Có căn cứ để thanh tra chất lượng dây chuyền sản xuất nước C2

(PLO) - Việc Cty TNHH URC Việt Nam có thông cáo báo chí nói rằng người tiêu dùng tại Thanh Hóa đã vứt bỏ sản phẩm được cho là chai nước có nhãn mác C2 có 5 con ruồi, nên Cty không thể có mẫu giám định chất lượng sản phẩm. Vụ việc này đã khiến dý luận nghi ngờ về việc đã có sự thỏa hiệp.?!

Chai nước có chứa 5 con ruồi.
Chai nước có chứa 5 con ruồi.
Trao đổi về việc này với phóng viên, giới luật sư cho rằng có đủ căn cứ để cơ  quan quản lý Nhà nước tiến hành thanh kiểm tra quy trình an toàn VSTP đối với dây chuyền của nhà sản xuất.
Có thể tiến hành thanh kiểm tra đột xuất
Sáng ngày 19/3, trao đổi với phóng viên về việc thông cáo báo chí của Cty TNHH URC Việt Nam (Khu công nghiệp Thạch Thất, Quốc Oai, huyện Thạch Thất, Hà Nội) cho rằng do người tiêu dùng tại Thanh Hóa (anh Thạch Ngọc Tuấn, trú tại TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) đã vứt bỏ sản phẩm được cho là chai nước có nhãn mác C2 có ruồi bên trong nên Cty TNHH URC không có mẫu để tiến hành kiểm định chất lượng, vậy vụ việc này có bị “chìm xuồng”?
Luật sư Trần Ðình Triển- Văn phòng luật sư Vì Dân, Ðoàn luật sư Hà Nội có quan điểm: Ðể bảo vệ quyền lợi, sức khỏa cho người dân, Nhà nước, pháp luật đã có quy định rất rõ, chi tiết về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đối với nhà sản xuất. Nhà sản xuất, nhà cung cấp dịch vụ phải có trách nhiệm cung cấp sản phẩm an toàn, không gây nguy hại đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng. Nếu nhà sản xuất cung cấp sản phẩm được chứng minh là gây nguy hại cho người tiêu dùng thì cần phải xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
Theo luật sư Trần Đình Triển, cần phải cân nhắc vấn đề về tính cạnh tranh không lành mạnh trên thương trường. Không thể loại trừ trường hợp các nhà sản xuất cạnh tranh nhau về thị phần, uy tín sản phẩm, họ sẵn có công nghệ thì việc làm giả những sản phẩm có lỗi, được cho là không đảm bảo VSATTP là có thể xẩy ra. Vì vậy cơ quan, tổ chức, cá nhân khi phát hiện ra sản phẩm có lỗi cần phải có trách nhiệm niêm phong, giữ nguyên hiện trạng sản phẩm và trình báo đến cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan chuyên môn về lĩnh vực VSATTP để xem xét giám định chất lượng sản phẩm có lỗi trên. Từ đó sẽ có thông tin chính xác về việc sản phẩm có lỗi có phải là sản phẩm của nhà sản xuất hay không để có căn cứ xử lý. 
Nếu người tiêu dùng trao lại nhãn hàng có lỗi cho nhà sản xuất hay tiêu hủy thì họ sẽ đánh mất quyền lợi của chính mình và không có bằng chứng gì cả (với trường hợp chai nước được cho là có nhãn mác C2 có 5 con ruồi bên trong). 
Cũng theo luật sư Trần Đình Triển: “Thời gian vừa qua xuất hiện việc chính người tiêu dùng khi phát hiện sản phẩm được cho là có lỗi (có ruồi bên trong) của đơn vị sản xuất rồi sau đó dùng nó để uy hiếp nhà sản xuất đòi lấy 500 triệu đồng là hành vi vi phạm pháp luật rất rõ ràng và bị pháp luật ngăn chặn, xử lý là đúng. Nhà sản xuất có trách nhiệm báo cáo với cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan BVPL để làm rõ, xử lý nghiêm là đúng”- LS Triển nói. 
