Luật bảo hiểm có cũng như không?

(PLO) - Đang có nhiều kẽ hở trong Luật Kinh doanh bảo hiểm cũng như chưa có hành lang pháp lý đầy đủ đã tạo điều kiện cho trục lợi bảo hiểm phát triển. 
Ảnh minh họa. Nguồn internet
Ảnh minh họa. Nguồn internet 
Trục lợi bảo hiểm thuộc hành vi nào?
Đây là câu hỏi mà các chuyên gia bảo hiểm, luật sư và cơ quan quản lý cũng đang tranh cãi tìm câu trả lời. “Khi yêu cầu cơ quan điều tra can thiệp, doanh nghiệp bảo hiểm có thể viện dẫn Điều 139 Bộ luật Hình sự “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, với những quy định tương đối nghiêm khắc đối với hành vi “thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác”. Tuy nhiên, thực tế áp dụng có những khó khăn và bất cập”, một lãnh đạo Bảo hiểm Dầu khí PVI chia sẻ.
Theo các chuyên gia, những hành vi trục lợi bảo hiểm hiện nay đều có dấu hiệu của các tội lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản, làm giả tài liệu, khai báo gian dối hay tội điều động hoặc giao phương tiện cho người không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
Cụ thể, trong một số trường hợp, qua quá trình điều tra, các công ty bảo hiểm đã phát hiện ra khách hàng có dấu hiệu lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền bảo hiểm, từ đó công ty bảo hiểm đã từ chối bồi thường cho khách hàng. Như vậy, trên thực tế khách hàng đã có hành vi lừa đảo nhưng vì công ty bảo hiểm từ chối bồi thường và chưa chi trả tiền bồi thường cho khách hàng, vậy chưa cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định của pháp luật. 
"Được ăn cả", ngã… không sao
Đây là tâm lý của nhiều khách hàng khi khai báo gian dối để đòi tiền bảo hiểm. Mặc dù các công ty bảo hiểm đã chứng minh được khách hàng khai báo không đúng nhưng cũng chưa có quy định pháp luật cụ thể về chế tài để xử lý trong trường hợp này. Trong hợp đồng bảo hiểm hay trong quy tắc bảo hiểm của các công ty đều quy định nghĩa vụ của khách hàng là phải khai báo trung thực, tuy nhiên khi có hành vi khai báo gian dối thì các công ty bảo hiểm cũng chỉ có thể từ chối không bồi thường tổn thất cho khách hàng. 
Khi phát hiện các khách hàng gian dối nhằm trục lợi bảo hiểm, theo chủ quan của các công ty bảo hiểm đều chỉ mong muốn từ chối bồi thường cho khách hàng mà không muốn khép khách hàng vào các tội danh theo quy định của pháp luật. Chính vì vậy, nhiều khách hàng đã lợi dụng việc này để làm tới, được thì tốt, không được thì cũng ít khi bị làm sao.
Ngay kể cả các hành vi đã được xác định rõ, ví như trong Bộ luật Hình sự có một số điều quy định tội liên quan đến việc điều khiển hay điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện gây tai nạn. Tuy nhiên, các quy định này chỉ có thể áp dụng khi việc điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông mà gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác. 
Quy định, phải thực chất
Mặc dù Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có quy định về một số công đoạn dễ phát sinh trục lợi, có hình thức chế tài xử phạt cho các hành vi trục lợi bồi thường, phí bảo hiểm và trục lợi của nhà cung cấp dịch vụ, tuy nhiên, hệ thống pháp luật liên quan đến bảo hiểm vẫn chưa thực sự hoàn thiện. Do đó, thông thường khi thấy hồ sơ bồi thường không hợp lệ hoặc thấy có dấu hiệu trục lợi thì công ty bảo hiểm chỉ sử dụng biện pháp là từ chối bồi thường, còn nếu muốn khởi tố, đưa ra pháp luật thì việc định tội danh cho khách hàng không phải là việc đơn giản.  
Bên cạnh đó, các mức hình phạt với hành vi trục lợi bảo hiểm chưa cao, đồng thời thiếu sự kiểm soát và xử lý của các bên liên quan, mức phạt chưa đủ sức răn đe đối với các đối tượng vi phạm.
Ngoài ra, hệ thống văn bản pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm còn nhiều chồng chéo và chịu sự điều chỉnh của nhiều nguồn luật: Bộ luật Dân sự, Luật Hàng hải, Luật Hàng không dân dụng, Luật Kinh doanh bảo hiểm… và nhiều văn bản dưới luật khác. Vì thế, rõ ràng hoàn thiện hệ thống luật pháp về bảo hiểm là việc cần được quan tâm thực hiện.
“Cần bổ sung các quy định liên quan đối với đại lý bảo hiểm hoặc doanh nghiệp môi giới bảo hiểm khi có hành vi liên quan đến trục lợi bảo hiểm. Cần bổ sung và quy định rõ các trường hợp sẽ cấu thành tội phạm khi người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng thực hiện hành vi gian dối nghiêm trọng liên quan đến việc làm giả tài liệu về các đối tượng được bảo hiểm, tạo hiện trường giả, giả mạo hoặc thay đổi giấy chứng nhận, tài liệu, chứng cứ” – đại diện Bảo hiểm Quân đội MIC bày tỏ.

Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam ghi nhận, tỉ lệ hồ sơ nghi vấn trục lợi bảo hiểm phi nhân thọ khoảng 10%, tăng đáng kể so với cùng kỳ. Do không đủ thời gian và nguồn lực để điều tra, thẩm tra kỹ càng, các doanh nghiệp chỉ phát hiện được bằng chứng 50% hồ sơ trong số đó, còn 50% các doanh nghiệp buộc phải thanh toán.

Đọc thêm