Hà Nội khó thu hồi xe máy 'quá date'?

(PLO) - UBND TP Hà Nội sẽ đề xuất bỏ ra khoản tiền hỗ trợ để thu hồi xe máy đã quá hạn sử dụng như một giải pháp để khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí của Thủ đô hiện rất nặng nề, mà một phần nguyên nhân liên quan đến xả thải của xe máy và ô tô và thực hiện Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ, bao gồm các sản phẩm hết hạn sử dụng hoặc sản phẩm được thải ra sau quá trình sử dụng.
Những chiếc xe quá đát vẫn đang lưu thông tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.
Những chiếc xe quá đát vẫn đang lưu thông tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Tuy nhiên, dư luận còn băn khoăn về đề xuất rất cần thiết này không dễ để thực hiện vì muốn xác định xe quá hạn sử dụng (quá đát) để thu hồi thì cần phải được kiểm định, trong khi đến nay chưa có quy định về kiểm định xe máy.

“Khai tử” xe quá đát để bảo vệ an toàn và môi trường

Theo Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ, bao gồm các sản phẩm hết hạn sử dụng hoặc sản phẩm được thải ra sau quá trình sử dụng.

Nhà sản xuất khuyến khích tiếp nhận sản phẩm cùng loại với sản phẩm mình đã bán ra thị trường mà không phân biệt nhãn hiệu hoặc nhà sản xuất. Người tiêu dùng có trách nhiệm chuyển giao các sản phẩm thải bỏ theo các hình thức: Tự chuyển đến điểm thu hồi; chuyển giao cho tổ chức, cá nhân thu gom để vận chuyển đến các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ...

Người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân thu gom khi chuyển sản phẩm thải bỏ đến điểm thu hồi có các quyền lợi như được hưởng quyền lợi theo chính sách của nhà sản xuất; có quyền yêu cầu nhà sản xuất tiếp nhận các sản phẩm thải bỏ do chính nhà sản xuất đó đưa ra thị trường...

Ngày 17/2, tại cuộc làm việc với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, “qua thống kê, có 2,5/6 triệu xe máy quá đát trước năm 2000. Vấn đề này, TP cũng đang xem xét, cố gắng trình HĐND TP chương trình liên quan đến hạn chế xe máy vào kỳ họp tháng 6 tới, sau đó sẽ trình Chính phủ. Ngoài ra, chúng ta phải có biện pháp thu hồi các xe ô tô, xe máy quá đát”. Đa số người dân tán thành với quan điểm phải thu hồi xe quá đát để bảo vệ môi trường và an toàn của người tham gia giao thông. 

Theo số liệu thống kê, Hà Nội hiện có khoảng 6 triệu xe máy và gần 1 triệu ô tô các loại đang lưu hành. Trong đó, nhiều xe sản xuất từ những năm 90 của thế kỷ trước, nhưng giờ vẫn tham gia giao thông, thậm chí nhiều các loại xe “truồng” (xe còn mỗi khung và máy), nhiều xe không đèn, không còi, không gương, thải khói đen xì, thậm chí được “gia cố” thêm các thanh sắt chịu lực, biến tướng thành xe 3 bánh tự chế vẫn được tận dụng chủ yếu để vận chuyển hàng hóa (vật liệu xây dựng, gas, nước đóng thùng, thực phẩm...).

Những chiếc xe này chưa bao giờ được bảo dưỡng và bất kỳ khi nào có “rắc rối”, bị xử lý tịch thu phương tiện là chủ xe có thể bỏ xe vì tiền nộp phạt cao hơn cả giá trị  của chiếc xe. Theo Công an  TP Biên Hòa (Đồng Nai), mỗi năm có từ 700 đến hàng ngàn chiếc xe máy quá đát, xe vô thừa nhận được lưu giữ trong các kho bãi. 

Kết quả nghiên cứu an toàn giao thông năm 2015 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) phối hợp được công bố tháng 8/2016, trong số toàn bộ các vụ tai nạn được ghi nhận bởi khảo sát tình hình sở hữu và sử dụng xe máy tại TP HCM được thực hiện từ tháng 9/2015 đến tháng 2/2016 cho thấy, số phương tiện có khoảng thời gian sử dụng từ 10 đến 15 năm chiếm tỷ lệ 44,5%. Với xe sử dụng từ 1-5 năm có thể khiến cho mức độ tai nạn ít nghiêm trọng hơn. 

