“Cá sông Đà - Hòa Bình” trên đường trở thành thương hiệu lớn

(PLO) - Hòa Bình có nhiều lợi thế trong việc nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi cá lồng, cá bè. Điều này góp phần định hướng cho sự phát triển bền vững cho nghề nuôi thủy sản, đồng thời hướng đến thương hiệu “Cá sông Đà - Hòa Bình” có vị thế trong tương lai.
Nuôi cá trên lòng hồ sông Đà
Nuôi cá trên lòng hồ sông Đà

Phát triển thương hiệu “cá sông Đà”

Đến cuối năm 2017, số lồng nuôi cá trên địa bàn toàn tỉnh Hòa Bình có khoảng 4.050 lồng, tương đương 220 nghìn m3, tổng sản lượng đạt 7.700 tấn, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 5.000 lao động. DN, HTX, tổ hợp tác, trang trại hộ gia đình đầu tư thâm canh nuôi cá với quy mô khá lớn, chiếm 55% số lồng nuôi và 67% sản lượng thủy sản cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Đã có 7 DN ký kết với các hộ nuôi cá lồng hợp quy chuẩn theo hướng VietGAP bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), ký kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, bảo đảm đầu ra ổn định.

Dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cá đặc sản sông Đà được triển khai trong 2 năm (2017-2018) trên địa bàn 5 huyện, TP. Trong đó, TP Hòa Bình có 2 cơ sở tham gia với quy mô 240 lồng, sản lượng khoảng 700 tấn/ha. Tại huyện Đà Bắc, đại diện HTX dịch vụ sản xuất - kinh doanh nông, lâm nghiệp Hiền Lương với 6 hộ tham gia, quy mô 93 lồng cá, sản lượng 300 tấn/ha. Sản phẩm theo chuỗi là các loại cá đặc sản như lăng đen, lăng vàng; lăng chấm, ngạnh, tầm; các loại cá truyền thống như: trắm, chép, rô phi. Đây vốn là những loài thủy sản “đặc trưng” tại lòng hồ sông Đà.

Tại thị trường Hà Nội, hiện CTCP Cá sạch sông Đà đầu tư nuôi cá lăng vàng, trắm đen mỗi tháng cung cấp khoảng 35 tấn cá thịt. CTCP Thủy sản Hải Đăng đầu tư 180 lồng cá, mỗi tháng cung cấp khoảng 30 - 40 tấn cá thịt các loại. Nhiều DN cho rằng, nuôi cá lồng trên vùng hồ sông Đà bước đầu đã thu lại hiệu quả. Sau khi trừ chi phí, các DN tính toán có thể thu được lợi nhuận từ 30-40% kết hợp quản lý và chăm sóc tốt, cộng thời tiết thuận lợi. Không ít DN sẵn sàng cho phương án mở rộng quy mô sản xuất, chú trọng những loài cá có giá trị cao và đặc sản của lòng hồ sông Đà. 

Trong khi đó, các cơ sở, hộ gia đình nuôi nhỏ lẻ cũng được hỗ trợ tập huấn, kinh phí mua con giống, hướng dẫn áp dụng quy phạm thực hành sản xuất VietGap và các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) ; hỗ trợ xúc tiến thương mại (XTTM), quảng bá tiêu thụ sản phẩm… Đồng thời, các hộ và cơ sở cam kết thực hiện các quy định bảo đảm ATVSTP, thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường trong việc nuôi cá lồng bè.

Đưa “cá sông Đà” đến người tiêu dùng

Bên cạnh việc định hướng và quản lý các cơ sở nuôi cá sông Đà thực hiện nghiêm túc các tiêu chuẩn sản xuất an toàn, Sở NN&PTNN tỉnh Hòa Bình đã phối hợp tổ chức các chương trình kết nối DN tham gia dự án, dự các hội nghị, tuần lễ, phiên chợ “Nông sản thực phẩm an toàn và vật tư nông nghiệp” tại Hà Nội; giới thiệu và đăng ký sản phẩm cá sông Đà tham gia chương trình bữa ăn an toàn tại Hà Nội; XTTM tại tỉnh Sơn La- Hà Nội; tổ chức hội nghị XTTM và liên kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm nông, lâm sản và thủy sản cho các hộ, DN...

Trong những ngày cuối tháng 6/2018 vừa qua, tại siêu thị BigC Thăng Long đã diễn ra “Tuần lễ cá sông Đà Hà Nội năm 2018”. Tại đây, hơn 1 tấn cá sông Đà các loại đã được tiêu thụ. Cùng với các cơ quan quản lý nhà nước, bản thân các DN nuôi cũng ý thức được việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm “cá sông Đà” đến với người tiêu dùng. 

Ông Nguyễn Hữu Tài (Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh Hòa Bình) cho biết, qua kiểm tra sản phẩm cá sông Đà cho thấy đã đáp ứng yêu cầu về chất lượng theo quy định. Việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đã tạo ra các sản phẩm an toàn bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng, khai thác được tiềm năng đặc thù, phát triển và quảng bá sản phẩm cá sông Đà của tỉnh. Chi cục đang hoàn thiện các thủ tục cần thiết để Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN cấp nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm “cá sông Đà” Hòa Bình.

Đọc thêm