Cảnh giác trước “lời có cánh” từ quảng cáo

(PLO) - Quảng cáo online đang rất phát triển nhưng môi trường Internet ngày càng rất khó kiểm soát. Trước sức ép cạnh tranh khiến doanh nghiệp buộc phải đẩy mạnh việc quảng cáo, thậm chí áp dụng chiêu trò nhằm thổi phồng công dụng của các mặt hàng. Cùng với đó, việc đăng tải tràn lan trên mạng, người dùng internet dễ dàng tìm kiếm, lựa chọn cho mình mọi nhu cầu. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Những thông tin về dịch vụ xuất hiện tràn lan trên các trang mạng với nhiều mỹ từ có cánh để thu hút khách hàng: từ hút nám, tàn nhang bằng máy quang học điện tử sau bảy ngày bong hết sạch tới chữa vết nhăn, giảm béo bằng châm cứu, nâng ngực bằng mỡ cơ học,… đặc biệt là những quảng cáo về nâng bầu ngực căng tròn như các ngôi sao luôn thu hút sự quan tâm của các bà, các chị.

Đơn cử như, chuyện thổi phồng công dụng thực phẩm chức năng không phải là mới, đã được dư luận cảnh báo trong thời gian qua. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là ngày càng xuất hiện nhiều quảng cáo sai sự thật trên một số website và mạng xã hội. Sự “nở rộ” do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc cơ quan quản lý chưa có giải pháp ngăn chặn hiệu quả, nguyên nhân khác là sự cả tin của người tiêu dùng, sự thiếu trách nhiệm của một số cơ quan truyền thông khi đăng tải nội dung quảng cáo. 

Gần đây nhất, một lần nữa công dụng của sữa non nhanh chóng được nhiều người tiêu dùng chọn lựa vì tin rằng sản phẩm có thể chữa khỏi bệnh ung thư. Song trên thực tế, sữa không thể chữa khỏi được ung thư, hiện nay chưa có một nước nào dùng sữa để chữa ung thư. Không có một loại thức ăn chữa khỏi ung thư. Ung thư phải do thầy thuốc chuyên khoa điều trị. Không phải bất cứ cơ sở y tế nào cũng có thể chữa được bệnh ung thư mà phải có cơ sở chuyên khoa. Thức ăn và sữa đối với bệnh ung thư có vai trò rất quan trọng tăng cường sức khỏe hỗ trợ dinh dưỡng, chống suy kiệt cho người bệnh. Nhưng thức ăn và sữa không phải là thuốc để điều trị bệnh.

Đánh giá sự nguy hiểm từ hiện tượng hỗn loạn, loạn thông tin quảng cáo nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng chính từ sự hỗn loạn, bát nháo về thông tin quảng cáo dịch vụ như hiện nay đã tạo nên tình trạng vàng thau lẫn lộn, khách hàng khó phân biệt rạch ròi giữa sự uy tín, chất lượng với dịch vụ rởm, kém chất lượng bởi các trang quảng cáo dịch vụ trên internet đều được thiết kế bắt mắt với những lời quảng bá, lời cam kết có cánh.

Với xu hướng phát triển quảng cáo online như hiện nay, chỉ có thể tăng cường công tác hậu kiểm chứ không thể tiền kiểm đối với hoạt động quảng cáo. Để rồi trên thực tế, chính cái bẫy này sẽ khiến không ít người “mắc lưới” khi quảng cáo ngày càng chiếm trọn thị trường của những người tiêu dùng cả tin. Khi cơ quan chức năng còn chưa có giải pháp ngăn chặn, quản lý triệt để hiệu quả hoạt động quảng cáo, người tiêu dùng cần cảnh giác trước những quảng cáo để tránh rủi ro.

Mỗi khách hàng phải là những “người tiêu dùng thông minh” không nên chỉ tin vào những lời quảng cáo “có cánh” mà cần hiểu đúng, mua đúng, dùng đúng để lựa chọn cho mình những dịch vụ, sản phẩm đáp ứng nhu cầu và không gây ảnh hưởng tới sức khỏe. 

Đọc thêm