Cần xử lý nghiêm vụ Công ty ICE bán thiết bị kích sóng trái phép

(PLO) - Đó là quan điểm của Luật sư Nguyễn Khắc Bảo – Trưởng văn phòng luật sư Mỹ Đức, đoàn luật sư Hà Nội trao đổi với PLVN về sự việc Công ty ICE Việt Nam bán thiết bị kích sóng điện thoại trái phép.
Thiết bị kích sóng điện thoại của công ty ICE Việt Nam được rao bán trên mạng
Thiết bị kích sóng điện thoại của công ty ICE Việt Nam được rao bán trên mạng

Trước đó, báo PLVN nhận được thông tin bạn đọc phản ánh về công ty TNHH ICE Việt Nam, có địa chỉ tại phố Hoàng Văn Thái, Thanh Xuân, Hà Nội bán hàng loạt các thiết bị kích sóng điện thoại với giá từ 3 triệu đồng trở lên. Việc sử dụng thiết bị này có thể gây nhiễu sóng di động của các nhà mạng trong khu vực sử dụng.

Điều tra của phóng viên trong vai người có nhu cầu mua thiết bị kích sóng điện thoại, PV đã tìm đến công ty TNHH ICE Việt Nam để tìm hiểu về sản phẩm, tại đây PV được những nhân viên ở đây tư vấn cho nhiều loại thiết bị kích sóng điện thoại khác nhau với nhiều mức giá. Tuy nhiên, những nhân viên này cũng cho biết, những thiết bị này đều là những sản phẩm không được phép lưu hành trên thị trường (?!).
Luật sư Nguyễn Khắc Bảo - Trưởng văn phòng luật sư Mỹ Đức
 Luật sư Nguyễn Khắc Bảo - Trưởng văn phòng luật sư Mỹ Đức 
Không chỉ vậy, trao đổi với ông Nguyễn Hữu Giáp – Giám đốc công ty TNHH ICE Việt Nam thừa nhận công ty ICE đã từng bán thiết bị kích sóng điện thoại trái phép,toàn bộ số thiết bị được công ty ICE thu mua từ Trung Quốc và đều là hàng trốn thuế.
"Trước những thông tin mà báo PLVN phản ánh, thì phía cơ quan chức năng liên quan cần phải nhanh chóng vào cuộc điều tra, xác minh sự việc, để kịp thời xử lý những vi phạm, để bảo vệ quyền lợi của khách hàng. Ngoài ra Công ty ICE Việt Nam còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động mua, bán sử dụng các thiết bị viễn thông khi chưa được cấp phép". Luật Sư Nguyễn Khắc Bảo, cho biết.

Cụ thể tại khoản 1, điều 52 luật Viễn thông  :

Điều 52. Quản lý tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật viễn thông, chất lượng mạng và dịch vụ viễn thông

1.     Tổ chức, cá nhân trước khi đưa thiết bị đầu cuối thuộc Danh mục thiết bị viễn thông có khả năng gây mất an toàn vào lưu thông trên thị trường hoặc kết nối vào mạng viễn thông công cộng phải thực hiện việc chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và sử dụng dấu hợp quy.
Điều 15, 18 Nghị định 51/2011/ NĐ-CP. Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực Tần số vô tuyến điện.

Điều 15. Vi phạm các quy định về chất lượng phát xạ vô tuyến điện

1. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi bán thiết bị vô tuyến điện thuộc Danh mục thiết bị vô tuyến điện có khả năng gây nhiễu có hại phải chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy nhưng không có chứng nhận hợp quy hoặc không có công bố hợp quy hoặc không có dấu hợp quy.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất hoặc nhập khẩu thiết bị vô tuyến điện thuộc Danh mục thiết bị vô tuyến điện có khả năng gây nhiễu có hại phải chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy trước khi đưa vào lưu thông trên thị trường nhưng không thực hiện một trong các hoạt động sau:

a) Chứng nhận hợp quy;

b) Công bố hợp quy;

c) Sử dụng dấu hợp quy.

3. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất hoặc nhập khẩu thiết bị vô tuyến điện thuộc Danh mục thiết bị vô tuyến điện có khả năng gây nhiễu có hại phải chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy nhưng có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng đã được chứng nhận.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thực hiện đúng quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này;

b) Buộc thu hồi thiết bị vô tuyến điện đang lưu thông trên thị trường; buộc thay đổi mục đích sử dụng; tái chế hoặc tái xuất thiết bị vô tuyến điện nhập khẩu vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.

Điều 16. Vi phạm các quy định về an toàn bức xạ vô tuyến điện

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Bán thiết bị thuộc Danh mục thiết bị vô tuyến điện, thiết bị ứng dụng sóng vô tuyến điện có khả năng gây mất an toàn bức xạ vô tuyến điện phải chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy nhưng không có chứng nhận hợp quy hoặc không có công bố hợp quy hoặc không có dấu hợp quy;

b) Không tuân thủ quy định về bảo đảm an toàn bức xạ vô tuyến điện khi sử dụng đài vô tuyến điện, thiết bị vô tuyến điện, thiết bị ứng dụng sóng vô tuyến điện.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất hoặc nhập khẩu thiết bị thuộc Danh mục thiết bị vô tuyến điện, thiết bị ứng dụng sóng vô tuyến điện có khả năng gây mất an toàn bức xạ vô tuyến điện trước khi đưa vào lưu thông trên thị trường hoặc sử dụng nhưng không thực hiện một trong các hoạt động sau:

a) Chứng nhận hợp quy;

b) Công bố hợp quy;

c) Sử dụng dấu hợp quy.

3. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi đưa đài vô tuyến điện thuộc Danh mục đài vô tuyến điện bắt buộc kiểm định về an toàn bức xạ vô tuyến điện vào sử dụng nhưng không thực hiện kiểm định.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thu hồi, buộc đình chỉ sử dụng thiết bị vô tuyến điện, thiết bị ứng dụng sóng vô tuyến điện đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này.
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin sự việc tới bạn đọc./

Đọc thêm