Hoa Tết lao đao vì mùa đông bất thường

(PLO) - Dù còn hơn một tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán và thời tiết còn thay đổi, nhưng mức nhiệt cao trong mùa đông năm nay ở miền Bắc khiến người trồng hoa “méo mặt” vì dự đoán hoa sẽ nở sớm và bị trượt giá.
Người trồng hoa khóc ròng vì thời tiết không ủng hộ khiến hoa bị rớt giá
Người trồng hoa khóc ròng vì thời tiết không ủng hộ khiến hoa bị rớt giá

Trồng hoa lỗ nặng

Trên nhiều cánh đồng hoa của bà con ở Tây Tựu và Hạ Mỗ (Hà Nội), hoa ly, thược dược, cúc… đã bắt đầu có dấu hiệu bung nở. Nhiều người đang đứng ngồi không yên vì phải cắt bán hoa sớm. 

Những gia đình trồng ly bị thiệt hại nhiều nhất. Anh Nhàn ở Tây Mỗ (Nam Từ Liêm) thuê đất để trồng hoa ly ở Hạ Mỗ (Đan Phượng). Với hơn 1 mẫu ruộng, gia đình anh đầu tư hơn 1 tỷ đồng, nhưng với thị trường và thời tiết như năm nay chỉ thu về chưa được 1 nửa số vốn bỏ ra. Để vớt vát, anh Nhàn chọn cắt những cây sắp nở đem ra chợ bán.

“Đến thời điểm hiện tại, những nhà nào trồng ly đều tính đến lỗ, nhiều nhà mất hàng tỷ đồng. Đau xót lắm. Thời tiết mấy năm gần đây thất thường, tiền đầu tư thì mượn ngân hàng nên chúng tôi không biết nên làm như thế nào, có nên tiếp tục trồng ly hay hoa khác”, anh Nhàn nói.

Cũng rơi vào cảnh như anh Nhàn, chị Nghĩa ở Tây Tựu trồng hơn 5 sào hoa ly để bán Tết, nhưng nền nhiệt độ cao khiến hoa phát triển quá nhanh, chỉ 2 - 3 tuần nữa sẽ nở. “Nếu cứ tình trạng này thì nhà tôi lỗ hơn 40 triệu đồng/ sào vì tiền bán hoa sẽ không đủ tiền mua củ giống. Chưa kể tính tiền phân bón, nhà dàn, lưới, công chăm sóc,…”, chị Nghĩa giãi bày.

Hiện mỗi cành ly bán ra giá dao động từ 5.000 - 8.000 đồng/cành, thấp hơn 3 - 4 lần so với năm ngoái, may mắn thì mới bán được 10.000 - 12.000 đồng/ cành. Hiện để hạn chế hoa nở quá nhiều, nông dân chỉ biết xử lý bằng phân bón, không tưới để hãm sự phát triển của cây hoa; không che dù thời tiết nắng nóng do lo sợ rụng nụ. 

Chị Lan (Tây Mỗ, Nam Từ Liên) cho biết: “Nếu thời tiết vẫn như thế này, thì hoa cúc sẽ nở trước khoảng 10 ngày. Chúng tôi rất khó để hãm lại chờ đúng dịp Tết âm lịch. Chưa kể, hoa không đẹp mã nên đang bị trượt giá so với năm ngoái”.

Với tình trạng này, theo những người buôn hoa, hoa Tết năm nay khan hiếm với tất cả các loại hoa, chứ không chỉ riêng hoa ly và giá sẽ đắt hàng năm ngoái. Chị Thủy, một người buôn hoa ở Tây Mỗ, chia sẻ: “Hoa nhập từ Đà Lạt hay Thái Lan đều có thể tăng giá cao trong dịp Tết này. Cũng có thể sẽ giống năm ngoái, tầm ngày 20 âm, hoa bị trượt giá, nhưng đến 25 âm trở đi sẽ tăng gấp 2 - 3 lần mà vẫn ko có để bán. Thời tiết thất thường nên cũng rất khó để đoán chính xác thị trường hoa sẽ như thế nào, vì người trồng hoa vẫn phụ thuộc phần lớn vào tự nhiên”.

Trồng đào cũng “méo mặt”

Những người trồng đào cũng không vui mừng gì khi thời tiết không chiều lòng người trồng hoa. Người dân làng Phú Thượng (Tây Hồ, Hà Nội) nổi tiếng với giống đào bích, nhưng năm nay cũng lao đao. Theo người dân ở đây, giá bán năm nay không lỗ, nhưng cũng không thể chờ mong có lãi với thời tiết như hiện nay. Nhiều khách hàng cũng đã đến đặt mua hoặc thuê về chơi Tết. 

Theo anh Mạnh, một chủ vườn có 200 gốc đào tại làng Phú Thượng, giá đào năm nay không cao hơn mọi năm. Với vườn của anh, giá bán giao động từ 500.000 - 5.000.000 đồng/cây. “Năm nay, rất khó để chăm sóc đào, nắng nóng nhiều hơn rét nên lộc hoa không bật nở. Chúng tôi tuốt lá lại nhiều lần và chăm kỹ lưỡng nhưng vẫn thua thời tiết. Hoa năm nay sẽ xấu hơn mọi năm. Trong vườn cũng có những cây nở hoa thì gia đình cắt đem ra chợ bán vì cũng có rất nhiều người mua cành nhỏ về cắm cho có không khí Tết sắp về”, anh Mạnh nói. 

Để đối phó với thời tiết nắng nóng, ông Lê Hàm, người trồng giống đào quý thất thố nổi tiếng ở Phú Thượng đã phải cho đào vào trong nhà và ủ bằng điều hòa để chỉnh nhiệt độ cho cây nở hoa đúng dịp Tết.“Yếu tố thời tiết ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình điều chỉnh cây đào bung hoa đúng Tết. Trong khi giá giao động từ 10 triệu đến vài chục triệu đồng một cây, nên tôi phải tìm cách để chăm sóc chúng, chứ bằng cách thông thường thì năm nay sẽ bị lỗ”, ông Hàm chia sẻ. 

Đọc thêm