Mua, đổi tiền lẻ dịp cuối năm: Mùa “hốt bạc” của thị trường “chợ đen”?

(PLO) - “Đến hẹn lại lên”, cứ giáp tết Nguyên Đán người dân lại lùng sục đi tìm mua, đổi tiền mệnh giá thấp (tiền lẻ) để mừng tuổi lì xì, đi lễ chùa đầu năm… Trong khi tiền lẻ, tiền mới tại Ngân hàng khan hiếm thì ngoài thị trường “chợ đen” lại trở nên nhộn nhịp, đối tượng rao bán cam kết 100% tiền lẻ đều là tiền thật và “nguồn” từ ngân hàng mà ra. 
Tiền mệnh giá 10.000 đồng có phí đổi bị đẩy lên 15%. Ảnh minh họa
Tiền mệnh giá 10.000 đồng có phí đổi bị đẩy lên 15%. Ảnh minh họa

Hét phí 5 - 30%

Theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết các ngân hàng như VietcomBank, TPBank, HDBank, Viettinbank… khi được đề nghị đổi tiền lẻ mới với số lượng lớn đều “không đủ” hoặc “không có”. 

Theo nhân viên một chi nhánh ngân hàng thương mại tại quận Tây Hồ cho biết, thời gian gần đây có nhiều người dân tới ngân hàng đề nghị đổi tiền lẻ và tiền mới. “Chủ yếu người dân muốn đổi tiền mới với mệnh giá 10.000 đồng và 20.000 đồng, tuy nhiên chi nhánh mình cũng phải từ chối vì không đáp ứng được. Riêng đối với tiền mệnh giá từ 5.000 đồng trở xuống thì ngân hàng hoàn toàn không có để cung ứng” – nhân viên này cho biết. 

Một nhân viên ngân hàng khác thì bật mí rằng, đối với tiền lẻ mệnh giá 20.000 đồng, 50.000 đồng chỉ được đổi đối với vip, khách hàng của ngân hàng, tổ chức tín dụng khác và một số cho nhân viên ngân hàng nhưng số lượng không nhiều. 

Trong khi lượng cung tiền lẻ tại các ngân hàng khan hiếm, hầu như không có thì hoạt động bên ngoài “chợ đen” trở lên sôi động và có thể ví như “đây là mùa hốt bạc” của những người kinh doanh dịch vụ đổi tiền lẻ này.

Mặc dù hình thức này không được pháp luật cho phép nhưng với giá trị lợi nhuận cao, nhu cầu người dân lớn nên nhiều đối tượng vẫn bất chấp, thực hiện nhiều hành động găm giữ tiền lẻ để đẩy hàng kiếm lời. 

Khảo sát của phóng viên cho thấy, trên facebook, người dùng chỉ cần gõ “đổi tiền lẻ” thì trên 50 trang fanpage rao bán, đổi tiền lẻ xuất hiện cùng số điện thoại, địa chỉ rõ ràng. Trong vai người đổi tiền, trao đổi với số điện thoại 0986463xxx (hotline của trang mạng “đổi tiền lẻ” Hà Nội) chúng tôi được người quản lý fanpage “đổi tiền lẻ” này cho biết, tùy vào số lượng tiền đổi sẽ có mức phí đối với từng mệnh tiền khác nhau. 

Cụ thể, đối với khách đổi lẻ, giá trị từ 10 triệu đồng trở xuống, sẽ có phí như sau: Đối với loại tiền mệnh giá 200.000 đồng có phí đổi là 5% trên tổng số tiền; loại tiền mệnh giá 100.000 đồng có phí đổi là 6%; loại tiền mệnh giá 50.000 đồng có phí đổi là 8%; 20.000 đồng phí đổi là 10%; 10.000 đồng phí đổi là 12-15%. Riêng đối với các loại tiền có mệnh giá từ 5.000 đồng trở xuống có phí từ 25-30% trên tổng số tiền. 

Theo người quản lý trang fanpage này, nếu đổi buôn từ 10 triệu đồng trở lên sẽ được giảm phí từ 2% - 15% tùy từng mệnh tiền, riêng đối với những tờ tiền mệnh giá càng nhỏ phí sẽ càng đắt. Về thời gian nhận tiền, theo chủ fanpage này chỉ cần chốt đơn hàng và báo trước một ngày, số lượng bao nhiêu cũng có. 

Nguồn tiền lẻ “được tuồn” từ đâu? 

Kể từ năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã chủ trương không in tiền mệnh giá nhỏ mới vào dịp Tết nên thị trường ngày càng khan hiếm. Và thực tế khảo sát trực tiếp của PV tại một số ngân hàng trên địa bàn TP Hà Nội, cũng đều nhận được câu trả lời “không có”, “không đủ”. 

Thế nhưng, sau khi được tư vấn về chi phí mua, đổi tiền lẻ, băn khoăn về chất lượng tiền có thực sự là hàng thật tại một số địa chỉ phi chính thức rao đổi tiền lẻ trên mạng thì thật ngạc nhiên PV lại nhận được sự cam kết từ các cơ sở này là 100% là tiền thật, tiền từ ngân hàng tuồn ra (?!).  “Ngân hàng họ để tiền cho những bên dịch vụ như bọn mình. Nhân viên ngân hàng cũng không đổi được đâu... Sẽ mất phí khi mua, đổi tiền lẻ, nhưng bạn yên tâm vì chi phí đến tay khách hàng là giá tốt nhất trên thị trường rồi”- chủ một trang mạng “đổi tiền lẻ” tiết lộ.

Khi được hỏi về việc muốn “mua, đổi tiền lẻ” từ “đầu mối ngân hàng” thì phải làm như thế nào? Gặp ai? Đối tượng tỏ ý không muốn tiết lộ, khi ngắn gọn: “Cái này không tiết lộ được đâu vì nó liên quan tới nhiều bên mới có thể làm được. Nếu muốn làm thì cứ lấy số lượng lớn bên mình, tầm 100 triệu đồng trở lên mình để cho giá sát gốc”.

Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, trong đó có quy định về việc xử phạt đối với hoạt động đổi tiền lẻ. Theo đó, khoản 5 Điều 30 Nghị định 96/2014/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 20 triệu đồng  đến 40 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật. 

Việc nhận đổi tiền lẻ ăn chênh lệch là hoạt động bị pháp luật ngăn cấm. Nếu bị cơ quan chức năng phát hiện, người đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch không đúng quy định sẽ bị xử phạt khá nặng. Thế nhưng, bất chấp quy định cứ vào dịp cuối năm hoạt động mua, đổi tiền lẻ lại hoạt động nhộn nhịp và trở thành cơ hội kiếm bộn tiền cho không ít người. Rõ ràng, các nguồn tiền lẻ được tuồn ra từ đâu vẫn là câu hỏi thách thức nhiều cơ quan quản lý...

Đọc thêm