gọn nhẹ được bộ máy hành chính. Đồng thời, đáp ứng được đòi hỏi của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Phạm Văn Chung