Luật “hở” khiến doanh nghiệp lợi dụng hại khách dùng smartphone?

(PLO) - “Kẽ hở lớn nhất trong pháp luật về vấn đề này là cơ chế, quản lý giám sát đối với hoạt động của các doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực công nghệ thông tin không được quy định cụ thể. Văn bản pháp luật điều chỉnh vấn đề này đang còn hạn chế dẫn đến việc DN lợi dụng để thu lợi bất chính, đồng thời các chế tài xử lý vi phạm chưa nghiêm khắc và quyết liệt” - Luật sư Trương Anh Tú (Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú) nhận định.
Luật sư Trương Anh Tú
Luật sư Trương Anh Tú
Báo Pháp luật Việt Nam vừa có những bài phản ánh việc một số DN kinh doanh phần mềm giám sát, theo dõi điện thoại khách hàng trái phép… Theo ông, việc kinh doanh và cung cấp phần mềm này của DN vi phạm những quy định pháp luật nào?
- Theo tôi, việc kinh doanh và cung cấp phần mềm theo dõi điện thoại của DN là hành vi vi phạm hàng loạt các quy định của pháp luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Dưới góc độ dân sự, hành vi của DN vi phạm Bộ luật Dân sự (BLDS). BLDS quy định việc kiểm soát thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân chỉ được thực hiện trong trường hợp pháp luật có quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc một số DN nêu trên tự ý sử dụng phần mềm theo dõi điện thoại với đa chức năng như thống kê cuộc gọi, ghi âm cuộc gọi, sao lưu tin nhắn, sao lưu hình ảnh, sao lưu video, thống kê danh bạ… để theo dõi là xâm phạm trực tiếp đến đời sống riêng tư của người khác, vi phạm nghiêm trọng quyền bí mật đời tư (quyền bí mật về thư tín, điện thoại, điện tín) của cá nhân được quy định tại Điều 38 BLDS.
Bên cạnh đó, việc DN đưa ra phần mềm này và cài đặt vào điện thoại khách hàng vi phạm quy định chống phần mềm gây hại tại Điều 71 Luật Công nghệ thông tin, cụ thể là hành vi tạo ra, cài đặt vào thiết bị số của người khác để thu thập thông tin của người khác; xóa bỏ, làm mất tác dụng của các phần mềm bảo đảm an toàn, an ninh thông tin được cài trên thiết bị số; chiếm đoạt quyền điều khiển thiết bị số; xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng… Đồng thời vi phạm nghiêm trong các quy định về bảo đảm an toàn, bí mật thông tin quy định tại Khoản 2 Điều 72 Luật Công nghệ thông tin.
Doanh nghiệp lợi dụng việc sử dụng thông tin mạng để tạo, cài đặt, phát tán phần mềm độc hại để xâm nhập trái phép, chiếm quyền điều khiển hệ thống thông tin vi phạm quy định tại Khoản 5 Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp sử dụng dịch vụ internet và thông tin mạng.
Hành vi nói trên của DN có vi phạm pháp luật hình sự không? Nếu có, xử lý như thế nào, thưa ông?
- Dưới góc độ hình sự, tùy từng tính chất mức độ có thể xem xét xử lý hình sự về tội “Xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác” quy định tại Điều 125 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, việc truy cứu trách nhiệm hình sự không áp dụng với tổ chức, do đó sẽ xem xét trách nhiệm đối với cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu tổ chức.
Theo ông, hành vi khách hàng đề nghị DN theo dõi các máy điện thoại vi phạm quy định nào?
- Đối với khách hàng đề nghị DN theo dõi các máy điện thoại, mặc dù không trực tiếp thực hiện hành vi theo dõi nhưng mục đích nhằm có được các thông tin, giám sát, kiểm soát được thông tin của cá nhân khác, do đó hành vi này cũng là hành vi xâm phạm quyền bí mật đời tư (quyền bí mật về thư tín, điện thoại, điện tín) của cá nhân được quy định tại Điều 38 BLDS. Đồng thời tùy tính chất, mức độ có thể xử lý hình sự về tội “Xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác” quy định tại Điều 125 Bộ luật Hình sự.
Ông nhận định thế nào về hệ thống các quy định pháp luật liên quan đến việc chống các phần mềm gây hại tương tự vụ việc diễn ra tại Cty Việt Hồng mà Báo Pháp luật Việt Nam thông tin trong những số báo trước?
- Mặc dù pháp luật có những quy định về việc chống các phần mềm gây hại, quy định về đảm bảo an toàn, bí mật thông tin, thậm chí có quy định của Bộ luật Hình sự về loại tội này nhưng một số DN vẫn công khai cung cấp phần mềm theo dõi điện thoại bởi những quy định trên chỉ mang tính chất chung chung không cụ thể, không có văn bản hướng dẫn chi tiết, không quy định cơ chế quản lý giám sát về hoạt động này dẫn đến việc khó kiểm soát. Mặt khác, hoạt động công nghệ thông tin ngày càng phát triển mạnh mẽ, tinh vi và phức tạp trong khi các quy định của pháp luật hiện hành vẫn chưa bắt kịp để đưa ra những điều chỉnh thích hợp.
Nhìn chung, kẽ hở lớn nhất của pháp luật về vấn đề này là cơ chế, quản lý giám sát đối với hoạt động của các DN trong lĩnh vực công nghệ thông tin không được quy định cụ thể. Văn bản pháp luật điều chỉnh vấn đề này đang còn hạn chế dẫn đến việc DN lợi dụng để thu lợi bất chính, đồng thời các chế tài xử lý vi phạm chưa nghiêm khắc và quyết liệt. 
Xin cảm ơn Luật sư!

Đọc thêm