Hồi kết “bất thường” 65 tấn dược liệu nhập từ Trung Quốc

(PLO) -Công ty CP Dược Sơn Lâm (địa chỉ số 70, tổ 5, thị trấn Văn Điển, TP. Hà Nội) làm thủ tục thông quan 65 tấn dược liệu, vị thuốc đông y tại cửa khẩu Chi Ma – Lạng Sơn khi chưa đủ điều kiện. Khi bị phát hiện, doanh nghiệp này lại chủ động làm đơn xin tái xuất lô hàng và nhanh chóng được chấp thuận với nhiều điểm chưa rõ. Thế nhưng khi được hỏi trách nhiệm thì các bên lại đổ lỗi cho nhau. 
Hồi kết “bất thường” 65 tấn dược liệu nhập từ Trung Quốc

Có biểu hiện gian lận thương mại?

Cuối tháng 9/2015, Công ty CP Dược Sơn Lâm có 3 xe chở dược liệu, vị thuốc đến Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma – Lạng Sơn làm thủ tục thông quan. Trong tờ khai hải quan, lô hàng được xác định có 65 tấn, khi các quy trình thông quan đang diễn ra thì Cục Phòng chống buôn lậu – C74, Bộ Công an kết hợp với Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn và các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra bất ngờ lô hàng.

Lúc này, sự thật mới được phơi bày khi thực chất trọng lượng thực vênh với con số trên tờ khai hải quan. Ngoài ra, một nửa số hàng không có giấy chứng nhận chất lượng (giấy C/Q) do cơ quan nước xuất khẩu cấp, nhãn mác bao bì cũng không đúng quy định.

Lúc này, ông Phạm Văn Cách – Giám đốc Công ty CP Dược Sơn Lâm mới chủ động gửi đơn xin tái xuất 65 tấn hàng. Lãnh đạo hải quan Chi Ma cũng đồng ý ký giấy buộc tái xuất lô hàng không đầy đủ giấy tờ, nhãn mác không đúng quy định của Công ty CP Dược Sơn Lâm.

Điều này khiến dư luận đặt ra câu hỏi, liệu rằng cơ quan công an và các cơ quan chức năng khác không bất ngờ kiểm tra 65 tấn hàng thì hải quan Chi Ma có phát hiện ra những sai phạm của Công ty CP Dược Sơn Lâm?

Luật sư Nguyễn Văn Hướng – thuộc Đoàn Luật sư TP. Hà Nội nhận định, cơ quan ban ngành cần làm rõ việc tại sao trong lô hàng của Công ty CP Dược Sơn Lâm có số lượng vênh kia nhằm mục đích gì, chất lượng ra sao?

“Nếu 6 tấn hàng này là hàng giả, kém chất lượng thì công an phải vào cuộc điều tra. Xác định mức độ, hành vi nguy hiểm thì có thể sẽ bị khởi tố hình sự. Còn không phải xét đến khả năng doanh nghiệp cố tình gian lận thương mại, trốn thuế 6 tấn hàng” – ông Hướng nói.

Đồng quan điểm, Luật sư Phan Anh Tuấn – thuộc Đoàn Luật sư TP. Thái Bình cho rằng, không thể có chuyện doanh nghiệp biết hàng không có đủ giấy tờ những vấn cố tình cho thông quan. Sự việc công ty CP Dược Sơn Lâm thông quan 65 tấn dược liệu là có vấn đề.

Ông Tuấn phân tích: “Anh không thể biết rõ sẽ không được thông quan mà vẫn cố tình chở hàng qua cửa khẩu. 65 tấn hàng cũng không phải ít tiền, doanh nghiệp nhập khẩu chắc chắn đã phải kiếm tra trước từ phía Trung Quốc sau đó mới tiến hành ký các hợp đồng giao dịch – đó là điều kiện cần. Ở đây, chắc chắn có một sự vô lý đến từ phía công ty Sơn Lâm và hải quan Chi Ma cần phải được làm rõ”.

Vòng vo đổ lỗi cho nhau

Trao đổi với báo chí, ông Phạm Văn Cách nói rằng mình không có lỗi trong vấn đề này mà chính phía hải quan mới “có vấn đề”. Theo ông Cách, người của công ty không trực tiếp đứng ra làm thủ tục thông quan 65 tấn hàng mà là do một doanh nghiệp có tên T.M (địa chỉ cửa khẩu hải quan Chi Ma) đứng ra bao thầu làm thủ tục thông quan mà không có giấy chứng nhận, ủy quyền do ông Cách ký ủy thác.

Ông Cách cho rằng, “người lạ” làm thủ tục thông quan 65 tấn dược liệu, vị thuốc đông y mà hải quan Chi Ma vẫn tiến hành xét duyệt thì chứng tỏ lỗi đến từ phía hải quan.

