Bảo hiểm vi mô của các tổ chức CT-XH: Hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận

(PLO) - Đó là một trong những nguyên tắc được nêu trong Dự thảo Nghị định quy định việc triển khai bảo hiểm vi mô của các tổ chức chính trị - xã hội.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Băn khoăn về tính bền vững

Bảo hiểm vi mô là các sản phẩm bảo hiểm được thiết kế và cung cấp cho người nghèo, người có thu nhập thấp và những người yếu thế trong xã hội, với đặc điểm phí bảo hiểm thấp, số tiền bảo hiểm nhỏ, sản phẩm bảo hiểm thật đơn giản, dễ hiểu. Tại Việt Nam, việc cung cấp sản phẩm bảo hiểm cho người có thu nhập thấp được triển khai bởi cả doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) và tổ chức chính trị - xã hội, xã hội – nghề nghiệp.

Đến nay, Bộ Tài chính đã phê chuẩn cho 03 doanh nghiệp triển khai sản phẩm bảo hiểm vi mô là Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam, Công ty TNHH Manulife (Việt Nam) và Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Việt Nam, nhưng tính đến thời điểm hiện tại, chỉ còn Công ty TNHH Manulife (Việt Nam) triển khai sản phẩm bảo hiểm vi mô, với đối tượng tham gia bảo hiểm được giới hạn là hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) có độ tuổi từ 20 đến 50 tuổi, có thu nhập thấp và không ổn định, tập trung ở các vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn.  

Còn bảo hiểm vi mô do các tổ chức chính trị-xã hội, xã hội – nghề nghiệp triển khai đã được thí điểm bảo hiểm vi mô đối với Trung tâm Hỗ trợ phát triển nguồn lực tài chính cộng đồng - CFRC (trực thuộc Trung ương Hội khuyến học Việt Nam) và Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. 

CFRC cung cấp 02 sản phẩm bảo hiểm là sản phẩm bảo hiểm bảo vệ sinh mạng vốn vay và sản phẩm nhân thọ cơ bản, cho đối tượng khách hàng: là phụ nữ, nhóm dân tộc thiểu số đang là thành viên của Mạng lưới tài chính vi mô M7. Hiện nay, CFRC đang cung cấp bảo hiểm vi mô tại 02 Quỹ xã hội Uông Bí (Quảng Ninh), thành phố Điện Biên Phủ và 02 Dự án tài chính vi mô tại Tuần Giáo (Lai Châu) và Đồng Hỷ (Thái Nguyên).

Còn Quỹ bảo hiểm vi mô của Hội LHPN được phép triển khai 04 sản phẩm bao gồm: Sản phẩm bảo hiểm tương trợ y tế; Sản phẩm bảo hiểm tương trợ nhân thọ; Sản phẩm bảo hiểm tương trợ tuổi già; Sản phẩm bảo hiểm tương trợ vốn vay. Tuy nhiên trong giai đoạn thí điểm năm 2016, Quỹ bảo hiểm vi mô chỉ triển khai Sản phẩm bảo hiểm tương trợ vốn vay, cung cấp cho các thành viên của Quỹ TYM với mức phí bằng 0,4%/năm. Đối tượng khách hàng là phụ nữ thuộc các hộ nghèo, cận nghèo, hộ thu nhập thấp đồng thời là thành viên của Quỹ TYM. Hiện nay, Quỹ bảo hiểm vi mô mới chỉ cấp bảo hiểm vi mô tại 10 tỉnh/thành phố nơi Quỹ TYM đang được cấp phép chính thức hoạt động.

Việc triển khai bảo hiểm vi mô của CFRC tiềm ẩn rủi ro về tính bền vững do năng lực tài chính có hạn và khó khăn trong việc mở rộng hoạt động. Còn Quỹ bảo hiểm vi mô của Hội LHPN để tiếp tục vận hành trong thời gian tới với quy mô lớn và đảm bảo tính bền vững, thì cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống vận hành, tài chính bao gồm các chính sách, quy trình quản lý dự phòng bảo hiểm, cũng như xây dựng kế hoạch kinh doanh và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn kỹ thuật.

