Kinh nghiệm 'vàng' để tránh tiền mất tật mang khi mua hàng đa cấp

Sản phẩm của công ty đa cấp bất chính thường không có nhãn mác, khi khách hàng mua sẽ không được cung cấp hóa đơn mua hàng; không đảm bảo điều kiện bảo quản sản phẩm đối với thực phẩm và thực phẩm chức năng để đảm bảo chất lượng sản phẩm…
Kinh nghiệm 'vàng' để tránh tiền mất tật mang khi mua hàng đa cấp

Thực tiễn cho thấy, do hoạt động bán hàng đa cấp phát triển nhanh cả về quy mô doanh nghiệp lẫn số lượng người tham gia nên đã phát sinh nhiều hệ lụy. Có nhiều công ty, tổ chức lợi dụng danh tiếng ngành bán hàng đa cấp để trục lợi gây ra những hậu quả đáng tiếc cho người tiêu dùng.

Đúc rút từ hoạt động quản lý, Bộ Công thương cho biết, trên thực tế, các công ty bán hàng đa cấp bất chính thường không phân phối sản phẩm gì cụ thể hay cố định mà chỉ tồn tại mạng lưới thông qua tuyển dụng, hoặc có sản phẩm nhưng chỉ mang tính tượng trưng, đối phó.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp (Nghị định 40) ngày 12/3/2018 để thay thế cho Nghị định 42/2014/NĐ-CP (Nghị định 42) ngày 14/5/2014 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Nghị định 40 có hiệu lực từ ngày 2/5/2018.

Hạn chót là đến tháng 2/2019, tất cả doanh nghiệp phải đáp ứng Nghị định 40 mới được tiếp tục hoạt động.

Liên quan đến việc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp, Nghị định 40 cũng nêu rõ 3 trường hợp, gồm: Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hết hiệu lực mà không được gia hạn.

Doanh nghiệp tự chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp và Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi.

Không có lựa chọn nào tốt hơn là mua hàng từ các cửa hàng chính hãng, điều đó khiến khách hàng tránh được rủi ro lớn hơn rất nhiều so với các hình thức mua hàng khác. Vì khi đến cửa hàng, người mua sẽ biết được công ty có bán sản phẩm thực sự không.

Tuy nhiên, Bộ Công thương cũng nhìn nhận, trong thời đại công nghệ số, việc đến tận công ty để mua hàng không còn phù hợp với đa số người tiêu dùng. Mua hàng trực tuyến (mua hàng online) là một lựa chọn của đa số người dân. Và để mua hàng trực tuyến từ một công ty đa cấp, ngoài việc tìm hiểu thông tin như trên, người tiêu dùng cần tìm hiểu thêm: Công ty có chính sách đổi trả sản phẩm không?.

"Hầu hết các công ty bán hàng đa cấp chính thống đều có chính sách đổi trả sản phẩm theo quy định của Nghị định 40/2018/NĐ-CP. Còn các công ty bất chính không cho phép đổi trả hàng sau khi mua", Bộ Công thương lưu ý.

Bộ này thông tin thêm, các công ty đa cấp bất chính thường giao sai sản phẩm, chất lượng hàng kém hoặc hàng hỏng, hàng giả nhưng không thu hồi lại; giao hàng nhái, hàng có thông số kỹ thuật khác so với quảng cáo trên website; đăng sai giá hoặc hủy đơn hàng không lý do khiến người tiêu dùng phải đặt lại với giá cao hơn thời điểm trước.

Sản phẩm của công ty đa cấp bất chính thường không có nhãn mác, khi khách hàng mua sẽ không được cung cấp hóa đơn mua hàng; không đảm bảo điều kiện bảo quản sản phẩm đối với thực phẩm và thực phẩm chức năng để đảm bảo chất lượng sản phẩm…

Có nhiều công ty, tổ chức lợi dụng danh tiếng ngành bán hàng đa cấp để trục lợi gây ra những hậu quả đáng tiếc cho người tiêu dùng. Cùng với sự bảo vệ của pháp luật, theo Bộ Công thương, người tiêu dùng cũng nên chủ động bảo vệ mình để không bị “tiền mất tật mang”.

Khi mua hàng, cần lựa chọn trang thương mại điện tử hoặc lựa chọn tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử “tốt” để giao dịch, được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng. Người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ về các điều kiện và điều khoản của trang web đặc biệt là những điều khoản về bảo hành, trả lại hàng, hoàn tiền, giao nhận.

"Cần cảnh giác với những trang website hoặc tài khoản mạng xã hội lạ quảng cáo, sản phẩm, dịch vụ với giá thấp hoăc khuyến mãi lớn, yêu cầu người tiêu dùng phải cung cấp thông tin và chia sẻ chương trình. Đặc biệt là phải tìm hiểu kỹ về sản phẩm, dịch vụ trước khi mua", Bộ Công thương khuyến cáo.

Báo cáo của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công thương, tính đến hết tháng 12/2017, số lượng doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp còn 34 doanh nghiệp (giảm 20% so với đầu năm 2017).

Tổng số người tham gia bán hàng đa cấp tính đến tháng 12/2017 là 707.330 người, tăng 69.693 người (khoảng 11 %) so với cuối năm 2016.

Về doanh thu, theo số liệu báo cáo của doanh nghiệp, tổng doanh thu bán hàng đa cấp năm 2017 đạt khoảng 8.000 tỷ đồng, tăng hơn 330 tỷ đồng so với doanh thu năm 2016. Trong đó, tổng doanh thu của 10 doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt nhất trong năm 2017 chiếm 94,3% tổng doanh thu toàn ngành.

Các doanh nghiệp cho biết, doanh thu bán hàng đa cấp chủ yếu đến từ thực phẩm chức năng (chiếm 71%); mỹ phẩm (23%); đồ gia dụng, quần áo thời trang, thiết bị và mặt hàng khác chiếm khoảng 6%.

Cơ cấu phân bố tỷ lệ sản phẩm kinh doanh theo mô hình đa cấp không thay đổi nhiều so với cơ cấu phân bố tỷ lệ sản phẩm của năm 2016.

Thống kê giai đoạn 2015 - 2017, cơ quan chức năng cũng đã xử lý hoạt động đa cấp trá hình như Liên kết Việt, Phúc Gia Bảo, Thăng Long. Đồng thời, đối với đầu tư tài chính, tiền ảo (iFan), gồm: Thiên Ngọc Minh Uy, Thăng Long...

Đọc thêm