“Ai” làm cho giá xăng dầu trong nước cao?

(PLO) - Giá xăng nhập khẩu về Việt Nam đã giảm gần 40% nhưng giá trong nước chỉ giảm được hơn 20%. So với cuối năm 2014, người dân đang phải mua xăng với giá tăng tới gần 300 đồng/lít.
Ảnh minh họa (nguồn Hiệp hội xăng dầu).
Ảnh minh họa (nguồn Hiệp hội xăng dầu).

Bất hợp lý một cách… bình thường

 “Việc giá xăng dầu trong nước tăng hoặc giảm nhỏ giọt trong khi giá xăng dầu thế giới giảm mạnh đã bất hợp lý một cách… bình thường với điều hành giá xăng dầu trong nước hiện nay”-chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long bình luận.

Theo ông Long, con số thống kê của chính các nhà điều hành đưa ra mới đây cũng khẳng định: Giá nhập khẩu mặt hàng xăng dầu trong tháng 9.2015 giảm 8,02% so với tháng trước và giảm tới 43,18% so với tháng 9.2014. Tính chung 9 tháng đầu năm 2015, giá xăng dầu nhập khẩu giảm tới 38,30% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, theo tính toán của vị chuyên gia này về giá xăng dầu trong nước thì mặt hàng xăng RON 92 và RON 95 đến thời điểm này chỉ giảm tương ứng hơn 20-22% và “so sánh giá xăng cuối năm 2014 với giá xăng hiện nay càng thấy rõ sự bất hợp lý: Giá xăng trong nước lại đang tăng tới gần 300 đồng/lít chứ không giảm”.

Với giá xăng dầu như hiện nay, vị chuyên gia giá cả này cho rằng, các doanh nghiệp xăng dầu đang lãi lớn và tích cực đẩy mạnh bán hàng qua đại lý. Doanh nghiệp bán được nhiều hàng, thu về nhiều tiền nên Quỹ bình ổn giá xăng dầu ở nhiều doanh nghiệp đã tăng lên, điển hình như Quỹ bình ổn của Petrolimex giữa hai lần điều hành giá xăng dầu (3.10 và 19.10) tăng tới 110 tỷ đồng (đạt 1.940 tỷ đồng). “Doanh nghiệp xăng dầu đã chi ra ít hơn và thu về nhiều hơn trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu” - ông Long cho biết.

"Thuế phí mà biết nói năng”

Theo các chuyên gia kinh tế, chính sách giá năng lượng thế giới là “như nhau” với tất cả các nước. Tuy nhiên, giá xăng dầu mỗi nước phản ánh chính sách tài chính của nước đó. Với Việt Nam, từ lâu các chuyên gia đã lên tiếng về việc thuế phí, lợi nhuận định mức của ngành xăng dầu quá cao khiến người tiêu dùng phải mua xăng dầu với giá cao bất hợp lý. “Thuế phí là do chúng ta định ra, nếu nói thuế phí cao thì phải hỏi trách nhiệm của người làm ra các chính sách thuế phí ấy, chứ thuế phí không biết nói năng” - chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong bình luận.

Ông Phong cho rằng, giá xăng dầu của ta không hoàn toàn theo giá thế giới bởi ngân sách phụ thuộc lớn vào nguồn thu từ xăng dầu nên khi giá thế giới xuống mà các khoản thu tăng thì giá vẫn tăng.

Thực tế, dù đã có mức giá có lợi song các doanh nghiệp xăng dầu vẫn liên tục kiến nghị các bộ ngành những chính sách tốt hơn cho mình, như vấn đề điều chỉnh tỷ giá, tăng chi phí định mức kinh doanh xăng dầu, giảm thuế... “Tôi không biết căn cứ vào đâu để các bộ ngành cho phép doanh nghiệp xăng dầu có một chi phí kinh doanh định mức 1.050 đồng/lít, thậm chí doanh nghiệp còn đòi tăng lên 1.300 đồng/lít; rõ ràng nó phi thị trường và không vững chắc” - chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long tiếp tục mổ xẻ vấn đề này.

Theo ông Long, với các cơ chế chính sách cứng nhắc và hành chính như hiện nay, chỉ cần biến động thị trường bất lợi một chút, như vấn đề tỷ giá, thuế… doanh nghiệp xăng dầu hoàn toàn có thể gây “sức ép” buộc Nhà nước phải có những điều hành có lợi cho mình và dễ dàng “lờ” đi những cơ chế có lợi. Cuối cùng chỉ người tiêu dùng là chịu thiệt với giá xăng dầu đắt đỏ.

Trở lại kỳ điều hành giá xăng dầu hôm 19.10, ông Long cho rằng, lẽ ra 100 đồng của xăng khoáng giảm từ trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu phải được tính để giảm giá cho người tiêu dùng thì liên bộ Công Thương-Tài chính lại tính vào giá xăng nên chỉ giảm được gần 140 đồng/lít xăng cho người tiêu dùng, thay vì 240 đồng/lít.

Một chuyên gia kinh tế đã phải thốt lên rằng: “Câu chuyện hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng trong kinh doanh xăng dầu cần phải xem xét lại. Với thuế phí đều nằm trên tỷ lệ phần % trên giá như hiện nay thì doanh nghiệp xăng dầu mà có lãi nhiều, bán được hàng nhiều thì Nhà nước cũng sẽ tăng thu được thuế nhiều. Cuối cùng thì lợi ích của người tiêu dùng nằm ở đâu?!”

Hiện tính trung bình 1lít xăng RON 92 đang phải chịu khoảng 1.700 đồng tiền thuế nhập khẩu (thuế suất 20%); 1.000 đồng thuế tiêu thụ đặng biệt (thuế suất 10%); chi phí định mức hơn 1.050 đồng; lợi nhuận định mức 300 đồng; trích quỹ bình ổn 200 đồng (xăng khoáng, còn dầu giữ nguyên hiện hành); thuế bảo vệ môi trường 3.000 đồng; thuế giá trị gia tăng 1.600 đồng…

Đọc thêm