Choáng váng hàng loạt dịch vụ “chặt chém” đầu Xuân

(PLO) - Đầu năm du xuân là dịp mà các "thượng đế" phải "toát mồ hôi" trước việc hàng loạt dịch vụ đua nhau "chặt chém".
Những bát phở bị đội giá gấp 2, 3 lần ngày thường.
Những bát phở bị đội giá gấp 2, 3 lần ngày thường.
Xe khách nhồi nhé, “chặt chém”
Mặc dù giá vé niêm yết ghi 75.000 đồng/ lượt nhưng nhà xe vẫn trắng trợn thu tiền của hành khách lên tới 100.000 đồng.
Vừa bước ngay tới bến xe Giáp Bát (phía nam Hà Nội), một nhân viên của nhà xe Thế Tuấn mời chào với những lời “mật ngọt”. Khi đến xe, vừa bước lên chúng tôi nhìn thấy phía trên đã kín chỗ nhưng nhân viên phụ xe vẫn luôn miệng nói “anh chị lên đi em bố trí chỗ ngồi cho, vẫn còn chỗ thoải mái mà. Giá rẻ chỉ 85.000 đồng thôi. Đúng 5 phút nữa xe sẽ chạy. Nếu chưa chạy thì anh chị xuống cũng được….”.
Đúng là chỉ hứa suông, vì sau một hồi sắp xếp, nhân viên phụ xe đã lấy ghế nhựa đặt vào lối đi và mời chúng tôi ngồi. Khi thắc mắc tại sao vẫn còn ghế mà phải ngồi ghế nhựa giữa lối thì nhân viên phụ xe giải thích “ba ngày tết khách đông, anh chị thông cảm”.
Đành chấp nhận vì sợ phải mất thời gian chờ chuyến sau, chúng tôi ngồi chen nhét giữa hai hàng ghế đã chật cứng khách. Nhiều người khác cũng chịu chung cảnh như chúng tôi vì ai cũng muốn về nhà sớm nhất để kịp bữa cơm ngày tết với gia đình. 
Tuy nhiên, việc khiến nhiều người bức xúc nhất đó là thái độ của nhân viên nhà xe khi thu tiền. Dù giá vé niêm yết là 75.000 đồng và khi chào mời hành khách khi lên xe là 85.000 đồng, nhưng nhà xe nghiễm nhiên thu 100.000 đồng/người. Nhà xe thậm chí coi đó là lẽ đương nhiên và khi khách hàng đưa 100.000 đồng thì không trả lại tiền thừa. 
Khi có người thắc mắc thì nhân viên thu tiền nói với giọng khó chịu: “Ngày tết nên giá vé phải tăng lên như thế. Các bác thông cảm!”. Khi bị hành khách gay gắt đòi tiền thì nhân viên nhà xe giở kế “câu giờ” trả lời rằng lát nữa sẽ trả lại. Tuy nhiên tất cả các hành khách xuống xe đều không lấy lại được tiền và phải ngậm ngùi ra về.
Ông Nguyễn Văn Nam (người thị trấn Ngô Đồng, Giao Thủy, Nam Định) chia sẻ: “Tôi làm bảo vệ ở một tòa nhà trên đường Phan Chu Trinh, Hà Nội. Sáng nay chờ người đến đổi ca xong, tôi mới vội vã ra bến xe Giáp Bát về quê. Biết là xe ngày tết nên gặp chuyến nào, dù không có chỗ ngồi tôi vẫn chịu chen chúc. Đi làm cả năm nhưng đúng là ra đường ngày tết bị chặt chém đủ thứ. Nhìn cảnh người ta thu vé xe chẳng khác làm ăn cướp của những người dân như chúng tôi.
Trông ôtô 40-70.000đ/xe, bún riêu, phở 50-60.000đ/bát
Bạn Hiền Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) đã phải trả số tiền gấp nhiều lần cho dịch vụ trông xe ở cạnh đền Quán Thánh vào hôm mồng 2 Tết.
