Có tẩy chay được hàng Trung Quốc sau vụ giàn khoan trên Biển Đông?

(PLO) - Sau sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam, nhiều thành viên và các trang mạng xã hội đang kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, dù dưới hình thức nào, buôn bán hay tiêu dùng, ai dùng hàng Trung Quốc là không xứng danh người Việt...
Có tẩy chay được hàng Trung Quốc sau vụ giàn khoan trên Biển Đông?
Dậy sóng tẩy chay hàng Trung Quốc 
Ngay lập tức, hàng ngàn người đã lên tiếng ủng hộ hành động này. Phân tích sâu hơn, độc giả Nguyễn Khánh Toàn cho rằng, với kim ngạch 23,7 tỉ USD, Trung Quốc là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam năm 2013. Điều đáng lo ngại, với chính sách giá tận diệt, rất nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đã và đang triệt tiêu nhiều doanh nghiệp nội địa.
Mặt khác, nhiều mặt hàng của Trung Quốc được nhập lậu, chưa qua kiểm soát, không rõ nguồn gốc, xuất xứ đe dọa trực tiếp tới cuộc sống của người dân. Và trên thực tế, đã có nhiều trường hợp bị ảnh hưởng nặng nề về sức khỏe do dùng hàng Trung Quốc.
Tuy ủng hộ quan điểm của lòng yêu nước, nhưng nhiều bạn lo ngại khẩu hiệu tẩy chay hàng Trung Quốc khó thực hiện, đúng hơn không thể thực hiện được. Vì nếu không chỉ sản phẩm, mà phần lớn hàng hóa Việt Nam cũng được sản xuất với hàm lượng rất lớn vật liệu, máy móc của Trung Quốc.
Bạn Đ.T phân tích: “Hàng Trung Quốc ở đâu ra các bác? Do mình chưa nghiêm trong việc chống buôn lậu thôi. Hàng lậu vẫn tuồn về nhiều lắm. Nếu cứ như thế dân mình còn nghèo mua đâu hàng Việt khi giá cao gấp đôi? Đành mua hàng Tàu "dùng tạm" thôi. Nên không thể trách dân mình được phải trách "người khác" thôi”.
Hàng Trung Quốc được bọc gói.
 Hàng Trung Quốc được bọc gói.
Tuy nhiên, cũng có độc giả cho rằng, hàng Việt Nam rất phong phú và đa dạng, đặc biệt là ngành dệt may. Cho nên, sẽ không bao giờ tới mức phải “cởi chuồng” nếu tẩy chay đồ Trung Quốc.
Bạn Hạnh Lê rất lạc quan khi cho rằng dân có tiền thì các hãng thời trang quốc tế rất nhiều, ít tiền hơn dùng hàng Việt Nam. Nồi cơm điện của Hàn Quốc sản xuất ở Việt Nam, nồi Thái Lan cũng không ít. Cắt đồ Trung Quốc thì dùng hàng Việt Nam, nhập hàng của Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Hàn Quốc…
Hàng TQ còn nhan nhảm, nhưng 59% "sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam"
Theo khảo sát nhanh của PV, hiện nay, tại các chợ đầu mối lớn trên toàn quốc, hàng Trung Quốc dường như vẫn đang thống trị, các chủ buôn sẽ chuyển hàng về các điểm kinh doanh nhỏ lẻ ở các vùng miền. 
Mối lo hàng Trung Quốc “lấn sân” hàng Việt ngày càng lớn khi thời điểm năm 2015, Hiệp định ASEAN +1 có hiệu lực, hàng hóa Trung Quốc và các nước trong khu vực có thuế suất 0% đang đến gần. 
Trao đổi với PLVN, chị Trần Thị Huyền Trang, giáo viên một trường mầm non tại Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, hiện tại, trong gia đình mình chiếm khoảng 40% là dùng hàng ngoại, riêng đồ Trung Quốc chiếm hơn 30%. Một số đồ dùng có xuất xứ từ Trung Quốc như giày, quần áo, tivi. 
Chị Trang cũng cho biết, trước đây, cháu nhỏ nhà chị cũng chơi một số trò chơi của Trung Quốc như các loại siêu nhân, bóng bay… nhưng từ sau vụ đồ chơi Trung Quốc phát nổ khiến các cháu học sinh bị ngộ độc, chị đã loại bỏ hoàn toàn và mua đồ Việt Nam cho con chơi.
Anh Nguyễn Phi Hùng, chủ một ki ốt chợ đầu mối Long Biên thừa nhận với chúng tôi rằng, hiện nay, tại Long Biên còn số lượng rất lớn hoa quả nhập về từ Trung Quốc. Khi được hỏi, số hoa quả này có xuất xứ, nguồn gốc cụ thể ra sao và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hay không thì anh Hùng lắc đầu và cho biết, việc buôn bán qua rất nhiều khâu trung gian nên không thể nắm hết được. 
Theo quan sát của PV, tại chợ đầu mối Long Biên, hầu hết hàng nhập khẩu về là hàng Trung Quốc, bên ngoài bao bọc bởi các thùng xốp in chằng chịt chữ Trung Quốc.
Qua kiểm tra và lấy mẫu thực phẩm Trung Quốc, Bộ NN&PTNT liên tục phát hiện các mẫu rau quả này đều có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức tối đa cho phép. Khi sử dụng các sản phẩm nhiễm độc trên, các hóa chất độc hại này sẽ tích tụ trong cơ thể dần dần gây ra các triệu trứng liên quan đến tiêu hóa, dạ dày về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến đến gan, thận…
Tuy nhiên, một tín hiệu đáng mừng là kết quả điều tra xã hội học gần đây của Ban Tuyên giáo Trung ương cho thấy: 59% người tiêu dùng luôn "tự xác định khi mua hàng hoá sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; 38% người tiêu dùng "khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, người quen biết nên mua hàng Việt Nam"; 36% người tiêu dùng cho rằng "trước đây có thói quen mua hàng có nguồn gốc xuất sứ ở nước ngoài nay đã dừng mua (hoặc ít mua hơn), thay bằng mua hàng Việt Nam".
Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. 
Dùng hàng Việt Nam để phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước
Chất lượng sản phẩm hàng hóa của Việt Nam ngày một cao hơn. Nhiều sản phẩm đã có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế như: cà phê, gạo, hạt điều, thủy sản, đồ gỗ, hàng may mặc, điện tử… 
Bộ Chính trị đã xác định rất rõ, mục đích cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" nhằm “Phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu”.
Nhiều người quan ngại, việc thuyết phục người tiêu dùng Việt Nam dùng hàng Việt Nam vì lý do tinh thần yêu nước thuần túy sẽ gặp phải nhiều khó khăn. Có người còn cho rằng người Việt Nam dùng hàng ngoại quá quen hoặc là sính hàng ngoại đến nỗi có định kiến rằng hàng ngoại mới tốt, mới sang, mới khẳng định được vị thế của mình./.
Tuy nhiên, ưa chuộng các thương hiệu ngoại không đồng nghĩa với việc chấp nhận dùng hàng ngoại rởm, kém chất lượng, thậm chí gây hại trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng của người dân. 
Quan trọng hơn, khi tinh thần yêu nước đã được khơi gợi, trở thành nếp sống văn hóa, trở thành hơi thở của cuộc sống, của một công dân thì mọi chuyện sẽ thay đổi.
Hướng về những giá trị truyền thống mang đậm tính nhân văn, những tình cảm nặng hơn là vật chất trong những thời điểm quan trọng chính là hành động thiết thực nhất khẳng định tình yêu đối với tổ quốc. Người xưa có câu, “Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”

Đọc thêm