Ai phải bồi thường vụ ĐTDĐ Trung Quốc phát nổ gây chấn thương đùi?

(PLO) - Đang chạy xe máy chở con gái đi xem đá bóng, chị Diệp Tú Anh (39 tuổi, ngụ đường Tân Chánh Hiệp 7, quận 12, TP.HCM) giật mình đau đớn khi chiếc điện thoại trong túi quần bất ngờ nổ như súng.
Vết thương sau 10 ngày có nguy cơ nhiễm trùng
Vết thương sau 10 ngày có nguy cơ nhiễm trùng
Điện thoại bất ngờ phát nổ như súng
Sự việc xảy ra vào chiều 29/8, khi đến đoạn đường Nguyễn Ảnh Thủ (quận 12), chị Tú Anh nghe tiếng nổ “đụp” và đau nhói đùi trái. Hoảng hốt, đau đớn, theo phản xạ chị rút điện thoại trong túi quần ra quăng xuống lề đường. 
Trước đó, khi đi trên đường, điện thoại không nóng lên hay có dấu hiệu bất thường nào. Cũng may chiếc điện thoại khá dài, đút vào túi quần còn lòi ra một khúc, chị mới rút ra kịp thời. Tai nạn khiến thịt da phần đùi cháy xém một khoảng lớn bằng bàn tay. Đứa con gái 11 tuổi của nạn nhân ngồi sau khóc thét lên sợ hãi.
Bệnh nhân được đưa đến bệnh viện quận 12 cấp cứu. Vụ nổ khiến vải quần dính vào da thịt, bác sĩ phải cắt bỏ ống quần bị cháy để xử lý vết thương. “Do vết thương khá sâu nên đã hơn 10 ngày rồi vẫn còn gây đau nhức. Tôi đang sợ vết thương bị nhiễm trùng vì mủ bưng ngày càng nhiều” - chị Tú Anh lo lắng.
Chiếc điện thoại sau khi phát nổ, mặt trước vẫn nguyên vẹn, nắp phía sau vỡ vụn thành nhiều mảnh nhỏ. Cục pin biến dạng, chảy nhựa, lúc phát nổ bốc khói nghi ngút. Hai chiếc sim trong máy cháy cong queo. Vụ nổ khiến nhiều miếng nhựa nhỏ màu đen găm vào đùi chị Tú Anh. Theo các bác sĩ, nạn nhân còn thêm lần gặp may vì mặc quần bò dày, trong túi quần còn có 2 chiếc khẩu trang. Những “lớp bảo vệ” này đã cản lại sức nổ phần nào, nếu không vết thương sẽ nghiêm trọng hơn nhiều. 
Chiếc điện thoại phát nổ có chiều dài “khủng”, dài gần 20cm, rộng khoảng 5cm, mặt trước phía dưới màn hình ghi chữ Nokia K60, pin ghi thông số “Kechaoda - Model K60 - Made in China”, trên đầu có ăngten. Nạn nhân cho hay mua chiếc điện thoại này cách đây 6 tháng với giá 600 nghìn đồng sau một lần tình cờ thấy một thực khách ăn lẩu dê dùng một chiếc cùng loại. Chị mê mẩn vì thấy “dế” này loa lớn, 2 sim hai sóng, chụp được ảnh, đèn pin cực sáng, giá rẻ.
“Từ bây giờ tôi không dám ham hàng rẻ, không rõ nguồn gốc nữa. Hy vọng người tiêu dùng đừng mua những chiếc điện thoại không rõ nguồn gốc như tôi để tránh tai nạn khôn lường” - chị Tú Anh nói.
Điện thoại nổ gây vết thương ở đùi chị Tú Anh
Điện thoại nổ gây vết thương ở đùi chị Tú Anh 
Tràn lan điện thoại 
“tử thần”
Nhóm phóng viên đã có cuộc khảo sát nhỏ về loại điện thoại gây họa cho chị Tú Anh. Loại điện thoại này được quảng cáo tràn lan trên mạng, bán tại nhiều cửa hàng ở TP.HCM với quảng cáo rất hấp dẫn: “Không lo hết pin, giá rẻ bất ngờ”, dao động từ 500 – 700 nghìn đồng.
Chủ một cửa hàng ĐTDĐ trên đường Trần Văn Đang cho biết, loại “dế” này có xuất xứ từ Trung Quốc, không ghi nơi sản xuất, không biết nguồn gốc, không chứng từ. Dù là điện thoại “bốn không”, bày bán trôi nổi nhưng các loại “dế” này lại bán rất chạy, vì có nhiều tính năng và đánh trúng tâm lý ham đồ rẻ. Thương lái đưa hàng đến tận các cửa hàng bán buôn. Người tiêu dùng cũng có thể lên mạng đặt mua, người bán sẽ chuyển đến tận tay. 
Lý giải về việc điện thoại phát nổ, hầu hết các chủ cửa hàng cùng chung câu trả lời là do viên pin. “Dế” này được quảng cáo có dung lượng pin lên đến 50 nghìn mAh, thời gian sử dụng lên đến nửa tháng mới phải sạc lại. Thử so sánh, hiện các dòng điện thoại thông minh chính hãng chỉ có dung lượng pin dưới 5.300 mAh, như vậy loại điện thoại này có dung lượng pin cao hơn đến 9 lần, khả năng cháy nổ là điều dễ hiểu.
Còn theo Tiến sĩ Võ Quế Sơn, giảng viên Bộ môn Viễn thông, Khoa Điện – Điện tử, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, điện thoại phát nổ thường có hai nguyên nhân chính: 1. Pin điện thoại không đảm bảo chất lượng; 2. Các linh kiện điện tử trong máy không đảm bảo chất lượng, nhất là các loại “dế” không rõ nhà sản xuất xuất xứ từ Trung Quốc. “Với điện thoại chính hãng, linh kiện có chất lượng tốt nên nguy cơ hỏng hóc, phát nổ thấp hơn nhiều” - ông Sơn nói.
