Đề xuất 'nới' hạn mức khuyến mại lên 100% giá trị hàng hóa, dịch vụ

(PLO) - Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 37/2006/NĐ-CP về hoạt động xúc tiến thương mại, cộng đồng DN Việt Nam kiến nghị, để tạo thuận lợi cho DN, cần xem xét mở rộng giới hạn giá trị cho tất cả các trường hợp khuyến mại, lên mức 100% hoặc cao hơn.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cạnh tranh không lành mạnh- đã có Luật cạnh tranh “lo”

Trong văn bản gửi tới Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) dẫn quy định tại Điều 5, 6 Nghị định 37/2006/NĐ-CP, theo đó “giá trị vật chất dùng để khuyến mại cho một đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá của đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại đó trước thời gian khuyến mại, trừ trường hợp khuyến mại bằng các hình thức quy định tại Điều 7, Điều 8, Điều 11, Điều 12, Điều 13 Nghị định này”; “Mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá hàng hóa, dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mại”.

“Đây được xem là một trong những vướng mắc lớn nhất của quy định về khuyến mại hiện hành, bởi, về mặt quản lý, mục tiêu chính của quy định về hạn mức giá trị tối đa dùng để khuyến mại được giải trình là “nhằm hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường” Tuy nhiên, mục tiêu quản lý này dường như chưa hợp lý và không cần thiết, bởi trường hợp DN lạm dụng khuyến mại để bán sản phẩm dưới giá thành đến mức “cạnh tranh không lành mạnh”, ảnh hưởng bất lợi đến các đối thủ cạnh tranh trên thị trường thì pháp luật cạnh tranh đã có biện pháp xử lý” – VCCI nhận định.

Về mặt kinh tế, khuyến mại là hoạt động gắn liền với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (DN), có tác động thúc đẩy hiệu quả kinh doanh phù hợp với các chiến lược của mỗi DN. Hoạt động này đóng vai trò quan trọng đối với các DN muốn giới thiệu và/hoặc thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ tới người tiêu dùng. Đặc biệt, đối với những DN nhỏ và vừa, mới gia nhập thị trường thì khuyến mại sẽ giúp họ giới thiệu sản phẩm và tiếp cận người tiêu dùng dễ dàng hơn. Trong đó, giá trị của khuyến mại là điều hấp dẫn khách hàng đến với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại. Việc đặt ra giới hạn của giá trị khuyến mại sẽ làm suy giảm giá trị khuyến mại và trở thành rào cản cho DN khi sử dụng công cụ này trong hoạt động kinh doanh, vô hình trung khiến cho hoạt động của DN kém hiệu quả.

Mục tiêu quản lý nhà nước chưa rõ ràng

Hơn nữa, theo quy định tại Nghị định 37 cũng như Dự thảo thì một số hình thức khuyến mại sẽ không bị ràng buộc bởi hạn mức giá trị khuyến mại (các hình thức quy định tại Điều 7, điểm b khoản 1 Điều 8, Điều 11, Điều 12, Điều 13) hay hạn mức tổng giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại (các hình thức quy định tại Điều 7; điểm b khoản 1 Điều 8). Điều này là chưa rõ về mục tiêu chính sách. Tại sao lại đặt ra giới hạn cho các hình thức khuyến mại ngoài các quy định trên? Những hình thức khuyến mại bị giới hạn bởi hạn mức sẽ gây ra nguy cơ gì tác động đến lợi ích công hơn các hình thức khuyến mại không bị ràng buộc hạn mức? Các câu hỏi này cho thấy, mục tiêu quản lý nhà nước đối với các hình thức khuyến mại vẫn chưa rõ ràng.

Dù những vướng mắc, bất cập về hạn mức giá trị khuyến mại cũng đã được Bộ Công Thương nhận diện, nhưng bất cập này lại chưa được giải quyết thỏa đáng tại Dự thảo. Cụ thể, Dự thảo vẫn giữ hạn mức 50% giá trị tối đa để khuyến mại, và mới chỉ mở rộng hạn mức giá trị tối đa khuyến mại lên 70% trong một số trường hợp như tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung do cơ quan nhà nước chủ trì tổ chức.

Đề xuất mở rộng giới hạn giá trị khuyến mại

“Quy định trên cần được cân nhắc, xem xét lại ở các góc độ. Thứ nhất, việc giữ nguyên hạn mức 50% thì những bất cập, vướng mắc hiện tại gần như chưa được giải quyết” – VCCI phân tích. “Đối với việc mở rộng hạn mức 70% nhưng lại trong các trường hợp phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của cơ quan nhà nước (cơ quan Nhà nước có đứng ra các chương trình khuyến mại tập trung hay không), trong khi  hoạt động khuyến mại của DN phải căn cứ vào chiến lược/tình hình kinh doanh của DN và không phải khi nào chiến lược đó cũng trùng với các đợt/chương trình khuyến mại được cơ quan Nhà nước tổ chức”. Theo số liệu thống kê của chính Bộ Công Thương, thì “đa số các địa phương đều chưa tổ chức hoặc phát động các chương trình khuyến mại như tháng khuyến mại, mùa mua sắm (38/50 địa phương)”. Như vậy có thể thấy, với số lượng ít ỏi địa phương tổ chức chương trình khuyến mại tập trung như hiện nay thì việc mở rộng hạn mức 70% cũng ít tháo gỡ khó khăn cho DN.

Tất nhiên, quy định về hạn mức giá trị tối đa dùng để khuyến mại được quy định trong Luật Thương mại 2005 và việc bỏ hoàn toàn quy định này phải chờ tới khi Luật Thương mại được sửa đổi. Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi này, để tạo thuận lợi cho DN và cũng hạn chế đến mức có thể tác động bất lợi của quy định “thừa” về mặt quản lý này, VCCI đề nghị mở rộng giới hạn này cho tất cả các trường hợp khuyến mại, ví dụ nâng đồng thời lên 100% hoặc cao hơn.

Theo VCCI, trong khi Luật Thương mại 2005 quy định về việc có hạn mức khuyến mại không  đưa ra giới hạn nào về hạn mức khuyến mại, do đó việc đặt ra hạn mức là tùy nghi, phụ thuộc vào nguy cơ mà khuyến mại vượt hạn mức có thể gây ra với cạnh tranh, mà như đã phân tích, nguy cơ này đã được kiểm soát bởi pháp luật cạnh tranh rồi, do đó rất ít ảnh hưởng. 

Đọc thêm