Tiết lộ "động trời" về hàng thủy sản tươi sống Trung Quốc "lậu"

“Ngoài cá tầm, giới "đầu nậu" còn “làm hàng” cá quả, cá chép, ếch… Giới buôn lậu chỉ cần nhét vào mồm mỗi con cá chép một “hạt đậu” là “bỏ thùng đi mấy trăm cây số rồi vẫn bơi lội tung tăng”. “Bắt cá lậu không khó, cả xe cá mấy tấn chạy ầm ầm ngoài đường chứ có phải cây kim, sợi chỉ đâu. Vấn đề là công an có muốn “đánh” triệt để không”, nguồn tin của PLVN bình luận.

Trong khi tình hình cá tầm vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu, thì 400 kg cá quả nguồn gốc từ Trung Quốc nhập lậu qua biên giới lại vừa bị bắt giữ tại TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Những vụ bị phát hiện chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, và "đầu nậu" hàng tươi sống, khi đã “đánh hàng” thì “không chừa con nào ngoài chợ”.

Nhiều đầu nậu cho cá lậu ăn hóa chất để “đảm bảo sức khỏe”.

Trạm Kiểm soát liên hợp Km15-BTDT và CSGT đường thủy Công an TP.Móng Cái trong khi phối hợp tuần tra kiểm soát công khai tại khu vực Cồn Rắn thuộc địa bàn xã Quảng Nghĩa, TP.Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh vừa phát hiện, bắt giữ 01 bè mảng vận chuyển 400kg cá quả trị giá ước tính 40 triệu không có bất cứ giấy tờ gì chứng minh hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp.

Chủ bè mảng là ông Hoàng Văn Khanh sinh năm 1979, trú tại thôn 2, xã Quảng Minh, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Số hàng hóa trên là cá quả thịt sống có nguồn gốc từ Trung Quốc được ông nhận chở thuê cho một người phụ nữ không rõ tên tuổi, địa chỉ, từ bến 10 thuộc xã Hải Đông, TP.Móng Cái về Hà Cối, huyện Hải Hà với số tiền công là 4 triệu đồng.

Ngay sau đó, cũng tại khu vực kiểm tra của Trạm Kiểm soát liên hợp Km15-BTDT, Đội Kiểm soát chống buôn lậu thuộc Trạm tiến hành kiểm tra hành chính đối với xe ô tô BKS29Y-0594 lưu hàng theo hướng Móng Cái – Hạ Long phát hiện trên xe vận chuyển 32 kg ấu trùng sò giống (lẫn trong cát) trị giá ước tính 30 triệu đồng không có bất cứ giấy tờ gì chứng minh hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp.

Chủ phương tiện là ông Bùi Đình Út sinh năm 1971, trú tại khu 3, phương Ka Long, TP.Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh cho biết: Số hàng hóa trên là ấu trùng sò giống có nguồn gốc từ Trung Quốc được ông nhận chở thuê cho một người đàn ông, cũng không rõ tên tuổi, địa chỉ, từ khu vực xã Vạn Ninh, TP.Móng Cái về bến xe Thái Bình với số tiền công là 5 triệu đồng.

“Dư luận đang tập trung vào cá tầm, chứ thực ra đầu nậu hàng tươi sống, khi đã “đánh hàng” thì “không chừa con nào ngoài chợ”, nguồn tin của PLVN - từng “tham chiến” trong lĩnh vực này, nay “rửa tay gác kiếm”, cho hay.

“Chị nói thật với em, bọn chị qua bên kia làm việc với bạn hàng, họ tiếp đón cực hậu, nhưng tuyệt không có gọi các món nước ngọt. Bản thân họ cũng sợ mấy thứ đồ ăn bên đó. Cho nên, khách quý chỉ mời hải sản thu mua từ Việt Nam thôi”, nguồn tin tiết lộ.

Theo đó, ngoài cá tầm là mặt hàng đang được chuộng, giời đầu nậu hàng tươi sống còn “làm hàng” cá quả, cá chép, ếch…

Hồi tháng 4, cơ quan chức năng kiểm tra xe ô tô mang biển kiểm soát 89K-5649 tại quốc lộ 5 (thuộc địa bàn quận Long Biên - Hà Nội) đã phát hiện trên xe chở hơn 1.000 con ếch và hơn 630 con cá quả. Toàn bộ số ếch và cá đều còn sống, được đựng trong các thùng nước.

Qua khai nhận của lái xe này, cơ quan công an đã làm rõ, xe cá trên được chở về cho chủ hàng là ông Trần Thanh Lâm (SN 1981, cũng ở Hưng Yên). Tiếp tục điều tra, ông Lâm đã khai nhận toàn bộ số thủy sản tươi sống này được mua từ Trung Quốc, chở về chợ cá Yên Sở (quận Hoàng Mai - Hà Nội) để tiêu thụ.

Nhưng theo nguồn tin của PLVN, “mấy vụ bị phát hiện như vậy chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” thôi”. Theo người phụ nữ này, ví như cá chép Trung Quốc, giới buôn lậu chỉ cần nhét vào mồm mỗi con một “hạt đậu” là mang ra chợ biến ngay thành chép ta, “bỏ thùng đi mấy trăm cây số rồi vẫn bơi lội tung tăng”, các cô, các bà đố mà phân biệt.

Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường - C49 (Bộ Công an) đã báo cáo Văn phòng Chính phủ về tình hình cá tầm nhập lậu. Theo đó, đơn vị này cũng xác nhận, các đường dây buôn cá tầm xuất hiện các đối tượng cầm đầu, chủ đầu nậu, các đường dây thu gom cá tầm vận chuyển qua biên giới vào Việt Nam; tổ chức vận chuyển vào nội địa; có đối tượng bảo kê “bao biên”, “bao tuyến” tại các khu vực biên giới; có đối tượng chuyên phân phối, tiêu thụ cá tầm nhập lậu trong nội địa.

“Bắt cá lậu không khó, cả xe cá mấy tấn chạy ầm ầm ngoài đường chứ có phải cây kim, sợi chỉ đâu. Vấn đề là công an có muốn “đánh” triệt để không, chứ đánh “đường” bên này thì nói thật, “đường” bên kia lại mừng” – nguồn tin của PLVN bình luận.

Tùng Sơn

Đọc thêm