Hà Nội sẽ dần “xóa sổ” bếp than tổ ong

(PLO) - Ô nhiễm không khí ở Việt Nam đặc biệt ở khu vực đô thị và các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM hiện đang là vấn đề môi trường được cộng đồng xã hội quan tâm. Theo số liệu thống kê của Sở Tài nguyên môi trường Hà Nội, trung bình mỗi ngày Hà Nội tiêu thụ khoảng 528 tấn than, phát thải khoảng 1.870 tấn khí CO2 vào bầu không khí của thành phố.
Theo những con số mới được công bố, Hà Nội hiện có khoảng 55.000 bếp than tổ ong, trung bình mỗi ngày tiêu thụ khoảng 528 tấn than tổ ong, phát thải khoảng 1.870 tấn khí CO2 vào bầu không khí thành phố. (Ảnh minh họa)
Theo những con số mới được công bố, Hà Nội hiện có khoảng 55.000 bếp than tổ ong, trung bình mỗi ngày tiêu thụ khoảng 528 tấn than tổ ong, phát thải khoảng 1.870 tấn khí CO2 vào bầu không khí thành phố. (Ảnh minh họa)

Tại hội thảo "Chất lượng không khí 2017: hiện trạng và giải pháp" do Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh tổ chức mới đây, bà Lê Thanh Thủy, đại diện Sở Tài nguyên môi trường Hà Nội cho biết, không khí tại TP.Hà Nội đang bị ô nhiễm, một trong những nguyên nhân chính là do tình trạng sử dụng bếp than tổ ong.

Theo thống kê số lượng gia đình sử dụng bếp than tổ ong, nơi sử dụng nhiều nhất là các quận nội thành như Ba Đình, Hoàn Kiếm.

“Kết quả khảo sát hiện trạng sử dụng bếp than tổ ong cho thấy trên địa bàn TP có khoảng 55.000 bếp. Tỉ lệ bếp than tổ ong ở các quận nội thành chiếm 63% do tập trung nhiều cơ sở kinh doanh, nhà hàng, bán nước vỉa hè, còn ngoại thành chiếm 37%. Trung bình mỗi ngày Hà Nội tiêu thụ khoảng 528 tấn than, phát thải khoảng 1.870 tấn khí CO2 vào bầu không khí của thành phố” – bà Thủy thông tin.

Điều đó đồng nghĩa, bầu không khí Thủ đô đang phải gánh chịu lượng khí có hại khổng lồ dẫn đến một loạt các hệ lụy về sức khỏe và môi trường. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những con số được khảo sát 23/30 quận, huyện của Hà Nội.

Theo Chi cục môi trường (Sở TN&MT Hà Nội), kết quả khảo sát đối với 600 hộ dân thuộc 3 quận, huyện Sóc Sơn, Đống Đa, Ba Đình cho thấy, cơ cấu sử dụng bếp than cho việc kinh doanh trên địa bàn quận Ba Đình là 73%, Sóc Sơn 63%, Đống Đa là 56%. Tiếp đến là dùng cho việc nấu ăn theo thứ tự là 26%, 36% và 43%.

Tại từng hộ gia đình, số lượng than được sử dụng trung bình hàng ngày cho việc kinh doanh cũng chiếm đa số. Quận Đống Đa gần 8kg/ngày, Ba Đình hơn 6kg/ngày, Sóc Sơn là trên 4kg/ngày… thời gian sử dụng bếp than trong một ngày là từ 410-450 phút.

Các con số này làm bất ngờ ngay cả với cơ quan quản lý: “Khi chúng tôi báo cáo,  bí thư Thành uỷ đã chỉ đạo và Hà Nội đã đưa ra lộ trình từ nay đến năm 2020 sẽ “xóa sổ” bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố Hà Nội. Cụ thể: năm 2018 sẽ giảm 70% số lượng bếp than tổ ong, năm 2019 thay thế 100% số lượng bếp than tổ ong, năm 2020 duy trì kết quả thay thế 100%".

Và để thực hiện điều này, Sở TN&MT Hà Nội đã lựa chọn quận Ba Đình, Hoàn Kiếm tổ chức thí điểm mô hình tuyên truyền tác hại của bếp than tổ ong, đồng thời giới thiệu các mẫu bếp mới thân thiện với môi trường (bếp đun đa năng không dùng quạt, bếp đun viên nén có quạt thổi…). Ngoài ra, thành phố sẽ có chủ trương chuyển đổi nghề nghiệp cho các hộ bán than tổ ong theo lộ trình và xóa bỏ các cơ sở này.

Ngoài ra, Hà Nội cũng đặt mục tiêu đến năm 2020 trồng mới 1 triệu cây xanh. “Đến hết năm 2017 toàn thành phố đã trồng được 430.000 cây xanh và sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt mục tiêu này. Hà Nội cũng đã thông qua nghị quyết hướng đến năm 2030 hạn chế xe máy tại một số quận nội thành” – đại diện Sở TN&MT Hà Nội cho biết.

Bên cạnh đó là việc xây dựng các trạm quan trắc không khí trên địa bàn thành phố nhằm đưa ra những đánh giá và cảnh bảo một cách chính xác nhất tình trạng không khí.

Với nguồn thải gây ô nhiễm không khí từ đốt rơm rạ, theo kế hoạch của TP Hà Nội, năm 2018 thành phố sẽ bắt đầu lộ trình thí điểm ở cấp phường, xã không đốt rơm rạ. Đến năm 2019 tiến tới quận, huyện không đốt rơm rạ và đến năm 2020 là thành phố không đốt rơm rạ.

Đọc thêm