Chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định sẽ tác động như thế nào?

(PLO) - Thực hiện Kế hoạch chuyển đổi mã vùng của Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT), bắt đầu từ ngày 11/2/2017, 13 tỉnh trong nhóm đầu tiên sẽ được đổi mã vùng điện thoại cố định. Vậy việc chuyển đổi mã vùng sẽ tác động thế nào đến những người sử dụng điện thoại cố định?
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ảnh hưởng chủ yếu tới cơ quan, tổ chức

Theo Bộ TTTT, việc chuyển đổi mã vùng không ảnh hưởng đến số thuê bao, số thuê bao vẫn giữ nguyên như cũ. Ví dụ, số cố định tại Hà Nội là 23456789, sau khi chuyển để từ mã vùng cũ (4) về mã vùng mới (24) thì số cố định đó vẫn là 23456789. Nghĩa là khi thực hiện cuộc gọi nội hạt từ cố định đến cố định trong cùng một tỉnh thành sẽ không có gì thay đổi.

Các cuộc gọi liên tỉnh, từ di động và từ quốc tế vào số cố định, tức là các cuộc gọi có sử dụng mã vùng sẽ chịu sự tác động của kế hoạch này. Với các cuộc gọi này, phải thay mã vùng cũ bằng mã vùng mới. Ví dụ, nếu gọi từ máy di động vào số cố định tại Hà Nội là 23456789, trước khi đổi mã vùng ta quay số 04.23456789, thì sau khi thay đổi mã vùng ta quay số 024.23456789.

Theo báo cáo của các DN viễn thông, tổng lưu lượng các cuộc gọi liên tỉnh, từ di động và từ quốc tế vào số cố định Việt Nam chỉ chiếm khoảng 1,6% tổng lưu lượng viễn thông Việt Nam. Như vậy, tác động thực sự tới các cuộc gọi không nhiều, hơn nữa, tác động này chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian, khi người sử dụng quen với mã vùng mới thì không còn ảnh hưởng nữa. “Nói cách khác, khi thay đổi mã vùng tuy có ảnh hưởng nhưng tác động rất nhỏ, đối tượng bị ảnh hưởng chủ yếu tập trung ở khối cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức”, đại diện Cục Viễn thông (Bộ TTTT) cho biết.

Ngoài ra, một số tổ chức cá nhân cũng chịu sự tác động là có thể phải làm lại các sản phẩm có gắn với mã vùng, như danh thiếp, bao bì, biển quảng cáo..., phải sửa đổi lại mã vùng cho các số đã lưu lại trong điện thoại di động...

Giảm thiểu ảnh hưởng tác động bằng cách nào?

Để giảm thiểu tối đa việc mất liên lạc có thể xảy ra trong và sau quá trình chuyển đổi, việc thực hiện quy trình chuyển đổi tuân thủ theo khuyến nghị của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU). Theo đó, việc chuyển đổi được tiến hành đủ 4 bước: 

Bước 1: Thông báo rộng rãi trước thời điểm chuyển đổi tối thiểu 60 ngày, gửi thông báo hướng dẫn tới đối tượng chịu ảnh hưởng; 

Bước 2: Tiến hành các biện pháp kỹ thuật để quay số song song trong thời gian 30  ngày kể từ thời điểm bắt đầu chuyển đổi (Ví dụ, trong thời gian này người sử dụng quay số theo mã vùng cũ vào thuê bao tạo tp. Hà Nội là 04.23456789 hoặ quay số theo mã vùng mới là 024.23456789 thì cuộc gọi cũng đều thành công); 

Bước 3: Duy trì âm thông báo trong thời gian tối thiểu 30 ngày kể từ thời điểm kết thúc việc quay số song song; 

Bước 4: Kết thúc duy trì âm báo, các cuộc gọi chỉ thực hiện thành công khi người sử dụng quay số theo mã vùng mới.

Ngoài ra, thời điểm chuyển đổi mã vùng là vào thứ Bảy hoặc Chủ nhật, tránh ngày lễ Tết, ngày diễn ra sự kiện quan trọng... để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến các cuộc gọi.

Để giảm thiểu tác động đến các tổ chức, cá nhân có thể phải làm lại một số sản phẩm có gắn với mã vùng, cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp thực thi biện pháp chuẩn bị nhanh nhưng đảm bảo kỹ lưỡng để ban hành Kế hoạch vào cuối năm và chỉ bắt đầu chuyển đổi vào đầu năm sau để ảnh hưởng ít nhất đến hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của các tổ chức, cá nhân. Đồng thời, để thời gian truyền thông dài hơn so với thông lệ quốc tế, và chuyển đổi trong giai đoạn 1 số lượng tỉnh thành ít nhất.

Bên cạnh đó, một số ứng dụng cập nhật lại mã vùng cũng được cung cấp miễn phí cho người dùng di động. 

Đọc thêm