Lãi tăng gấp hàng chục lần nhờ trồng 'dưa công nghệ'

(PLO) - Mạnh dạn áp dụng công nghệ cao của Isarel vào sản xuất nông nghiệp, ông Phạm Tiến Sinh (Giám đốc Công ty TNHH MTV Hòa Bình GAP) đã thu được kết quả tốt trong sản xuất kinh doanh. Mô hình này đang được nhân rộng để bà con nông dân có thể làm giàu trên chính mảnh đất của mình
Ông Phạm Tiến Sinh và mô hình trồng dưa trong nhà kính ứng dụng công nghệ cao của Isarel
Ông Phạm Tiến Sinh và mô hình trồng dưa trong nhà kính ứng dụng công nghệ cao của Isarel

Mạnh dạn cải thiện đem lại thành công

Tháng 5/2016, Công ty TNHH MTV Hòa Bình GAP (có địa chỉ tại Đội 2, thị trấn Thanh Hà, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) được thành lập và đi vào hoạt động. Khi đó, công ty chỉ mới hình thành một khu nhà kính rộng chừng 5.000m2. Mô hình mới khiến không ít người dân trong vùng thấy lạ lẫm, nhất là khi được biết đó cũng chỉ là sản xuất nông nghiệp.

Ông Phạm Tiến Sinh đưa ra suy nghĩ với chúng tôi: “Cùng trên diện tích 1 sào lúa 360m2 trong một vụ khoảng 115 ngày, người nông dân sau khi trừ mọi chi phí có thể thu lãi trung bình 400.000 đồng. Tuy nhiên, cũng trên mảnh đất ấy, khi đưa công nghệ cao vào sản xuất, lợi nhuận có thể gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần. Chính vì thế, khi học hỏi và tiếp thu được công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tôi đã không ngần ngại đầu tư và áp dụng ngay”.

Năm 2017, 3 loại dưa được đưa vào trồng tại Công ty của ông Sinh gồm: 2.500 gốc dưa kim hoàng hậu, 2.500 gốc dưa lưới và 5.000 gốc dưa chuột. Ông Sinh cho biết: “Mô hình trồng dưa trong nhà kính ứng dụng công nghệ cao của Isarel là mô hình khởi nghiệp rất mới tại Hòa Bình, đòi hỏi sự đầu tư hiện đại, nguồn vốn lớn. Hiện tại, Công ty đã đầu tư gần 4 tỷ đồng để xây dựng nhà kính, hạ tầng đi kèm, điện, hệ thống tưới tiêu”

Về lý do để ông Sinh đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, ông cho biết, hiện nay thực phẩm bẩn bủa vây cuộc sống người dân khiến ông có nhiều trăn trở. Để đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra được sản phẩm sạch, cần vốn lớn mà phần lớn nông dân không có điều kiện đáp ứng. “Tôi nghĩ, mình có khả năng làm được, tại sao không làm? Vậy là tôi quyết định làm gì đó để góp phần giúp người dân tiếp cận sản phẩm sạch, an toàn. Tôi không hy vọng mình làm được hết mà chỉ mong góp một phần nhỏ cho công cuộc này”, ông Sinh nói.

Sau hơn 1 năm áp dụng, mô hình trồng dưa trong nhà kính ứng dụng công nghệ cao của Công ty Hòa Bình GAP đã cho thấy hiệu quả vượt trội. Sản phẩm đầu tiên cho thu hoạch là 2.500 gốc dưa chuột với sản lượng 15 tấn; tiếp đó là dưa kim hoàng hậu với sản lượng 3,5 tấn quả, đem lại lợi nhuận xấp xỉ 200 triệu đồng. Trong khi đó, vụ thu hoạch tới đã có thể đảm bảo sản lượng và chất lượng tốt.

Với chất lượng hiệu quả đồng đều, màu thịt đẹp, giòn và ngọt, toàn bộ sản phẩm đã có đầu ra tiêu thụ ổn định tại thị trường Hà Nội. 

Hiệu quả vượt trội

Để có thành công bước đầu như hôm nay, ông Sinh cùng các cộng sự đã phải bỏ không ít công sức và mồ hôi, nước mắt mới có được. Ông Sinh đã dành thời gian đi thăm quan, học hỏi các mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại nhiều nước. Mô hình nhà kính tại thị trấn Thanh Hà được lựa chọn ứng dụng công nghệ Isarel, ra đời với sự góp sức của nhiều chuyên gia, kỹ thuật viên giỏi về trình độ ở trong và ngoài nước.

Ông Sinh cho rằng: “Hệ thống nhà kính có ưu điểm vượt trội giúp chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập, chủ động chế độ dinh dưỡng cho cây… và do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên đảm bảo sản phẩm an toàn, giảm chi phí sản xuất”.

Qua thăm quan, chúng tôi mới hiểu được áp dụng mô hình nhà kính đem lại hiệu quả như thế nào đối với sản xuất nông nghiệp. Như giống dưa lưới chịu nắng tốt nhưng không chịu được mưa, nếu gặp mưa quả sẽ bị nứt. Nhà kính Isarel không những che mưa, điều chỉnh yếu tố bên ngoài như nhiệt độ, độ ẩm mà còn ngăn côn trùng, chuột… xâm nhập gây hại. Việc không gieo hạt trực tiếp xuống mặt đất mà trồng trong giá thể xơ dừa đã qua xử lý giúp cây tránh tiếp xúc với vi sinh vật có hại trong đất. Nhờ đó đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Cũng theo ông Sinh, nhà kính lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt tự động đến từng gốc cây. Nước chứa dinh dưỡng được tưới 8 lần mỗi ngày, mỗi ngày từ 100- 200ml, tưới chính xác cho mỗi cây nên dưa phát triển đồng đều. Không chỉ ít sâu bệnh, năng suất cao, ổn định, quá trình sản xuất còn tốn ít nhân công, trung bình chỉ cần 1 người/1.000m2. Đồng thời có thể trồng các vụ nối tiếp nhau mà không cần luân canh để cải tạo đất. Qua 1 năm ứng dụng đã khẳng định, mô hình trồng dưa trong nhà kính ứng dụng công nghệ cao của Isarel cho năng suất cây trồng gấp 15 lần so với phương pháp canh tác thông thường, thời gian thu hoạch ngắn, dưa chuột từ 25- 30 ngày, dưa kim hoàng hậu 60- 65 ngày, dưa lưới 70- 75 ngày.

Mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của ông Sinh đang được nhiều hộ nông dân không chỉ tại Hòa Bình mà nhiều tỉnh thành đến thăm quan, học hỏi kinh nghiệm. Tuy nhiên, do vốn đầu tư lớn, cần có sự đầu tư bài bản và sử dụng đồng vốn hiệu quả. Ông Sinh nói: “Nếu Nhà nước không hỗ trợ người nông dân về vốn thì rất khó có thể triển khai việc áp dụng và đưa mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao được”.

Đọc thêm