Luật sư Nguyễn Văn Tú - GĐ công ty luật Fanci, Ðoàn luật sư tỉnh Bắc Giang cũng có chung quan điểm như trên. Luật sư Tú cũng cho biết thêm: Có hai luật trực tiếp liên quan đến việc này, thứ nhất là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thứ hai là lien quan đến chất lượng an toàn thực phẩm. Trong trường hợp này người mua hàng mua phải sản phẩm không đảm bảo về chất lượng, cụ thể ở đây được cho là chai nước có nhãn mác C2 có ruồi, nhà sản xuất đã có đăng ký nhãn hàng hóa, chất lượng, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm với cơ quan Nhà nước. 
Người tiêu dùng trong trường hợp này có trách nhiệm mang sản phẩm đó đến nơi mua và đổi lại sản phẩm khác. Nếu không đổi lại thì trả lại sản phẩm, người bán hàng, nhà phân phối được coi là đại diện nhà sản xuất và người mua được quyền đòi lại tiền. Trong trường hợp người tiêu dùng không trả lại nhà sản xuất mà vứt đi thì người tiêu dùng chịu trách nhiệm.
“Trong vụ việc Tân Hiệp Phát, người tiêu dùng đã dùng sản phẩm được cho là có lỗi để đòi tiền với số tiền quá lớn so với giá trị sản phẩm bị xử lý về hành vi cưỡng đoạt tài sản là đúng. Bởi trong trường hợp này không thể dùng thủ thủ đoạn ep nhà sản xuất”- luật sư Tú nói.
Với vụ việc chai nước có nhãn mác C2 được nghi là của Cty TNHH URC Hà Nội sản xuất thì không thể cứ tiêu hủy bằng chứng là chai nước cho là có ruồi thì đã xong. Trong trường hợp này có thể có sự cảm thông của cá nhân người tiêu dùng với nhà sản xuất. Tuy nhiên, vấn đề đảm bảo lợi ích, an toàn cho cộng đồng người tiêu dùng thì lại khác.
Theo luật sư phân tích thì với diễn biến vụ việc, cộng đồng người tiêu dùng không thể không nghi ngờ đối với cách giải quyết chóng vánh vụ việc của Cty TNHH URC. Vậy để trả lời câu hỏi dây chuyền sản xuất của nhà sản xuất có lỗi hay không? Có đảm bảo tiêu chuẩn an toàn VSTP hay không thì các cơ quan quản lý Nhà nước, ở đây là các cơ quan hữu trách của TP. Hà Nội (nơi mà nhà sản xuất có nhà máy sản xuất) có thể tiến hành thanh kiểm tra và có kết luận cho người tiêu dùng được rõ. Việc thanh tra, kiểm tra có hai dạng. Một là thường xuyên, hai là đột xuất. Trong trường hợp có thông tin chai nước được cho là nhãn mác C2 có ruồi bên trong, dựa vào tính xác thực, tìm hiểu khách quan từ nhiều phía cư quan chức năng của Hà Nội có thể thanh, kiểm tra đột xuất dây chuyền sản xuất của nhà sản xuất trong vụ việc này.
Người tiêu dùng bức xúc
Theo ghi nhận của phóng viên ngày 19/3 cho thấy người tiêu dùng tại Hà Nội và các tỉnh lân cận đang hoang mang, ngờ vực về việc chai nước được cho là của C2 có ruồi bên trong. Trao đổi với phóng viên nhiều người tiêu dùng cũng có mong muốn cơ quan vệ sinh an toàn thực phẩm của Hà Nội vào cuộc kiểm tra cư sở sản xuất của Cty TNHH URC Hà Nội xem có đảm bảo chất lượng hay không.
Theo ghi nhận của phóng viên tại các quán nước ở Hà Nội và các khu dân cư cho thấy nhiều gia đình tỏ ra nghi ngại và có trường hợp không cho con nhỏ sử dụng nước uống C2 vì họ ghi ngại về chất lượng an toàn VSTP của nhãn đồ uống này.
Chị Nguyễn Thị Mai Hương, khu đô thị Ðại Thanh, Thanh Trì, Hà Nội cho biết là con gái chị (6 tuổi) vốn rất thích nước uống C2, nhưng từ khi có thông tin về nghi vấn sản phẩm này có ruồi bên trong nên chị Hương không cho con uống nữa. Với tư cách người tiêu dùng, chị Hương cho rằng cơ quan hữu trách cần có trách nhiệm kiểm tra chất lượng dây chuyền sản xuất sản phẩm này và có thông tin đến người tiêu dùng.
