Nhiều quy định cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013
Việc ban hành Hiến pháp năm 2013 thay thế Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) tất yếu đặt ra nhu cầu sửa đổi, bổ sung các đạo luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Theo Báo cáo số 370/BC-CP của Chính phủ (do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ ký), trong năm 2017, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đặt công tác xây dựng pháp luật là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Nhiều đạo luật liên quan đến quyền con người, quyền công dân, đến quản lý hoạt động đầu tư kinh doanh nhằm tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp đã được Quốc hội thông qua, như: Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015...
Liên quan đến nhiệm vụ tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu, tập huấn về nội dung và ý nghĩa của Hiến pháp năm 2013, hoạt động này vẫn tiếp tục được quan tâm, tiến hành lồng ghép trong hoạt động tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung các luật, pháp lệnh được Quốc hội thông qua trong năm 2016, 2017. Đây đều là các đạo luật trực tiếp triển khai thi hành Hiến pháp, có nội dung quan trọng, liên quan trực tiếp tới quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân. Bằng việc giới thiệu các nội dung mới của các luật, pháp lệnh, nội dung và ý nghĩa của Hiến pháp năm 2013 được giới thiệu trực quan, sinh động, cho thấy ý nghĩa của Hiến pháp năm 2013 đối với tinh thần đổi mới, cải cách thể chế của Nhà nước ta.
Đáng chú ý, qua rà soát, lập danh mục đề xuất văn bản quy phạm pháp luật cần bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 thì các dự án luật, pháp lệnh trình Quốc hội, dự thảo nghị định trình Chính phủ ban hành trong 8 tháng đầu năm 2017 đã bảo đảm phù hợp với nội dung, quy định, tinh thần của Hiến pháp, không có quy định nào trái với nội dung của Hiến pháp. Về phía Bộ Tư pháp, trong quá trình thẩm định đề nghị xây dựng các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị định và thẩm định nội dung của dự án, dự thảo văn bản, Bộ đã luôn tập trung theo dõi, nắm bắt tình hình rà soát của các bộ, ngành, nhận diện các đề xuất, kiến nghị cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013.
Đề xuất các hoạt động đi vào chiều sâu
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể là, đôi khi còn thiếu sự kết nối, hỗ trợ chặt chẽ giữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu, tập huấn về nội dung ý nghĩa của Hiến pháp năm 2013 với hoạt động rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo Hiến pháp năm 2013; vẫn còn dự án luật phải rút ra khỏi Chương trình, lùi thời hạn trình, một số dự án luật chưa được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao…
Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tổ chức sơ kết 05 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 nhằm đánh giá các nhiệm vụ đã được triển khai trong giai đoạn 2013-2018, đề xuất các hoạt động triển khai thi hành Hiến pháp đi vào chiều sâu. Đặc biệt, sẽ ưu tiên tập trung cho công tác soạn thảo, trình các dự án luật, pháp lệnh thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm của Quốc hội khóa XIV, trong đó quan tâm tới các dự án luật trong danh mục các dự án luật trực tiếp triển khai thi hành Hiến pháp, gồm các dự án luật quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân như dự án Luật Biểu tình, dự án Luật về hội…; các dự án luật phúc đáp yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Cùng với đó, mặc dù tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết đã được khắc phục nhưng vẫn chưa triệt để. Do vậy, đối với các luật, pháp lệnh đã được thông qua, cần kịp thời triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến nội dung mới tới đông đảo quần chúng nhân dân, khẩn trương xây dựng và ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật nhằm bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả của luật.
Ngoài ra, sẽ tổ chức thi hành kịp thời, hiệu quả các luật, nhất là các luật quy định về quyền con người, quyền công dân vừa được Quốc hội ban hành để các quy định của Hiến pháp thực sự phát huy hiệu quả trên thực tế; tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi thi hành đối với các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, kịp thời phát hiện và xử lý những quy định chưa phù hợp với nội dung, tinh thần của Hiến pháp năm 2013.