Để phòng tránh những tai nạn đáng tiếc, Tiến sĩ Sơn khuyên: Nên dùng pin, sạc chính hãng của điện thoại. Hạn chế sử dụng điện thoại khi đang sạc vì pin khi sạc sẽ gây nóng, nguy cơ cháy nổ cao hơn. Cẩn thận hơn, có thể tắt nguồn điện thoại khi sạc điện. Khi pin còn quá ít (ví dụ biểu thị bằng vạch đỏ trên màn hình) thì nên hạn chế sử dụng vì cường độ tín hiệu khi đó rất mạnh, nguy cơ cháy nổ cao hơn. Khi điện thoại bị rơi vỡ màn hình, hoặc bỗng dưng nóng lên, hoặc sụt pin nhanh, người dùng nên đưa đến trung tâm bảo hành kiểm tra.
“Các loại điện thoại như loại chị Tú Anh dùng không qua bất cứ một sự kiểm chứng chất lượng nào, không rõ mức độ an toàn với người dùng, không có những quy trình kiểm tra khắt khe sức va đập, nhiệt độ, độ ẩm, dòng điện... Người dân không nên vì ham rẻ mà sử dụng các loại điện thoại không nguồn gốc trôi nổi như vậy” - Tiến sĩ Sơn nói.
Chiếc điện thoại sau khi nổ (ảnh do nhân vật cung cấp)
Chiếc điện thoại sau khi nổ (ảnh do nhân vật cung cấp) 
Người bán hàng phải 
bồi thường
Một vấn đề khác người dân quan tâm sau tai nạn: Ai sẽ phải bồi thường cho chị Tú Anh? Chiếc điện thoại tự nhiên phát nổ trên được coi là “hàng hóa có khuyết tật”? Một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho hay, Khoản 3 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (LBVQLNTD) giải thích: “Hàng hóa có khuyết tật là hàng hóa không bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, có khả năng gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả trường hợp hàng hóa đó được sản xuất theo đúng tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật hiện hành nhưng chưa phát hiện được khuyết tật tại thời điểm hàng hóa được cung cấp cho người tiêu dùng”.
Hàng hóa có khuyết tật mà gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người tiêu dùng thì tổ chức kinh doanh hàng hóa đó phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người tiêu dùng theo quy định tại Khoản 1 Điều 23 LBVQLNTD: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật, trừ trường hợp quy định tại Điều 24 của Luật này”. 
Việc xác định cụ thể ai được coi là tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa được quy định tại Khoản 2 Điều 23 LBVQLNTD. Theo đó, trường hợp chiếc điện thoại phát nổ không xác định được tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, gắn tên thương mại lên điện thoại hoặc sử dụng nhãn hiệu, chỉ dẫn thương mại cho phép nhận biết đó là tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu điện thoại, thì tổ chức, cá nhân trực tiếp cung cấp chiếc điện thoại trên cho người tiêu dùng có trách nhiệm bồi thường.
Cần chú ý, luật cũng quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa “được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi chứng minh được khuyết tật của hàng hóa không thể phát hiện được với trình độ khoa học, kỹ thuật tại thời điểm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa cung cấp cho người tiêu dùng” (Điều 24). N.H
Điện thoại rởm thường mắc bệnh hỏng pin, nhưng thường không có pin thay thế, buộc người bán, sửa điện thoại thường mua nhiều loại pin Trung Quốc có kích thước gần giống để về chế lại. Thợ sẽ lột lớp vỏ bên ngoài, lấy đầu pin của cục pin hỏng lắp vào cục pin mới, rồi thêm thắt, cắt gọt thân pin sao cho đúng kích thước pin cũ. Mỗi viên pin chế bán giá từ 60 – 100 nghìn đồng, tùy loại máy, tùy khách hàng. Thợ sửa điện thoại cho rằng tuổi thọ của các pin chế này được khoảng 1 năm.
“Để tránh mua phải loại pin chế, người dùng cần chú ý quan sát thật kỹ lớp vỏ bọc ngoài pin. Nếu pin chết vỏ sẽ có độ nhăn, lấy tay bóc theo mép dán khá dễ dàng, pin không còn phẳng, mịn như pin xịn” - chủ một cửa hàng điện thoại di động hướng dẫn.
Chuyên mục Tiêu dùng & Dư luận của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả liên quan đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hành, chăm sóc khách hàng...

Mọi kiến nghị của độc giả xin gọi vào số điện thoại ĐDN: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com 

Đọc thêm