Bao giờ hết nỗi lo từ chất phụ gia thực phẩm?

(PLVN) - Tương ớt Chinsu là một trong những loại tương ớt được sử dụng nhiều ở Việt Nam. Với nhiều người đây còn là gia vị không thể thiếu. Thế nhưng sau khi Trung tâm Y tế cộng đồng thành phố Osaka (Nhật Bản) thu hồi 18.168 chai tương ớt Chinsu do có chứa chất phụ gia bị cấm dùng trong sản xuất tương ớt ở Nhật thì cộng đồng Việt hoang mang với câu hỏi chất phụ gia kia là gì, có nguy hiểm hay không, tại sao ở Việt Nam tương ớt Chinsu vẫn sử dụng bình thường còn Nhật lại thu hồi?
Tương ớt Chin-su bị thu hồi tại Nhật Bản
Tương ớt Chin-su bị thu hồi tại Nhật Bản

Phụ gia là gì?

Được biết trong thành phần những chai tương ớt Chinsu của Công ty Masan bị thu hồi chứa phụ gia thực phẩm Acid benzoic, ở Nhật phụ gia này không được phép có trong tương ớt. Theo kết quả phân tích của Viện nghiên cứu Công nghệ thực phẩm Tokyo, hàm lượng acid benzoic trong các chai tương ớt Chinsu vừa bị thu hồi ở mức 0,41-0,45 g/kg.

Acid benzoic có tác dụng chống lại vi sinh vật, đặc biệt là nấm mốc, được dùng để ngăn cản sự phân đôi của vi khuẩn, ức chế sự phát triển của nấm men và nấm mốc gây hư hỏng thực phẩm kéo dài thời gian bảo quản thực phẩm.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội thì Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm của Liên Hợp quốc (Ủy ban Codex) có cho phép sử dụng chất này để bảo quản thực phẩm với hàm lượng 0,1% trong sản phẩm.

Ở Việt Nam, Bộ Y tế cũng cho phép sử dụng phụ gia này với nồng độ tối đa 0,1%, tức 1 g/1 lít, 1 g/1 kg: “Đối với con người, khi vào cơ thể, nó tác dụng với glucocol chuyển thành acid purivic không độc, thải ra ngoài. Liều lượng gây độc ở người là 6 mg/kg thể trọng. 1 người nặng 60kg thì ăn 360mg mới có khả năng bị độc. Như vậy, với nồng độ acid benzoic có trong tương ớt Chin-su, phải ăn cả lít tương ớt mới có nguy hiểm” - PGS Thịnh phân tích.

Về việc này, ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, cơ quan này đang làm rõ vụ việc, đặc biệt về nguyên nhân thu hồi và nguồn gốc hàng hóa. Ông Phong nói thêm, Acid benzoic có trong danh mục phụ gia bảo quản thực phẩm của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế mà cả Việt Nam và Nhật Bản đều là thành viên.  

Hiện nay, Việt Nam và 186 nước khác đang sử dụng phụ gia thực phẩm theo Tiêu chuẩn chung của Codex (cũng là Tiêu chuẩn Thực phẩm của Liên Hợp quốc). Dù là tiêu chuẩn chung nhưng cũng có nhiều phụ gia thực phẩm nước này cấm, nước kia không.

Tiềm ẩn nguy hiểm

Trên thực tế không chỉ riêng tương ớt, để tạo sự bắt mắt, tăng sức hấp dẫn, thời gian bảo quản và nhất là hạ giá thành cho thực phẩm, nhà sản xuất thường thêm vào sản phẩm của mình những phụ gia. Tại Việt Nam hiện nay có đến hàng trăm loại phụ gia thực phẩm khác nhau, thường được phân loại thành 3 nhóm chính: Phụ gia tạo màu, phụ gia bảo quản và phụ gia tạo vị.

Phụ gia là loại hàng hóa được pháp luật quy định nghiêm ngặt về điều kiện kinh doanh, sản xuất và sử dụng. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường các chất phụ gia đang được bày bán tràn lan tiềm ẩn nguy cơ nguy hiểm cho người tiêu dùng.

Khảo sát tại các trang mạng mua sắm trực tuyến ghi nhận rất nhiều loại phụ gia được bày bán công khai; giá cả giao động từ vài chục nghìn cho đến vài trăm nghìn/1kg. Nguồn gốc cũng rất phong phú từ nội địa cho đến ngoại nhập. Trong đó có những sản phẩm được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp phép sử dụng và cả sản phẩm không được cấp phép.

Đơn cử có thể kể đến Xanthan gum đang được chào bán trên các trang mạng với giá 300 nghìn/kg. Sản phẩm có nguồn gốc Trung Quốc được quảng cáo “giúp tạo đặc, làm dày, đông đặc trong sản xuất kem, đồng thời là chất tạo béo “giả”, tạo ra vị béo mà không có giá trị dinh dưỡng. Xanthan gum có độ nhớt rất lớn ngay cả khi sử dụng 1 lượng ít, tạo ra 1 hỗn hợp gel đặc khi hòa vào nước. Xanthan gum thu được có thể ứng dụng trong thực phẩm, không có độc tính.

Làm tăng thể tích, cải thiện cấu trúc và tính ổn định của các loại bột nhào đông lạnh, giữ ẩm tốt, thời hạn bảo quản dài, giúp bánh không bị thay đổi thể tích, tróc khuôn dễ dàng…”. Quảng cáo công dụng thần thánh là vậy nhưng cách dùng cũng chỉ có mỗi một dòng “Cho trực tiếp vào sản phẩm trong quá trình sản xuất” mà không ghi rõ liều lượng ra sao. 

Theo các chuyên gia y tế, việc sử dụng các chất phụ gia không có trong danh mục cho phép và không đúng liều lượng có thể gây ngộ độc thực phẩm. Mức độ nhẹ có thể gây rối loạn tiêu hóa như nôn mửa, dị ứng da; nặng có thể dẫn đến tử vong. Việc sử dụng lâu dài và thường xuyên các chất phụ gia có nguy cơ dẫn đến các bệnh nguy hiểm khó chữa ở gan, thận, dạ dày, não.

Đọc thêm