Xây dựng hành lang pháp lý vững chắc cho lĩnh vực còn tiềm năng lớn

Bảo hiểm vi mô là hình thức bảo hiểm dành cho người có thu nhập thấp đang ngày càng được chú trọng tại các nước nghèo và đang phát triển, theo đó, người nghèo đóng phí cho tổ chức cung cấp bảo hiểm để nhận được khoản hỗ trợ tài chính khi rủi ro không may xảy ra. Đặc trưng của bảo hiểm vi mô là phí bảo hiểm thấp, số tiền bảo hiểm nhỏ, đơn giản về các thủ tục tham gia cũng như yêu cầu chi trả quyền lợi bảo hiểm. Bảo hiểm vi mô cung cấp sự bảo vệ đối với các rủi ro như tử vong, thương tật toàn bộ và vĩnh viễn, nằm viện, rủi ro về tài sản đặc biệt là liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. 

Hoạt động cung cấp bảo hiểm vi mô thông qua các tổ chức thường hướng tới người được bảo hiểm là hội viên của các tổ chức này. Với sự hỗ trợ của các tổ chức tài chính quốc tế, bảo hiểm vi mô đã và đang đóng góp đáng kể cho công cuộc xóa đói giảm nghèo. 

Tính đến thời điểm hiện tại, các tổ chức chính trị - xã hội của Việt Nam (bao gồm: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) và các tổ chức xã hội - nghề nghiệp là các tổ chức lớn, có mạng lưới rộng khắp cả nước và có khả năng tập hợp quần chúng, vận động, khuyến khích hội viên tham gia bảo hiểm. Như vậy, hoạt động bảo hiểm vi mô cung cấp thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp còn tiềm năng rất lớn. Việc phát triển bảo hiểm vi mô thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp sẽ góp phần không nhỏ trong việc thực hiện chính sách đảm bảo anh sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

Luật kinh doanh bảo hiểm và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định về thành lập, hoạt động, chế độ tài chính, v.v… đã tạo khung khổ pháp lý đầy đủ đối với các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm. Tuy nhiên, Luật kinh doanh bảo hiểm không bao gồm các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp triển khai bảo hiểm vi mô không vì mục tiêu lợi nhuận. Hiện nay, cũng chưa có văn bản pháp luật nào quy định về bảo hiểm vi mô. 

Hiện, dự thảo Nghị định quy định việc triển khai bảo hiểm vi mô của các tổ chức chính trị - xã hội đang được Bộ Tài chính chủ trì xây dựng. Theo đó, tạo lập khuôn khổ pháp lý ổn định, minh bạch, rõ ràng với các quy định mang tính đặc thù nhằm tạo điều kiện giúp hoạt động bảo hiểm vi mô không vì mục đích lợi nhuận của các tổ chức chính trị - xã hội phát triển, phù hợp với nhu cầu của thành viên tổ chức chính trị - xã hội, hướng tới các cá nhân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình, cá nhân có thu nhập thấp và đi vào thực tiễn cuộc sống.

Dự thảo Nghị định quy định, việc tổ chức triển khai bảo hiểm vi mô phải đảm bảo các nguyên tắc cơ bản gồm: thành lập và hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, tự nguyện, tự tạo vốn, tự trang trải và chịu trách nhiệm trước pháp luật bằng tài sản của mình, công khai, minh bạch về thu, chi, tài chính, tài sản, thành viên tham gia bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm vi mô do tổ chức chính trị - xã hội triển khai là thành viên của chính tổ chức chính trị - xã hội đó.

Hoạt động không vì lợi nhuận là hoạt động không tìm kiếm lợi nhuận để phân chia. Thu nhập có được trong quá trình hoạt động được sử dụng để phục vụ lợi ích cho các thành viên tham gia bảo hiểm thông qua việc định phí nhằm giảm trừ phí bảo hiểm, gia tăng quyền lợi bảo hiểm của người được bảo hiểm. Ngoài ra, việc triển khai bảo hiểm vi mô nhằm hướng tới các cá nhân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình, cá nhân có thu nhập thấp mang tính nhân văn sâu sắc, đảm bảo chính sách an sinh của Đảng và Nhà nước. Do đó, thu nhập từ hoạt động của tổ chức bảo hiểm vi mô là thu nhập được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp.

Đọc thêm