Báo động việc lộ bí mật nhà nước, thông tin người dùng trên Internet

(PLO) - Theo các chuyên gia, cùng với lợi ích to lớn của công nghệ thông tin, Internet, tình hình lộ bí mật nhà nước, thông tin cá nhân của người dùng trên Internet đang diễn ra đáng lo ngại.…
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hàng chục vụ lộ, lọt bí mật mỗi năm

Việt Nam là một trong 20 quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng Internet cao nhất thế giới với gần 60 triệu người dùng (chiếm hơn 62% dân số). Theo thông tin mà Trung tướng, Phó Giáo sư Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng (Bộ Công an) chia sẻ tại Hội thảo-Triển lãm quốc gia về An ninh bảo mật (Security World 2018) vừa diễn ra mới đây, tình hình lộ bí mật nhà nước, lộ thông tin cá nhân của người dùng Internet diễn ra đáng lo ngại. Mỗi năm, cơ quan chức năng phát hiện hàng chục vụ lộ, lọt bí mật nhà nước trên Internet.

“Thực tế có thể còn vượt xa con số đã phát hiện do tính chất nặc danh, khó phát hiện của môi trường mạng dẫn tới những hậu quả khôn lường” - ông Thuận nói – “Bên cạnh những tiện ích hữu dụng và những thông tin tích cực, người dùng Internet Việt Nam, nhất là giới trẻ, thậm chí trẻ em bị tác động tiêu cực bởi hàng ngàn thông tin, hình ảnh có nội dung sai lệch, xấu độc, dâm ô, đồi trụy, kích động bạo lực, khủng bố tinh thần, lừa đảo… được phát tán tự do trên không gian mạng”.

Ông Thuận cho biết, hiện các cuộc tấn công mạng không ngừng gia tăng, đặc biệt tấn công bằng mã độc tống tiền ngày càng trở nên phổ biến và nguy hiểm. 

“Mỗi năm, có hàng nghìn trang mạng của Việt Nam bị “tin tặc” tấn công, chỉnh sửa chèn thêm nội dung, cài đặt mã độc. Trong đó, có hàng trăm trang tên miền .gov.vn của các cơ quan Nhà nước. Hoạt động tấn công mạng vào hệ thống thông tin của các cơ quan Nhà nước, các tập đoàn kinh tế, tài chính, ngân hàng nhằm chiếm đoạt thông tin, tài liệu diễn ra nghiêm trọng. Các hệ thống giám sát, điều khiển tự động  bị tấn công ngày càng nhiều, tính chất nguy hiểm ngày càng cao” - ông Thuận nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Hải - Cục trưởng  Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho hay, thời gian qua đã chứng kiến nhiều cuộc tấn công gây mất an toàn thông tin xuất hiện trên không gian mạng. Các cuộc tấn công mạng đang ngày càng dai dẳng, đa dạng, thường xuyên và nguy hiểm hơn. Trong đó, các mục tiêu tấn công đang dần chuyển dịch từ các mục tiêu cá nhân, sang các mục tiêu là các tập đoàn kinh tế lớn hay nghiêm trọng hơn là các hệ thống thông tin quan trọng của các quốc gia. Các cuộc tấn công mạng có xu hướng tập trung  vào các “lỗ hổng”, điểm yếu của thiết bị IoT mà điển hình là các camera giám sát, điều này sẽ gây nhiều khó khăn cho Chính phủ, đặc biệt khi triển khai các dự án chính phủ điện tử hay thành phố thông minh…

Xây dựng quy tắc ứng xử trên mạng để nâng cao ý thức của mỗi người

Ông Nguyễn Thanh Hải cho rằng, sự thiếu hụt nguồn nhân lực an toàn thông tin cũng như nhận thức chưa thực sự đầy đủ của cá nhân, tổ chức đã vô tình tạo ra các điểm yếu để các sự cố hàng ngày vẫn xảy ra trong các hệ thống thông tin. Theo đánh giá của các chuyên gia, hơn 90% sự cố mất an toàn thông tin xảy ra là do yếu tố con người. 

Trung tướng Hoàng Phước Thuận cho rằng, phải xác định đe dọa từ không gian mạng là một trong những mối đe dọa thực tế và nguy hiểm đối với an ninh quốc gia, tổ chức, cá nhân. Bảo vệ an ninh mạng là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị, trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân và cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, khả năng tự phòng vệ, ứng xử phù hợp cho các cấp, ngành và toàn xã hội về vấn đề an ninh mạng.

Bên cạnh đó, phải hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo đảm an ninh mạng quốc gia mà trước hết là xây dựng và ban hành Luật An ninh mạng, các văn bản hướng dẫn thi hành để tạo hành lang pháp lý, xác định rõ ràng trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong bảo vệ an ninh mạng và có chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Ông Thuận cho rằng, cần thúc đẩy xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng để hình thành ý thức tự giác của mỗi người dân và toàn xã hội. Trong đó, người sử dụng mạng phải chủ động nghiên cứu, tìm hiểu và trang bị cho mình kiến thức pháp luật về an ninh mạng, hiểu rõ những thông tin được phép đăng tải, chịu trách nhiệm về những nội dung thông tin và hành vi đăng tải thông tin của mình trên không gian mạng. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, cơ quan chủ quản các trang mạng xã hội có trách nhiệm bảo vệ thông tin, bí mật cá nhân của người sử dụng… 

Đọc thêm