Tiếp sức “sứ mệnh” phát triển ngành du lịch tỉnh Bình Dương

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Hướng tới phát triển du lịch bền vững, đóng góp xứng đáng vào phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương đang là vấn đề được tỉnh chú trọng và nỗ lực thực hiện bằng các giải pháp đồng bộ.
Với thế mạnh sông nước, du lịch đường sông sẽ là điểm nhấn của du lịch Bình Dương trong thời gian tới.
Với thế mạnh sông nước, du lịch đường sông sẽ là điểm nhấn của du lịch Bình Dương trong thời gian tới.

Nằm ở trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía nam, sát TP Hồ Chí Minh, có hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai bao quanh, Bình Dương là tỉnh giàu tiềm năng để phát triển du lịch.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Dương, năm 2017, tỉnh thu hút 4,55 triệu lượt khách, tổng doanh thu du lịch đạt 1.280 tỷ đồng, năm 2018, thu hút 4,75 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt 1.360 tỷ đồng. Năm 2019, Bình Dương đã thu hút được trên 5,1 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt trên 1.440 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm của ngành du lịch Bình Dương mới chỉ đạt 2,07% về số lượng lượt khách và 4,24% về doanh thu du lịch.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hai năm 2020 và 2021, các tour, chương trình du lịch không thể được thực hiện theo mục tiêu đã đề ra. Thực tế cho thấy, Bình Dương đang là một trong những địa phương được nhiều du khách quan tâm. Theo thống kê của Sở văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh, trong dịp Tết Nhâm Dần - 2022 (từ ngày 31/1 đến 6/2), các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn đã phục vụ 52.438 lượt khách, với doanh thu khoảng 10 tỷ đồng. Số liệu cho thấy, du khách đến với Bình Dương còn khiêm tốn so với một số tỉnh, thành trong khu vực. Nhưng sự quan tâm ngày càng nhiều của du khách trong và ngoài nước đối với Bình Dương là điều không thể phủ định.

Tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch

Tiềm năng du lịch của tỉnh Bình Dương tương đối đa dạng. Đó là hệ thống vườn cây ăn trái Lái Thiêu ven sông Sài Gòn. Các cù lao Bạch Đằng, Thạnh Hội trên sông Đồng Nai gắn với các sản phẩm nông nghiệp như bưởi, rau. Các làng nghề rất đặc biệt, các di tích lịch sử - văn hóa độc đáo được phân bố khắp 9 huyện, thị, thành phố và có thể tạo ra các sản phẩm: Du lịch trải nghiệm, du lịch giáo dục, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh - văn hóa…

Vị trí địa lý cũng là một lợi thế đối với Bình Dương trong việc liên kết với các địa phương khác và nằm trong lưu vực của 3 con sông lớn là: Sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và sông Bé có thể tạo thành các sản phẩm du lịch sông nước với thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh và Bình Phước, hay phát triển các khu nghỉ dưỡng cuối tuần ven sông, những khu du lịch sinh thái vườn, các tour du lịch mạo hiểm trên sông. Các cơ sở này góp phần không nhỏ trong việc làm đa dạng các sản phẩm du lịch của tỉnh Bình Dương.

Chùa Bà Thiên Hậu là địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng không chỉ được người dân Bình Dương biết đến mà còn là điểm đến hấp dẫn thu hút khách thập phương trong nước cũng như du khách quốc tế khi đến Bình Dương.

Chùa Bà Thiên Hậu là địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng không chỉ được người dân Bình Dương biết đến mà còn là điểm đến hấp dẫn thu hút khách thập phương trong nước cũng như du khách quốc tế khi đến Bình Dương.

Bên cạnh đó, cần phải kể đến hai thế mạnh khác, cũng là lợi thế rất quan trọng của Bình Dương trong phát triển du lịch đó là nằm ngay cạnh TP Hồ Chí Minh - một trung tâm kinh tế của cả nước, gần sân bay quốc tế, thuận lợi để thu hút khách du lịch trong nước, quốc tế.

Và là, tỉnh có mức độ đô thị hóa và công nghiệp hóa hàng đầu Việt Nam, tạo được tính năng động cao cho người dân, kéo theo nhu cầu du lịch và năng lực làm kinh tế du lịch cao trong lợi thế so sánh với các tỉnh lân cận.

Tiềm năng du lịch của tỉnh Bình Dương khá đa dạng, nhưng quy mô không lớn và phân bố rải rác. Tiềm năng đó vẫn có thể khai thác được tốt, nếu các địa phương, các cơ sở dịch vụ du lịch liên kết lại sẽ tạo được nhiều sản phẩm hấp dẫn đối với du khách và mang lại nhiều giá trị cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Khát vọng của tỉnh Bình Dương về phát triển du lịch

Để đánh thức tiềm năng và hiện thực hóa khát vọng phát triển du lịch, tỉnh Bình Dương cần phải tích cực quảng bá nhằm thúc đẩy thu hút du khách và mời gọi các nhà đầu tư, tận dụng và phát huy tối đa các phương tiện truyền thông sẵn có của tỉnh để giới thiệu, truyền tải các hình ảnh, sản phẩm du lịch hấp dẫn của Bình Dương.

Chủ động đăng cai tổ chức, tham gia các sự kiện cấp quốc gia và quốc tế để quảng bá hình ảnh vùng đất, con người Bình Dương với bạn bè đến từ các vùng miền của đất nước và quốc tế; đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành trên cả nước để thu hút du khách đến Bình Dương.

Bảo tồn và phát triển các làng nghề độc đáo gắn với phát triển du lịch

Bảo tồn và phát triển các làng nghề độc đáo gắn với phát triển du lịch

Đồng thời, đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch của tỉnh. Nguồn nhân lực du lịch càng dồi dào, có trình độ cao sẽ là cơ sở góp phần vào sự nghiệp phát triển ngành du lịch, quảng bá được hình ảnh con người và bản sắc văn hóa Bình Dương đến với du khách trong nước và quốc tế, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bên cạnh đó, cần bảo tồn các hoạt động lễ hội và phát huy vai trò các câu lạc bộ nghệ thuật trong hoạt động du lịch. Các cơ quan nhà nước, các tổ chức trong hệ thống chính trị của tỉnh Bình Dương thực hiện các giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ, vướng mắc, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh, phát triển du lịch.

Du lịch Bình Dương trong tương lai chắc chắn sẽ trở thành một thương hiệu ấn tượng trong lòng du khách trong và ngoài nước khi biết cách khai thác tiềm năng và lợi thế để thúc đẩy ngành du lịch tỉnh nhà phát triển. Để đạt được điều đó, các cơ quan nhà nước, các tổ chức trong hệ thống chính trị phải nỗ lực thực hiện tuyên truyền, quảng bá du lịch Bình Dương, vận động Nhân dân tham gia vào quá trình tạo dựng sản phẩm, đến hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức, vận hành dịch vụ du lịch.

Đồng thời, mọi tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh Bình Dương chung tay thúc đẩy thì du lịch sẽ sớm trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương, có đóng góp lớn vào cơ cấu GRDP của tỉnh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội và không ngừng nâng cao đời sống Nhân dân.

Đọc thêm