Nguyên nhân về mặt kỹ thuật có thể xác định là do những chiếc xe máy có “tuổi” càng cao thì “các chi tiết trong máy xe không còn đảm bảo an toàn như ban đầu và hay gây ra những sự cố hỏng hóc trong quá trình lưu thông” như nhận xét của PGS.TS.Chu Công Minh, Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TP HCM.

Anh Nguyễn Minh Văn, nhân viên kỹ thuật của một đại lý xe ở đường Nguyễn Khánh Toàn (Hà Nội) khuyến cáo: “Xe máy được sử dụng lâu năm khung sườn sẽ xuất hiện rạn nứt, các bộ phận phanh, giảm xóc không còn nhạy như ban đầu, hệ thống điện lâu ngày dễ sinh ra chập, cháy. Xe sử dụng quá hạn sẽ dễ gãy khung, càng gây nguy hiểm”. Trước đây từng có trường hợp nhân viên của một cửa hàng vật liệu tại phố Cát Linh (Hà Nội) bị tai nạn khi đang chở hàng do xe máy quá cũ bị gãy càng.

Không chỉ gây mất an toàn giao thông, những chiếc xe quá đát còn là nguồn gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng vì theo ông Nguyễn Minh Đồng - Giám đốc Công ty tư vấn công nghệ ô tô Đức - Việt , động cơ càng cũ, công nghệ càng lạc hậu thì việc đốt cháy triệt để nhiên liệu càng bị giảm đi, khí thải độc hại vì thế càng nhiều. Thông thường, sau khi vận hành một thời gian, chiếc xe đó sẽ không còn đảm bảo các yếu tố an toàn. Ở nhiều nước quy định thu hồi, tiêu hủy phương tiện hết niên hạn sử dụng và hình thành những “bãi rác” ô tô. 

Cuối những năm 80 đầu những năm 90 của thế kỷ trước, “xe Nhật bãi” là một khái niệm rất quen thuộc ở Việt Nam. Đó thực chất là những chiếc xe đã hết niên hạn sử dụng, không được phép lưu hành ở Nhật được xuất sang Việt Nam và tiếp tục được sử dụng sau khi đã “tút” lại một số bộ phận. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, lượng xe và các yếu tố gây ô nhiễm không khí chưa nhiều, điều kiện kinh tế còn khó khăn nên “xe Nhật bãi” trở thành một phương tiện được ưa chuộng. 

Vì vậy, với sự phát triển chung và ảnh hưởng của khí thải phương tiện ngày càng gia răng, Thủ tướng Chính phủ đã phải ban hành Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg (ngày 22/5/2015) quy định từ 1/1/2018, xe mô tô, xe gắn máy và ô tô các loại hết niên hạn sử dụng sẽ bị thu hồi. Song, hiện nay, Nhà nước mới chỉ có quy định niên hạn với xe tải (lưu hành không quá 25 năm) và xe chở khách (lưu hành không quá 20 năm). Còn ô tô con và xe máy, đến nay vẫn chưa có quy định về niên hạn, nên chưa thể thực hiện thu hồi theo Quyết định số 16. 

Muốn thu phải kiểm định

Trong điều kiện chưa có quy định niên hạn và chưa tính đến lượng xe không chính chủ dịch chuyển giữa các tỉnh thành, nhiều chủ buôn xe máy cũ tại chợ xe cũ ở Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội) cùng khẳng định, để xác định xe quá đát không thể nhìn qua lớp vỏ hay năm sản xuất vì chỉ cần vài kỹ thuật “tút” thì xe máy cũ sẽ có một “lớp áo” mới toanh dù đã vận hành cả chục năm và máy đã “tã”. Ngược lại, nhiều xe có niên hạn cao nhưng ít được vận hành thì vẫn còn tốt. Thậm chí có đánh giá bằng khói thải cũng không dễ khi xe cũ đã được thay một số bộ phận, ống xả. 