Hiền Anh cho hay: “Giá gửi xe hôm đó là 30.000 đồng/xe, nhưng ai cũng phải chấp nhận thôi, vì chẳng có nhiều lựa chọn. Hôm giao thừa, em mất tới 50.000 đồng/xe đó. Ngày Tết thế này, nhiều chủ bãi trông xe coi việc nâng giá là chuyện hiển nhiên. Mất nhiều tiền nhưng họ nhồi nhét xe kinh khủng lắm, cong gương, xước yếm là bình thường”. Trưa 3 Tết, chú Hưng gửi xe ở phố Nguyễn Xí để mua vài quyển sách. Chỉ mua sách 1 lát, tiền gửi xe bị thu 20.000 đ/xe, trong khi bình thường chỉ 3.000 đến 5.000 đồng/xe. Bức xúc vì đây là điểm trông giữ xe "đấu thầu" của phường hẳn hoi, chứ không phải tư nhân tự phát, chú Hưng và người bạn đi cùng nhất định không trả mức tiền nói trên. Tranh luận 1 hồi, nhóm trông giữ xe chấp nhận giảm 50%, thu 20.000 đồng cho cả 2 xe. 
Nạn chặt chém gửi xe.
 Nạn chặt chém gửi xe.
Bên cạnh hàng quán và dịch vụ trông xe, những dịch vụ khác cũng thừa cơ nâng giá trong dịp này là xe ôm và hàng vá săm, lốp.
Cô Phạm Thị Lụa (Bách Khoa, Hà Nội) chia sẻ rằng lúc ngày thường, cô chỉ mất khoảng 20.000 đồng để đi xe ôm sang nhà con gái, cách khoảng 3,5km. Nhưng vào dịp Tết, dù số người lái xe ôm không thiếu nhưng mức giá “rẻ” cũng phải là 30.000 đồng, không thì 40.000 đồng, và “họ còn hay chạy ẩu nữa, vì đường vắng, mỗi cuốc kiếm được nhiều hơn nên tranh thủ chạy nhanh”.
Với những người không may bị thủng săm xe máy giữa đường thì việc bị “chặt chém” đầu Xuân cũng không hiếm.
“Ngày thường thì một miếng vá là 20.000 đồng, nhưng vào Tết thì họ thu gấp đôi, lên 40.000 đồng/miếng. Đấy là may mà không phải thay săm, chứ nếu thay thì còn bị “chém” nữa”, anh Thắng – người bị thủng săm vào chiều mồng 3 Tết – chia sẻ.
Mới 9 giờ sáng ngày mùng 3 Tết, tại Văn Miếu đã đông nghẹt người đến thăm quan. Khách đến tham quan tìm chỗ gửi xe quả là không dễ dàng gì, nhất là đối với ôtô. Nhiều địa điểm trông xe tự phát hai bên đường Tôn Đức Thắng gần khu vực Văn Miếu. Phí trông giữ xe được đẩy lên gấp nhiều và mỗi nơi một mức, loạn phí trông giữ xe.
Chỉ khu vực Văn Miếu Quốc Tử Giám, phí trông giữ ôtô nơi thì áp đồng một mức là 50.000 đồng/xe, nơi thì 40-70.000 đồng/ xe (tùy xe 5 hay 7 chỗ), thậm chí có chỗ thì trông xe theo giờ với mức 40.000 đồng/giờ; không phân biệt xe to hay bé.
Còn tại công viên Thủ Lệ, phí trông giữ ôtô cũng được đẩy lên 50.000 đồng/xe. Điều đáng ngạc nhiên là ngay trên đường vào cổng gần khách sạn Daewoo, một người hướng dẫn khách gửi ôtô ngay ở phía ngoài, cách cổng vào công viên Thủ lệ 300 m. 
Một mặt hàng mà nhiều người đi chơi tết quan tâm là hàng ăn như bún, phở những ngày tết và sau tết. Cũng như năm những năm trước, giá mặt hàng này cũng bị chặt chém, gấp 2 – 2,5 lần so với ngày thường. Do đó, ai vào ăn cũng thường hỏi giá. Như trên đường Nguyễn Lương Bằng, Đội Cấn… bún riêu bò đậu 50.000 đồng/bát, phở bò, gà 60.000 đồng/ bát./.

Đọc thêm