Đau đầu với “bài toán” an toàn thực phẩm

(PLO) - “Chưa bao giờ con đường từ dạ dày đến nghĩa địa lại nhanh chóng và dễ dàng như bây giờ” là lời phát biểu của đại biểu Trần Ngọc Vinh tại kỳ họp Quốc hội vừa qua và cũng chưa bao giờ việc đi tìm lời giải cho “bài toán” an toàn thực phẩm lại đau đầu như bây giờ.  
Thực phẩm mất vệ sinh an toàn thực phẩm trong thời gian qua
Thực phẩm mất vệ sinh an toàn thực phẩm trong thời gian qua
Chẳng lẽ nhịn 2 năm để đợi văn bản hướng dẫn?
Càng ngày báo chí truyền thông càng phanh phui ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, các clip kinh hoàng ghi lại hành vi sử dụng hóa chất cấm để kiếm lợi nhanh chóng. Con số 5.203 người ngộ độc thực phẩm, 43 người chết là con số đáng báo động về vấn nạn mất vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) ở nước ta trong năm 2014. Người tiêu dùng lâm vào cảnh hoang mang “không biết ăn gì để không chết” khi mà nước cũng bị nhiễm bẩn, gạo cũng bị làm giả, gia súc, gia cầm thì bị nuôi bằng chất cấm...
Tình trạng mất vệ sinh, không bảo đảm ATTP hiện nay do hoạt động quản lý nhà nước về ATTP kém hiệu quả là nhận định được nhiều chuyên gia nhất trí tại hội thảo đóng góp chính sách pháp luật về ATTP diễn ra mới đây. Luật và các văn bản liên quan không ban hành đồng thời, thậm chí các thông tư, quyết định, nghị định được ban hành sau luật tới 2 – 3 năm. Vậy thì trong 2 – 3 năm đó, người dân làm cách nào để tránh mua phải thực phẩm bẩn khi ngày nào họ vẫn phải ăn uống? 
Theo ông Nguyễn Tử Cương, Hội Nghề cá Việt Nam, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ATTP phức tạp, chồng chéo, mâu thuẫn và chậm chạp như vậy sẽ dẫn tới việc doanh nghiệp không biết làm thế nào cho đúng luật, các cơ quan thực thi chỉ dựa vào văn bản có lợi cho họ để làm việc. 
Đơn cử, cùng một khái niệm cơ bản, nghi vấn ATTP nhưng mỗi cơ quan, bộ, ngành lại có cách giải quyết khác nhau. Lực lượng kiểm tra ATTP thường nhằm vào cơ sở lớn để kiểm tra, để phạt, trong khi những cơ sở nhỏ lẻ, sản xuất không đảm bảo thì bỏ qua.  Lợi ích nhóm, tham nhũng chính sách xuất phát từ đây. 
Chính vì vậy 5 năm qua, hệ thống các quy định về quản lý chất lượng vệ sinh ATTP còn quá nhiều khó khăn khi áp dụng thực tế. Tính khả thi của các văn bản quy phạm pháp luật về vệ sinh ATTP chưa cao. Hiện nay, chế tài xử phạt không đủ sức răn đe, phạt để cho qua, ví dụ như Điều 244 Bộ luật Dân sự quy định: “Nếu buôn bán thực phẩm độc hại mà gây thiệt hại tính mạng hoặc sức khỏe nghiêm trọng thì mới xử lý”. 
Vậy tức là người tiêu dùng phải “lăn ra chết” thì hành vi vi phạm mới được xử lý, trong khi ăn xong thì người dân hoặc bị ngộ độc cấp tính, hoặc chất độc từ từ ngấm vào trong cơ thể, nhiều năm sau mới phát hiện bị bệnh thì chẳng ai đền. 
Nỗi khổ của 4 chữ “C” trong pháp luật an toàn thực phẩm
Tổng kết những bất cập của Luật ATTP để rút ra giải pháp, ông Nguyễn Vi Khải - Phó Viện trưởng Viện Những vấn đề phát triển cho rằng: “Văn bản luật của Việt Nam đang bất cập ở 4 chữ C: chồng chéo, chậm, cấu trúc có vấn đề, chế tài vận dụng và xử lý không tương thích. Ví dụ như ngôn từ trong Điều 4 Luật ATTP, đó không phải là ngôn từ của luật pháp mà giống ngôn từ của hành pháp. Ngôn từ của luật pháp phải súc tích, rõ ràng nên tôi đề nghị phải sửa lại cấu trúc luật”. 
Các chuyên gia đều nhấn mạnh việc cần xã hội hóa mọi nguồn lực để hỗ trợ quản lý nhà nước. Ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng: “Việc xử lý vi phạm rất khó cho nên chúng ta phải xã hội hóa nguồn lực. Nếu chúng ta không huy động lực lượng xã hội vào cuộc thì chúng ta không thể thực hiện được luật. Trong nền kinh tế thị trường, vai trò của hội và hiệp hội vô cùng quan trọng. Ở các nước phát triển, chỉ cần hội, hiệp hội tham gia công tác xây dựng chính sách, giám sát ATTP như là đối tác tin cậy của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực ATTP”.
Các chuyên gia cũng thống nhất, ATTP gắn liền với sử dụng hóa chất nên phải dựa vào công ước quốc tế để kiểm soát tác hại tới môi trường. Mục tiêu cuối cùng của Luật ATTP là sức khỏe và môi trường, không phải chỉ là vấn đề chuyên môn sức khỏe thuần túy mà liên quan trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, an sinh, an toàn xã hội. Rõ ràng việc sửa đổi chính sách, luật về vệ sinh ATTP để bảo vệ sức khỏe, môi trường cho người dân vô cùng cấp bách và bức thiết hiện nay. 
Cần quy trách nhiệm bảo đảm ATTP cho các cơ quan quản lý
Theo PGS.TS Nguyễn Kim Vân, Hội KHKT Bảo vệ thực vật Việt Nam, Luật ATTP nên bổ sung thêm quy định bảo đảm ATTP là trách nhiệm của các cơ quan quản lý liên quan đến an toàn thực phẩm, trong đó có Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.  Bộ Y tế cần xem xét, ban hành Thông tư quy định dư lượng thuốc BVTV trong thực phẩm, Bộ NN&PTNT cần ban hành văn bản hướng dẫn kiểm tra thực phẩm.

Đọc thêm