Tiếp xúc cử tri trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh: Đổi mới, linh hoạt, hiệu quả

(PLVN) - Việc tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri trực tuyến của các đoàn đại biểu Quốc hội thời gian qua vừa đáp ứng các quy định của pháp luật, vừa đảm bảo phòng, chống dịch, đồng thời còn giảm chi phí xã hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tiếp xúc cử tri TP Hải Phòng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tiếp xúc cử tri TP Hải Phòng.

Chủ động thích ứng

Trước diễn biến hết sức phức tạp của dịch bệnh Covid-19, cả hệ thống chính trị Việt Nam cho đến cộng đồng doanh nghiệp đã chủ động đổi mới phương thức làm việc để thích ứng nhanh nhất. Việc tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp Quốc hội (QH) của các đoàn đại biểu QH thời gian qua có thể xem là minh chứng điển hình.

Ngay từ trước kỳ họp thứ 9, QH khóa XIV (tháng 5, 6/2020), nhiều cuộc tiếp xúc cử tri của các đoàn đại biểu QH đã được chuyển sang hình thức trực tuyến. Sang đến năm 2021, trên cơ sở kinh nghiệm đã thu được, hình thức tiếp xúc cử tri trực tuyến tiếp tục được triển khai mạnh mẽ.

Trình bày báo cáo Tổng kết cuộc bầu cử đại biểu QH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại kỳ họp thứ nhất, QH khóa XV diễn ra hồi tháng 7 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, trên cơ sở quy định của pháp luật, hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, việc vận động bầu cử được thực hiện đúng luật, phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, cơ bản bảo đảm công bằng giữa những người ứng cử. Nhiều địa phương đã chủ động, linh hoạt, sáng tạo tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Đây là lần đầu tiên việc tiếp xúc cử tri vận động bầu cử được thực hiện theo hình thức này.

Những ngày qua, nhiều cuộc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ Nhất, QH khóa XV của các đoàn đại biểu QH cũng được tiến hành trực tuyến. Gần đây nhất, ngày 5/8 vừa qua, đoàn đại biểu QH TP Hải Phòng đã tổ chức tiếp xúc cử tri trực tuyến. Chủ tịch QH Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi là các đại biểu ở Trung ương của đoàn tham gia từ đầu cầu Hà Nội cùng các đại biểu ở TP Hải Phòng.

Cùng ngày, lần đầu tiên đoàn đại biểu QH tỉnh Thái Bình cũng đã phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri toàn tỉnh sau kỳ họp thứ nhất QH khóa XV bằng hình thức trực tuyến giữa điểm cầu của tỉnh với 8 điểm cầu các huyện, thành phố và 260 điểm cầu các xã, phường, thị trấn. Trước đó, ngày 3/8, Đoàn đại biểu QH tỉnh Quảng Nam cũng đã tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri trực tuyến, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Hải dự hội nghị từ điểm cầu Hà Nội.

Nhiều lợi ích thiết thực

Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Bùi Văn Cường đánh giá, tiếp xúc cử tri trực tuyến là hình thức phù hợp với bối cảnh hiện nay, đảm bảo các yêu cầu đề ra. “Hình thức này đang phát huy hiệu quả rất tốt, vừa đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật về việc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp, vừa đáp ứng được mục tiêu quan trọng hàng đầu là đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân và các đại biểu QH khi hạn chế tiếp xúc, lại tiết kiệm thời gian đi lại của cả đại biểu QH và cử tri”, ông Cường nói. Thông qua tiếp xúc trực tuyến, các đại biểu QH vẫn lắng nghe được ý kiến của các cử tri, vẫn thông tin được đầy đủ kết quả kỳ họp tới cử tri ở những địa phương mà họ là đại biểu. “Sau này, trong sửa đổi nội quy kỳ họp cũng như sửa đổi luật sẽ có quy định này”, Tổng thư ký QH thông tin thêm.

Việc tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri trực tuyến thời gian qua được đánh giá là tiền đề để các cơ quan, đơn vị triển khai chuyển đổi số; xây dựng chính quyền điện tử đồng bộ, hiệu quả, áp dụng các thành tựu khoa học để phục vụ người dân tốt hơn.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, đoàn đại biểu QH TP Hải Phòng đánh giá, TP Hải Phòng đã chuẩn bị rất chu đáo cho hội nghị tiếp xúc cử tri trực tuyến. Các ý kiến đã được tổng hợp theo chủ đề, theo nhóm vấn đề nên chất lượng thông tin chia sẻ trong gần 2,5 giờ diễn ra hội nghị rất hữu ích, khách quan, xây dựng và tâm huyết. “Thông qua lần tiếp xúc cử tri này, tôi cảm nhận rằng chúng ta đã chủ động mọi kịch bản để ứng phó với mọi tình huống xấu nhất trong cuộc chiến chống Covid-19 với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”. Rõ ràng, kiên quyết đổi mới, sáng tạo để nhanh chóng chuyển từ thụ động đối phó sang chủ động ứng phó đã giúp cho cuộc tiếp xúc cử tri thành công tốt đẹp”, đại biểu nói.

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi cho rằng, từ hình thức tiếp xúc cử tri trực tuyến nói trên, chúng ta cần đẩy nhanh việc thực hiện hiệu quả chiến lược chuyển đổi số quốc gia, tăng cường hợp tác quốc tế với các nước có công nghệ vượt trội để tránh tụt hậu. Đánh giá Việt Nam là một trong những nước đang phát triển tiếp cận nhanh với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ông cho rằng, đây là tín hiệu cho thấy khả năng thích ứng nhanh, hướng đi đúng và quyết tâm của toàn hệ thống chính trị của Việt Nam. “Đây là một động lực quan trọng. Cùng với các biện pháp linh hoạt và một lộ trình thực tiễn của Chính phủ, tôi tin là Việt Nam ta sẽ sớm đạt được mục tiêu áp dụng thành công chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ khác liên quan để phục vụ công cuộc phát triển đất nước và người dân tốt hơn”, đại biểu tin tưởng.

Kỳ họp thứ 9, QH khóa XIV đã được đánh giá là kỳ họp ghi dấu ấn thật đặc biệt. Bởi lần đầu tiên trong lịch sử hơn 70 năm, QH Việt Nam tiến hành họp trực tuyến kết hợp với họp trực tiếp. QH Việt Nam cũng là một trong những Nghị viện đầu tiên trên thế giới áp dụng hình thức họp này. Hình thức họp này cũng đã được tiếp tục triển khai tại kỳ họp thứ 10, QH khóa XIV.

Trước đó, tại kỳ họp thứ 7, QH khóa XIV diễn ra năm 2019, QH cũng đã lần đầu tiên áp dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo trong việc điều hành kỳ họp. Cụ thể, QH khi đó cũng đã thí điểm tất cả file âm thanh được chuyển thành chữ chạy trên màn hình của chủ tọa. Nhờ công nghệ giúp sức, chủ tọa phiên họp đã điều hành chính xác hơn.

Đọc thêm