Hà Nội: Công khai vi phạm để tẩy chay sản phẩm thực phẩm bẩn

(PLO) - Trong các cuộc tiếp xúc với đại biểu HĐND Hà Nội khóa XV mới đây, cử tri các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hà Đông... đều bày tỏ lo lắng về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cử tri đã đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm từng cấp, ngành, người đứng đầu các cơ quan quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm và phải kiểm duyệt được thực phẩm từ khâu sản xuất tới lưu thông. 

Cử tri huyện Thường Tín bức xúc, hiện nay, trên 70% người tiêu dùng vẫn mua thực phẩm từ các chợ dân sinh và chợ cóc, chợ tạm, chỉ có 30% người tiêu dùng giao dịch tại siêu thị. Tuy nhiên, tại các siêu thị cũng có tình trạng thực phẩm sạch nhưng thực chất lại là không sạch, đặc biệt là thực phẩm nhập khẩu. Bởi một số thực phẩm nhập khẩu quá date (hạn sử dụng), hạ giá được nhập về, thay đổi ngày sử dụng để tiếp tục bán ra thị trường. Câu chuyện làm thế nào để kiểm soát được thực phẩm ở các điểm chợ trên và các siêu thị rất mong chờ các cơ quan chức năng của thành phố sớm vào cuộc quyết liệt hơn.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng Ban Pháp chế HĐND thành phố cho biết, cử tri lo lắng hoàn toàn có cơ sở, bởi qua giám sát thực tế của HĐND thành phố, ở các vùng quê ngoại thành vẫn có tình trạng nông dân trồng rau cho gia đình ăn riêng, trồng rau mang đi bán riêng. Trong khi đó lực lượng bảo vệ thực vật ở cơ sở có, nhưng quản lý, trách nhiệm giám sát, báo cáo, đề xuất giải pháp rất mờ nhạt, trách nhiệm vẫn chưa rõ ràng.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội thừa nhận, thực tế cũng vẫn có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau vượt ngưỡng cho phép. Qua kiểm tra 110 cơ sở sản xuất rau thời gian gần đây đã phát hiện 11 mẫu có dư lượng vượt giới hạn cho phép.

Hà Nội có 7,5 triệu người, có 20 trung tâm thương mại, 12 siêu thị, 460 chợ truyền thống, 454 chợ dân sinh. Mỗi ngày, nhu cầu của người dân Hà Nội khoảng 800-1.000 tấn thịt, 350-400 tấn thủy hải sản, 2.500 tấn rau quả... nhưng sản xuất của Hà Nội mới đáp ứng được 60% nhu cầu thực phẩm, 18% rau quả tươi; phần còn lại phải nhập từ các tỉnh và nhập khẩu. Thời gian qua, công tác kiểm soát trong chăn nuôi, trồng trọt cũng được thành phố chú trọng chỉ đạo, thực hiện, song cũng chưa xuể.

Theo thông tin từ Sở NN&PTNT, Hà Nội mới xây dựng được 60 chuỗi liên kết sản xuất, chăn nuôi an toàn. Năm 2017, Sở sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước, kiểm tra công tác chăn nuôi, trồng trọt, thực hiện nghiêm các chế tài xử lý; đồng thời hướng dẫn, giám sát quy trình trong chăn nuôi từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng thủy sản... 

Đặc biệt, Sở sẽ công khai các cơ sở vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng, cơ sở thu mua được biết để tẩy chay sản phẩm không an toàn. “Trên địa bàn thành phố có 7 cơ sở công nghiệp, 15 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, có 4 cơ sở giết mổ thủ công, có hơn 1.050 điểm giết mổ nhỏ lẻ, phần lớn nằm trong khu dân cư chưa được kiểm soát. Tới đây, Sở sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước về công tác giết mổ, tuyên truyền vận động doanh nghiệp, cá nhân thực hiện giết mổ theo quy định”. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội khẳng định.

UBND Hà Nội cho biết, năm 2017 sẽ tập trung chỉ đạo kiểm soát xuất xứ nguồn gốc hàng hóa và kiểm duyệt được toàn bộ quá trình nuôi trồng, sản xuất đối với vật nuôi cây trồng. Theo đó, toàn bộ quá trình sản xuất, lưu thông, phân phối đến tay người tiêu dùng sẽ được kiểm soát đúng quy chuẩn, người bán phải có phương tiện bảo quản.

Đối với 5.200ha rau an toàn ở các huyện, UBND thành phố chỉ đạo Sở NN&PTNT bảo đảm kiểm soát đầu vào sản xuất, cấp giấy xác nhận cơ sở đảm bảo đủ điều kiện. Đối với chăn nuôi, giết mổ tập trung, nhỏ lẻ, nếu không đủ điều kiện sẽ không cung cấp tem an toàn thực phẩm (ATTP).

Theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, để đẩy mạnh công tác bảo đảm ATTP thời gian tới, UBND thành phố sẽ tiếp tục triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP; chỉ đạo kiện toàn bộ máy bảo đảm ATTP tại các phường, xã, thị trấn và tăng cường việc chứng nhận thực phẩm an toàn, các cơ sở bảo đảm ATTP. Đặc biệt, thành phố sẽ quản lý chặt các chợ đầu mối; nâng cao vai trò của các đoàn kiểm tra liên ngành về bảo đảm ATTP ở các bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố và sử dụng hiệu quả 3 xe chuyên dụng test nhanh về ATTP. 

Thực hiện nếp sống văn hóa trong kinh doanh dịch vụ 

Liên quan lĩnh vực cung ứng dịch vụ ăn uống, Thành ủy Hà Nội vừa có Văn bản số 508-CV/TU về việc thực hiện nếp sống văn hóa trong hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, yêu cầu: “Sở Công Thương tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố; thường xuyên thanh tra, đôn đốc chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý kịp thời chủ cửa hàng, chủ quán ăn vi phạm; thu hồi giấy phép kinh doanh đối với chủ kinh doanh có hành vi, cử chỉ, lời nói xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của khách hàng”.  

Văn bản nêu rõ, thời gian gần đây, trên một số trang mạng và dư luận xã hội có nhiều bài viết phản ánh, phê bình các hành vi ứng xử thiếu văn hóa của một số chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống làm ảnh hưởng đến hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, văn minh... Nhằm huy động sự vào cuộc của các tầng lớp nhân dân chung tay xây dựng nếp ứng xử văn hóa trong hoạt động dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP, Bí thư Thành ủy giao Ban Cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao nghiên cứu, xây dựng, trình UBND TP ban hành “Quy chế tổ chức kinh doanh dịch vụ ăn uống đường phố theo hướng văn minh, hiện đại”, tham mưu bổ sung tiêu chí ứng xử văn hóa trong hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống vào tiêu chí bình xét gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa hàng năm.

Cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phát động và tổ chức tốt phong trào thi đua ‘‘Chỉnh trang cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh thức ăn đường phố theo hướng văn minh, hiện đại; thực hiện tốt văn hóa ứng xử kinh doanh chuyên nghiệp”; “văn minh thương mại”... nhằm tạo chuyển biến tích cực, rõ nét về nếp giao tiếp, ứng xử văn hóa, văn minh trong kinh doanh dịch vụ ăn uống, góp phần xây dựng, quảng bá hình ảnh Thủ đô văn minh, thanh lịch.

Với chế tài như trên thì một số quán ăn có thái độ kênh kiệu, chửi mắng khách hàng như quán “bún chửi” ở Ngô Sĩ Liên…sẽ có nguy cơ bị đóng cửa. 

Đọc thêm