Còn bà Hoàng Thị Thiều Hoa – Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma cho rằng, nghiệp vụ hải quan là kiểm tra theo rủi ro nên vẫn xảy ra trường hợp hàng giả, kém chất lượng được thông quan vào Việt Nam.

Nói về 65 tấn dược liệu, bà Hoa khẳng định: “Lô hàng không có giấy C/Q, nhãn mác không đủ tiêu chuẩn thì chắc chắn không được thông quan. Kể cả doanh nghiệp có làm gì đi chăng nữa thì chúng tôi cũng buộc phải tái xuất”.

Ngoài ra, bà Hoa cho rằng việc kiểm tra chất lượng dược liệu không thuộc trách nhiệm của ngành hải quan mà do cơ quan y tế quản lý. Bà Hoa thừa nhận, không thể xác định được giấy C/O, CQ do nước xuất khẩu cấp có bị doanh nghiệp làm giả hay không. Đồng thời, cũng chẳng thể loại trừ trường hợp doanh nghiệp bắt tay với chính quyền sở tại để xin giấy C/O, C/Q một cách dễ dàng để đưa hàng giả, hàng kém chất lượng sang Việt Nam tiêu thụ.

Trước đó vào tháng 7/2015, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền đã gửi công văn 189, 192, 193 đến hải quan, sở y tế, bệnh viện các tỉnh và các doanh nghiệp nhập khẩu dược liệu thông báo bắt buộc tất cả mọi lô hàng nhập về Việt Nam cần phải có giấy chứng minh nguồn gốc (giấy C/O) và giấy chứng minh chất lượng (giấy C/Q). Hai loại giấy này được nước xuất khẩu cấp, khi hàng về tới Việt Nam Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền tiếp tục xác nhận vào giấy C/O thì doanh nghiệp mới được lưu thông hàng hóa ra ngoài thị trường.

Trong khi cả nước có tới 15 doanh nghiệp thường xuyên nhập khẩu dược liệu, vị thuốc đông y thì cho tới hiện tại Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền mới chỉ xác nhận giấy C/O cho duy nhất công ty CP Dược Sơn Lâm (thị trấn Văn Điển, TP. Hà Nội). Điều này khiến nhiều người đặt ra nghi vấn, các công văn mà Cục đưa ra có phải đang tạo thế độc quyền phân phối dược liệu trên thị trường Việt Nam.

Lý giải cho điều này, bà Trần Thị Hồng Phương – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền cho rằng: “Tại các doanh nghiệp khác không xin thì làm sao chúng tôi xác nhận”. Mặc dù vậy, chính bà Phương cũng thừa nhận việc ra công văn là vội vàng và chưa có văn bản hướng dẫn kèm theo khiến nhiều doanh nghiệp bối rối trong việc thực hiện.

Bà Phương cũng thừa nhận chất lượng dược liệu, vị thuốc đông y tại Việt Nam hiện nay là không thể quản lý. Vấn đề đạo đức kinh doanh của các doanh nghiệp là yếu tốt cốt lõi để giảm tải tình trạng dược liệu giả, kém chất lượng đang tràn lan ngoài thị trường.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong khi ba bên Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, chi cục hải quan, doanh nghiệp đang đổ lỗi cho nhau thì người dân lại đang phải gánh chịu hậu quả bởi tình trạng thiếu thuốc, thuốc giá cao mà chất lượng vẫn không được đảm bảo.

 “Việc quản lý chất lượng dược liệu quan trọng nhất vẫn là khâu hậu kiểm của Bộ Y tế. Việc ra công văn mà không điều tra, lấy ý kiến nhiều cơ quan khác của Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền đã và sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng trong việc phân phối thuốc ngoài thị trường. Chẳng có gì đảm bảo thuốc có giấy C/O và C/Q không bị làm giả… Chỉ có người dân chịu thiệt mà thôi” – một chuyên gia về xuất nhập khẩu nhận định.

Hiện Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn kiểm tra gấp thông tin ông Phạm Văn Cách tổ cáo lãnh đạo cửa khẩu hải quan Chi Ma “bắt tay” với doanh nghiệp Tuấn Minh để làm dịch vụ, thủ tục thông quan cho tất cả các doanh nghiệp muốn đưa hàng hóa qua cửa khẩu Chi Ma.

Theo ông Cách, việc tất cả các doanh nghiệp muốn làm thủ tục thông quan qua cửa khẩu Chi Ma phải nhờ doanh nghiệp Tuấn Minh đã trở thành “luật bất thành văn” ở đây. Nếu không nhờ sẽ bị gây khó dễ, hồ sơ có đầy đủ thì vẫn phải nằm chờ thời gian dài xét duyệt.

Ông Hoàng Khánh Hòa – Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn cũng đã chỉ đạo cán bộ Văn phòng cơ quan tìm hiểu những thông tin liên quan đến vụ việc. Khi có kết quả, Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn sẽ công bố công khai.

Đọc thêm