Đô thị ô nhiễm và “nông thôn hóa” vì… thực phẩm sạch

(PLO) - Hiện nay, tại các đô thị như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… để có nguồn thực phẩm an toàn, nhiều hộ gia đình đã tận dụng ban công, sân thượng để trồng rau, nuôi gà, thả cá. Tuy nhiên, việc tự cung tự cấp thực phẩm như vậy cũng khiến bộ mặt đô thị trở nên nhem nhuốc, ô nhiễm, thậm chí là nguồn gốc ủ bệnh. 
Đô thị ô nhiễm và “nông thôn hóa” vì… thực phẩm sạch

Đáng nói, dù thực trạng này xảy ra đã lâu nhưng đến nay dường như nó vẫn nằm ngoài tầm quản lý của các cơ quan chức năng.

Ô nhiễm vì “thực phẩm sạch”

Trồng rau trên sân thượng, vỉa hè, trong bồn hoa công viên, nghĩa trang… là những “sáng tạo” độc đáo suốt nhiều năm nay của người dân Hà Nội với mong muốn tự cung, tự cấp rau sạch cho gia đình. Lướt qua các diễn đàn, trang mạng xã hội, dễ dàng bắt gặp các chị em nội trợ chia sẻ kinh nghiệm làm vườn trong nhà. Thậm chí, có người đã đầu tư hàng chục triệu đồng cho cách làm này.

Ở phường Mai Động (quận Hoàng Mai) chuyện trồng rau trong nhà cũng khá phổ biến. Thậm chí không ít hộ có thâm niên hơn 20 năm đưa rau lên sân thượng, ban công để trồng. Bà Nguyễn Thị Q. ở ngõ 13 Lĩnh Nam là một ví dụ. Theo bà Q., hiện bà sử dụng gần 60 hộp nhựa để trồng mồng tơi, rau muống, hành, tỏi, dưa leo... Căn nguyên xuất phát việc làm này nhằm “mua lấy sự an tâm”.

Bà Q. chia sẻ: “Bây giờ đi ra chợ mua rau thấy hoang mang quá. Thông tin rau bị phun thuốc, rửa bằng nước bẩn nhan nhản trên các phương tiện khiến chúng tôi không dám ra chợ mua rau”.

Không chỉ dừng lại ở việc trồng cấy rau cỏ, nhiều hộ dân Thủ đô còn chăn nuôi gia cầm như gà, vịt, chim bồ câu… giữa khu dân cư đông đúc để tự cung nguồn thịt sạch. Điển hình là vợ chồng anh Hoàng Văn C. (phường Khương Đình), hộ ông T (Khâm Thiên). Theo ghi nhận, suốt nhiều năm nay anh C trồng rau và nuôi gà trên sân thượng. Riêng ông T nuôi trên 100 con gà và chim bồ câu ở tầng ba.

Sẽ không có gì đáng nói nếu như nguồn “thực phẩm sạch” trên không trở thành nguyên nhân trực tiếp gây ô nhiễm môi trường, làm hàng chục hộ dân lân cận bị ảnh hưởng. Nói cách khác, do số lượng gia cầm nhiều, bầu không khí quanh khu vực có gia đình nuôi gà, trồng rau đều nồng nặc mùi hôi thối.

Bỗng dưng phải chịu ảnh hưởng ô nhiễm từ “thực phẩm sạch” của hàng xóm, không ít người đã làm đơn kiến nghị lên chính quyền địa phương. Ở trường hợp của ông T. đơn thư khiếu nại liên quan đã khiến UBND phường Khâm Thiên (quận Đống Đa) gấp rút vào cuộc giải quyết.

Đừng vội trách người dân

Khách quan nhìn nhận, việc trồng rau, nuôi gà, thả cá trên ban công, sân thượng ở các nhà phố đã không còn là chuyện hiếm. Thậm chí để mở rộng “quy mô”, nhiều người dân còn tận dụng các khoảnh đất trống trong các khu đô thị, công viên, vườn hoa, bờ sông làm chỗ canh tác.

Tiêu biểu như quanh hồ Linh Đàm gần chục hộ dân tranh thủ trồng rau vừa phục vụ gia đình, vừa kinh doanh. Hay dọc sông Kim Giang ô nhiễm các loại rau cũng được trồng lên màu khá xanh tốt. Khu vực đường đê Âu Cơ, đê Nguyễn Khoái… cũng đều được người dân tận dụng trồng rau. 

Dĩ nhiên, rất nhiều ý kiến đồng tình rằng việc tự làm nông nghiệp trong gia đình hay tăng gia ở ngoài công viên là giải pháp tìm kiếm sự an toàn. Và việc làm của người dân trước bối cảnh bất an về thực phẩm như hiện nay hoàn toàn không đáng trách. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận sự việc sâu và rộng hơn thì chuyện trồng rau, nuôi gà trên phố đang chứng tỏ một nghịch lý là chất lượng sống của người dân đang đi xuống.

Hay nói như các nhà nghiên cứu thì đô thị đang dần “nông thôn hóa”, phá vỡ định hướng phát triển của đô thị. Trên khía cạnh người tiêu dùng, trả lời trước công luận trên góc nhìn chuyên gia, Kiến trúc sư Vũ Huy Ánh (Hội KTS Hà Nội) và ông Vũ Vinh Phú (Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội) cho biết: người dân đô thị phải tự chăn nuôi chứng tỏ chất lượng sống đang đi xuống. Đây là sự thất bại của hệ thống phân phối bán lẻ.

Trở lại câu chuyện trồng rau, nuôi gà giữa phố, mặc dù không đồng tình với việc người dân chăn nuôi gà, trồng rau phục vụ bữa ăn tại các gia đình ở đô thị, song thiết nghĩ lỗi không hoàn toàn ở phía người dân. Nói cách khác, khi cơ quan chức năng chưa thiết lập được một nền sản xuất thực phẩm thực sự an toàn thì chuyện người dân phải tự cứu mình là đương nhiên.

Dù vậy, về lâu dài những việc làm tự phát trên vẫn cần có sự quản lý cửa các cơ quan chức năng, có như vậy mới phần nào hạn chế được sự ô nhiễm, kiểm soát được sự phát triển của đô thị theo đúng quy hoạch.

Đọc thêm