Đường dây 500kV: Kể chuyện ghè đá, đốt đuốc... thi công bên lưng đèo

(PLO) - Phó Trưởng Ban Chỉ huy công trình đường dây 500kV Trần Viết Ngãi nói thi công đường dây này “là một chiến dịch khủng khiếp trong cuộc đời làm nghề” của ông khi hàng vạn con người đã đồng lòng chinh phục đèo cao, rừng sâu... bất kể ngày hay đêm.
Để lên đến vị trí các cột điện trên đèo Hải Vân, công nhân phải đi nhiều km xuyên rừng, qua nhiều địa bàn đèo dốc hiểm trở
Để lên đến vị trí các cột điện trên đèo Hải Vân, công nhân phải đi nhiều km xuyên rừng, qua nhiều địa bàn đèo dốc hiểm trở

Ngạc nhiên sức người 

Kỹ sư Trần Viết Ngãi - Phó Trưởng Ban Chỉ huy công trình đường dây 500kV cho hay, một trong những ý nghĩ đầu tiên khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt yêu cầu công trình phải xong trong 2 năm là việc thực hiện đồng bộ trên mọi mặt trận, với sự ra quân đồng loạt trên toàn tuyến. 

Công trình có khoảng 4.000 - 5.000 vị trí móng cột trong suốt chiều dài dường dây, nên phải đưa máy vào khảo sát, phải bổ sung lực lượng kỹ sư với số lượng gấp 10 lần. Và điều quan trọng nhất khi ấy là phải tổ chức lực lượng công nhân như thế nào để có thể tiến hành làm việc đồng thời hiệu quả ở nhiều vị trí, trong khi việc đúc móng cột lại diễn ra ở nhiều địa hình khác nhau. 

Nhưng với kinh nghiệm quản “quân” thực hiện việc xây lắp nhiều công trình điện khắp miền Trung, ông Ngãi đã tìm ra “lời giải” cho câu hỏi về tiến độ. Theo đó, ông đã tổ chức các đội “quân” thành các Tổng đội, với nòng cốt là những công nhân lành nghề sẵn có để làm Chỉ huy tại các điểm. Sau đó, huy động các lực lượng dân phòng, thanh niên, công an địa phương biên chế thành từng đội. 

Tiếp đến, ông tiến hành chia nhỏ các vị trí thi công trên công trường. Bởi trước đó, cứ 20 cây số mới có một Tổng đội làm việc, thì khi vào “chiến dịch” phải quyết định bố trí 2 cây số phải một Tổng đội thi công. 

Trao đổi với PLVN, ông Ngãi nói, thời ấy, công ty do ông làm Giám đốc có tới 7.000 “quân” chính quy, khi cao điểm, Giám đốc Ngãi đã huy động lực lượng tại chỗ lên tới 4 vạn người. “Có thể nói đó là một chiến dịch khủng khiếp trong cuộc đời làm nghề của tôi!”, lời ông Ngãi. 

Theo đó, 4 đơn vị xây lắp đã được được Bộ Năng lượng huy động tham gia công trình. Cụ thể, Xây lắp 1 thi công từ Hòa Bình đến Nghệ An, dài 310 km; Xây lắp 3 làm từ Nghệ An vào Đà Nẵng, dài 430km; Xây lắp 4 nhận nhiệm vụ từ Đà Nẵng đến Gia Lai, khoảng 350km; Xây lắp 2 được giao từ Gia Lai vào Phú Lâm, với 350km. Đồng thời, Bộ còn giao cho 4 công ty tiến hành khảo sát địa điểm mình sẽ thi công trong thời gian 3 ngày, và sau đó phải trả lời câu hỏi có thực hiện được không. 

Vẫn theo ông Ngãi, sau khi đi khảo sát về, Công ty Xây lắp 4 xin trả lại đoạn từ đèo Hải Vân đến đèo Lò Xo dài 140 cây số. Bộ Năng lượng lúc đó cũng khá lúng túng vì không biết sẽ giao đoạn này cho ai vì đó là đoạn quá khó, toàn rừng già, cây to phải 4 - 5 người ôm mới xuể... Thủ tướng Võ Văn Kiệt biết tin này, đã  họp và phân công luôn nhiệm vụ khó “nhằn” đó cho ông Ngãi, vì lúc đó Kỹ sư Ngãi là người trẻ nhất, lại thông thao địa hình địa vật ở miền Trung Tây Nguyên.

Lúc bấy giờ, ông Ngãi nghĩ khó làm thì lãi sẽ nhiều hơn. Thế nhưng, khi “ra trận”, ông không thể ngờ, công cuộc chinh phục 140 cây số ấy lại hiểm trở và khó khăn đến mức ấy. “Ví như, phải phát tuyến trong rừng ở mặt cắt 40m với những cây cổ thụ đường kính đến 6 - 7m. Rồi ở đèo Hải Vân, phải đào những hố móng trên lưng chừng đèo, với độ sâu tới 300m mới đúc được móng và phải thả ròng rọc để đưa người xuống thi công”, ông Ngãi nói. 

Ngoài ra, để đổ được những móng bê tông như thế, công nhân phải đào từ 4.000 - 5.000m3 đất, có những nơi đào tới cả triệu m3. Chưa kể, có những đoạn chỉ toàn đá, phải ghè thủ công từng vị trí đá mới xong; đêm đến thì phải đốt đuốc, đốt đèn măng xông để thi công... Công việc được giao khoán, ai vượt tiến độ thì được thưởng, chậm thì phạt. Vì thế, chỉ sau 3 ngày là hoàn thành được một móng bê tông trong khi bình thường phải mất tới 10 ngày. 