Vì vậy nhiều ý kiến cho rằng, muốn thu hồi xe máy quá đát và để tăng yếu tố an toàn khi sử dụng xe, phải đầu tư xây dựng nhiều trung tâm kiểm định xe máy. Đồng thời, VAMM cho rằng, cần thiết phải ban hành quy định về kiểm định kỹ thuật phương tiện xe máy để có căn cứ quy định về niên hạn sử dụng xe máy. Hơn 10 năm về trước, Bộ Giao thông vận tải từng đề xuất quy định niên hạn sử dụng đối với xe máy là 8 năm hoặc 100.000 km. Tuy nhiên, đề xuất này chưa thể được ban hành thành quy định về niên hạn xe máy do chưa có sự đồng thuận. 

Nhấn mạnh đến việc các cơ quan chức năng của Bộ Giao thông Vận tải đặc biệt là Cục Đăng kiểm Việt Nam có nghiên cứu và đề xuất cần phải có quy định pháp luật quy định niên hạn của xe máy là đúng hướng nhưng hiện tại tất cả mới chỉ là đề xuất.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia khẳng định: “Trước khi Chính phủ có ban hành quyết định niên hạn xe máy hay không thì cần phải có những nghiên cứu khoa học, tham khảo lấy ý kiến của nhân dân đang sử dụng xe máy để quy định ban hành mang lại giao thông an toàn hơn, lợi ích chung cho xã hội. Đây là 2 tiêu chí quan trọng nhất để Chính phủ có quy định ban hành niên hạn”. Trong điều kiện kinh tế và hạ tầng giao thông hiện nay, xe máy sẽ vẫn là phương tiện chủ yếu trong nhiều năm tới. Do đó,  ông Tseng Kuo Lung, Phó Tổng giám đốc SYM cho rằng, “Nếu không có quy định về niên hạn, cơ quan Nhà nước cần có những quy định cụ thể đối với các xe máy cũ”.

Theo ý kiến các chuyên gia, thời gian tới, nếu muốn thu hồi xe quá đát sẽ còn “vấp” phải một trở ngại lớn, không chỉ về kỹ thuật mà là về xã hội. Hiện đa số xe máy cũ, sử dụng lâu năm thuộc về người dân có mức thu nhập trung bình và thấp, phương tiện công cộng lại chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Nếu bị thu hồi, sẽ có hàng triệu người mất phương tiện sinh nhai, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân và an sinh xã hội. 

Cũng theo khảo sát của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và VAMM, xe máy là phương tiện di chuyển chính của người dân trong sinh hoạt hàng ngày và mỗi hộ gia đình ở TP HCM sở hữu trung bình 2-3 xe máy. Ngoài ra, kiểm soát khí thải xe để hạn chế sử dụng xe đã quá niên hạn sử dụng chưa được coi là một giải pháp thích hợp trong giai đoạn hiện nay vì từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy nhưng vẫn chưa thể triển khai vì thiếu cơ sở pháp lý và ảnh hưởng lớn đến xã hội mà chưa có giải pháp khắc phục. 

Mặc dù việc thực hiện Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg là không thể trì hoãn vì lợi ích chung của cộng đồng nhưng để thu hồi được các phương tiện quá đát, hơn nữa, đây là tài sản của người dân nên sẽ cần phải có sự cân nhắc, giải pháp và lộ trình để đảm bảo cuộc sống của những người dân và sự ổn định xã hội. Trong Quyết định 16 không nêu bắt buộc người dân phải mang xe máy, ô tô, các sản phẩm điện tử hết niên hạn sử dụng, hoặc cũ nát đi giao nộp. Nghĩa là phải có quy định về trình tự, thủ tục, chủ thể thực hiện thu hồi cũng như có các chính sách hỗ trợ người dân khi thực hiện thu hồi phương tiện quá đát.

Ở các nước phát triển, việc trả góp mua phương tiện rất dễ dàng và các nhà sản xuất phương tiện cũng hỗ trợ Chính phủ nên việc thu hồi xe quá đát không gây xáo trộn cho cuộc sống của người. Vì thế, giải pháp trước mắt được các chuyên gia kinh tế đưa ra là chính quyền phải trích ngân sách, mua lại những chiếc xe cũ, với giá hợp lý hoặc kết hợp với các doanh nghiệp sản xuất xe máy, thực hiện chương trình đổi xe cũ lấy xe mới, trong đó có hỗ trợ tài chính cho người dân. Đây là giải pháp khá tốn kém, nếu không quản lý chặt, dễ bị lợi dụng để trục lợi.

Đọc thêm