Chị Phạm Thu Hạnh- Láng Hạ, Hà Nội khi được hỏi cũng có quan điểm rằng cần phải đảm bảo an toàn, sức khỏe cho cộng đồng người tiêu dùng, chứ không phải cá nhân khách hàng đơn lẻ ở Thanh Hóa, thì trước thông tin nhạy cảm này cơ quan chức năng cần phải vào cuộc kiểm tra làm rõ để người tiêu dùng yên tâm./.
Chuyên mục Tiêu dùng & Dư luận của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả liên quan đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hành, chăm sóc khách hàng...  Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư:baodientuphapluat@gmail.com
 BOX: Các ì xèo của C2 mà truyền thông đã đưa tin
Thông tin trên báo Giáo dục Việt Nam đầu tháng 6/2012 đưa tin về việc anh Ngô Hồng Sơn (SN 1967, trú tại 310B Lạc Trung, phường Vĩnh Tuy, Hà Nội) cũng phát hiện một vật thể lạ trong chai nước trà xanh C2 được sản xuất tại Cty TNHH URC Hà Nội. Bên trong chai nước C2 do anh Sơn phản ánh xuất hiện một vật thể lạ màu nâu đen đang trong quá trình bị trương và phân hủy. Trên bề mặt chai nước xuất hiện nhiều lớp váng. Cũng theo anh Sơn khẳng định, chai C2 này chưa hề bị mở nắp từ lúc nhập từ đại lý về. Trên vỏ chai còn ghi rõ ngày sản xuất là 5/3/2012 và hạn sử dụng là 5/3/2013.  Ngày 20/6/2012, Công ty TNHH URC Hà Nội đã gửi công văn phản hồi tới báo chí về sự việc này.Nội dung công văn cho biết: “Sau khi xem xét mẫu do PV cung cấp tại chỗ, đại diện phía Công ty nhận thấy rằng, chai trà C2 được sản xuất ngày 5/3/2012 vào lúc 04h29, nắp chai chưa mở, ren nắp lỏng, nước chai bị rò rỉ, bên trong nắp có dính cặn đen và bên trong chai có váng màu nâu trắng đóng cục nổi lên mặt”. Lý giải về tại sao trong chai C2 lại xuất hiện vật thể lạ, khi nắp chai chưa mở, phía công ty cho rằng: "Sản phẩm lỗi (tức chai C2 có vật thể lạ - PV) không xảy ra trong quá trình sản xuất mà nguyên nhân có thể là do trong quá trình vận chuyển hoặc lưu trữ tại nhà phân phối, đại lý, các chai trà va đập với nhau, nắp chai bị dịch chuyển nên không khí xâm nhập vào bên trong và làm hư hỏng sản phẩm. 
Tiếp đó tin tức trên VTC News  ngày 24/12/2008, anh Nguyễn Tuấn Thành - Trung tâm Phát triển dịch vụ, Công ty VTC Intecom (ở Hà Nội), mua 1 lốc 6 chai nước trà xanh C2 của Công ty TNHH URC Việt Nam, tại Metro Hoàng Mai, Hà Nội. Khi đem ra dùng, anh Thành phát hiện 1 trong 6 chai đó có vật thể lạ dù còn nguyên nắp chưa mở.
Chai nước trà xanh C2 này có một đám lợn cợn nổi lềnh phềnh trên mặt nước. Đám lợn cợn này có diện tích rộng bằng một quả trứng gà, nằm lập lờ mặt nước, trông giống như con dấm được hình thành sau nhiều ngày lên men hoặc giống như một con sứa thu nhỏ. Khi lắc mạnh, đám vật thể lạ này vỡ tan thành những sợi, màng mỏng nhỏ hơn, trôi nổi khắp chai nước. Một lúc sau, chúng lại tụ lại, nổi lập lờ trên mặt nước, một ít lại đọng ở dưới đáy chai.

Đọc thêm