Kỹ sư Trần Viết Ngãi (bìa trái) và Thủ tướng Võ Văn Kiệt trên công trình đường dây siêu cao áp 500 kV
Kỹ sư Trần Viết Ngãi (bìa trái) và Thủ tướng Võ Văn Kiệt trên công trình đường dây siêu cao áp 500 kV 

Ngoại giao trên... bàn tiệc 

Khi được giao vị trí Phó Ban Chỉ huy Công trường, ông Ngãi tính toán phải mua thêm rất nhiều loại máy, từ máy đào, máy xúc, máy chở vật tư vật liệu... đều phải đi vay số tiền lớn, lên đến hàng trăm tỉ đồng để đầu tư. Tiếp đó, mua thêm gần 100 chiếc ô tô nhập xe từ Nga, Trung Quốc… Ông cũng đã trang bị cho 4 công ty xây lắp hệ thống Icom, liên lạc trong bán kính khoảng 100km, cứ có sự cố là thông báo, Phó Ban chỉ huy sẽ xử lý. 

Thời điểm ấy, ông được đặc cách báo cáo Thủ tướng hàng giờ, thậm chí nửa đêm cũng được quyền gọi. 

Hết 1992, kết thúc toàn bộ công việc đúc móng trên toàn tuyến. Tháng 3/1993, Thủ tướng lại tổ chức họp toàn công trình xem có thiếu vật tư nguyên liệu gì nữa không. Lúc đó, ông Nguyễn Bá Hòa - Trưởng Ban quản lý công trình mới báo cáo lô dây cáp quang về chậm so với tiến độ đã đề ra, do việc ký hợp đồng cung cấp với một công ty ở Nhật Bản chậm 6 tháng. 

Nghe vậy, Thủ tướng Võ Văn Kiệt có vẻ trầm ngâm, cho ngừng cuộc họp và đề nghị ông Ngãi đến nhà riêng của mình. Tại đây, Thủ tướng đã thảo một bức thư, gửi đích danh Chủ tịch công ty cung cấp dây cáp quang, đề nghị tạo điều kiện để dây cáp quang về Việt Nam đúng tiến độ. Sau đó, đưa cho ông Ngãi và ông Hòa sang Nhật, giao bức thư cho ông Chủ tịch của đối tác.

Ông Ngãi kể, cả công ty của Nhật cúi rạp người khi nghe đọc thư của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Nghe xong, vị Chủ tịch tuyên bố Tổng Giám đốc phải tìm mọi cách đáp ứng đề nghị của Việt Nam. 

Sau đó, hai ông yên tâm thuê khách sạn ở ngay cạnh bên công ty của Nhật để có thể đi bộ sang hàng ngày xem tiến độ thực hiện hợp đồng. Nhưng ngày thứ nhất chưa có kết quả, ngày thứ hai cũng vậy, tới ngày thứ năm... mọi sự vẫn dậm chân tại chỗ. 

Nóng ruột, ông Ngãi và ông Hòa tìm đường xuống nhà máy sản xuất cáp quang để tìm hiểu. Giám đốc nhà máy ở đây cho biết, có 2 đơn hàng của Srilanka và Ấn Độ vừa đúng chiều dài và các đặc tính, đáp ứng đúng yêu cầu của Việt Nam nhưng 2 nước này chưa cần. Nếu Việt Nam muốn họ sẽ giao ngay. Cẩn thận, ông Ngãi đề nghị ông Giám đốc nhà máy viết vài chữ. Nhưng ông Tổng Giám đốc kia vẫn không đồng ý.

Buổi chiều cuối cùng ở lại nước Nhật, ông Ngãi lo lắng vì chưa có cách gì để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này. Nếu không hoàn thành sẽ gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ công trình. Ông bàn với ông Hòa mời cơm công ty của Nhật. Bữa ăn đáng nhớ đó kéo dài từ 4 giờ chiều đến 3 giờ sáng hôm sau. Trong khi dùng bữa, ông Ngãi kể cho vị Chủ tịch của công ty Nhật về đường dây 500kV, về phong cảnh Việt Nam, về Thủ tướng Võ Văn Kiệt…

Bất thình lình, ông Chủ tịch của Nhật đi sang phía ông Ngãi, cởi chiếc veston đưa cho ông. Ông Ngãi cũng nhanh trí, cởi caravat tặng lại. Lúc này, vị Chủ tịch của công ty Nhật mới hỏi về tiến độ công việc, ông Ngãi đưa ngay tờ giấy mà ông Giám đốc nhà máy đã viết. Đọc xong, ông Chủ tịch lập tức chỉ đạo ông Tổng Giám đốc phải thực hiện ngay. Ông Ngãi trở về Việt Nam với niềm vui hoàn thành nhiệm vụ. 

Ngày 27/5/1994, đường dây 500KV chính thức đóng điện, hoàn thành một dự án... “không tưởng”, đánh dấu những nỗ lực không ngừng nghỉ của những người thực hiện công trình. Đặc biệt hơn, khi quyết toán, công trình còn giảm được 250 tỷ đồng cho ngân sách so với dự toán. 

Công trình thế kỷ này là niềm tự hào không chỉ riêng Việt Nam. Nhưng công trình cũng có những nốt lặng đáng buồn khi hơn 400 con người tham gia dự án đã mãi mãi không thấy được ngày điện được truyền tải từ Bắc vào Nam. Và mong muốn xây dựng một nghĩa trang tưởng niệm những người đã mất vì công trình mà Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng bày tỏ vẫn chưa được thực hiện.

Đọc thêm