Nghệ An: Thí điểm du lịch cộng đồng tại “xứ hồng không hạt”

(PLO) - Xã Nam Anh (huyện Nam Đàn, Nghệ An) vốn nổi tiếng với những cây hồng cổ thụ cho trái giòn ngọt. Đây cũng là vùng đất tọa lạc ngôi chùa lớn Đại Tuệ nắm giữ đến 4 kỷ lục Việt Nam. Kết hợp hai “thế mạnh” này, mới đây huyện Nam Đàn đã đưa ra đề án thí điểm phát triển du lịch cộng đồng kết hợp tâm linh tại xã bán sơn địa này.
Chị Liên bên những cây hồng trĩu trái
Chị Liên bên những cây hồng trĩu trái

Thu bạc tỷ nhờ hồng không hạt

Còn hơn 1 tháng nữa mới đến chính vụ thu hoạch hồng, nhưng dọc theo con đường lên chùa Đại Tuệ, nhiều cây hồng cổ thụ trái đã chuyển sang màu vàng. Thi thoảng, một vài chiếc xe ô tô lại dừng lại ngắm loại cây nổi tiếng của vùng này. Một vị khách đến từ TP Vinh tâm sự: “Nghe danh hồng ở xã Nam Anh đã lâu, nhưng hôm nay tôi mới có dịp “mục sở thị” vườn hồng trĩu quả. Thật tuyệt vời khi vừa được tham quan chùa Đại Tuệ, vừa được chiêm ngưỡng, thưởng thức đặc sản nổi tiếng một vùng”.

Theo người dân Nam Anh, hồng bản địa có 2 loại, hồng trứng và hồng cậy (đều không hạt). Hồng ở đây nói riêng và vùng đồi núi Đại Huệ nói chung nổi tiếng thơm ngon, có vị ngọt dịu, giòn, giàu chất dinh dưỡng mà không vùng nào trên địa bàn Nghệ An có được. Phần lớn là nhờ chất đất, khí hậu, một phần nhỏ là nhờ địa thế nằm ở vị trí tránh được gió Lào và gió Bắc. Được biết, đã có nhiều người ở các xã khác đến xin giống hồng nơi đây đưa về trồng nhưng chất lượng không bằng những cây trồng tại đất của xã Nam Anh.

Là hộ gia đình có diện tích trồng hồng thuộc tốp đầu của xã, chị Hồ Thị Liên (trú xóm 8) cho biết, khu đồi của gia đình có gần 40 cây hồng cậy. Trong đó, chừng 10 cây trên trăm tuổi, số còn lại được gia đình trồng cách đây vài chục năm.

“Những cây lâu năm được trồng từ nhiều đời trước. Người dân chúng tôi không rõ thời gian cụ thể, lớn lên đã thấy những cây hồng sai trĩu quả nằm trên sườn núi Đại Huệ. Dù trải qua thời tiết khắc nghiệt, nhiều trận mưa bão nhưng những cây hồng này vẫn trụ vững, càng già cho càng nhiều trái”, chị Liên vừa chỉ vào cây hồng to nhất đồi vừa giới thiệu.

Năm 2017 vừa qua, vườn hồng cổ thụ đã đem lại cho gia đình chị Liên nguồn thu nhập lớn. Anh Nguyễn Hữu Phong (SN 1976, chồng chị Liên) nhẩm tính: “Vụ mùa trước, cây to nhất cho gần 400kg quả, còn trung bình mỗi cây thu được 100kg quả. Với giá thương lái thu mua từ 15 đến 20 nghìn đồng/kg, gia đình tôi đã thu được khoản tiền khá lớn, gấp nhiều lần so với trồng lúa, hoa màu khác”.

Nhận thấy nguồn kinh tế cao, năm nay, gia đình anh Phong đã mạnh tay đầu tư vào giống cây này. Ngoài trồng thêm những cây mới, vợ chồng anh còn cẩn thận chăm sóc, thúc bón phân cho cây.

Anh Phong bật mí, trồng hồng không quá vất vả. Hàng năm, sau mỗi vụ thu hoạch chỉ cần làm cỏ, xới đất, bón phân. Cái cốt lõi là khí hậu và thổ nhưỡng ở vùng núi này rất phù hợp với cây hồng, do vậy giảm bớt chi phí cho người dân.

“Năm nay, dù chưa thu hoạch nhưng tôi ước tính sản lượng sẽ cao hơn năm ngoái. Cây hồng nhiều trái, tỉ lệ trái đẹp, đều. Nhìn vườn hồng trĩu trái, tôi rất phấn khích, hy vọng một mùa nữa sẽ bội thu”, lời anh Phong.

Còn riêng với gia đình anh Hồ Viết Thắng (trú xóm 5), với diện tích hơn 1 ha đất vườn đồi, anh đã bố trí trồng gần 100 gốc hồng. Anh Thắng kể trước đây gia đình chỉ có vài chục gốc cây, sau thấy hiệu quả kinh tế cao nên anh tiếp tục chiết ghép cành trồng hết diện tích đất vườn. Năm 2017, nhờ thời tiết thuận lợi, tỷ lệ đậu quả cao, bình quân mỗi cây trong khu vườn gia đình anh cho thu hoạch trên 100kg quả. Năm nay, hồng được mùa, do vậy anh Thắng ước tính sản lượng thu hoạch sẽ cao hơn nhiều. 

Mùa hồng ở Nam Anh bắt đầu từ đầu tháng 9 và kéo dài gần hết năm dương lịch. Vào chính vụ, khắp các vườn nhà, vườn rừng, đi đâu cũng thấy vàng rực một màu hồng. Hồng sau khi hái về được ủ khô hoặc ngâm trong nước khoảng 3 - 4 ngày đêm mới ăn được. Hồng ủ thì chín mềm, chuyển màu đỏ thắm, còn hồng ngâm thì vẫn giòn, giữ màu vàng tươi.

Điều thú vị là hồng ở đây có thể dành để chưng Tết, nếu biết cách cất giữ. Mỗi mùa hồng, người dân thường chọn vài kg quả to, đẹp, vừa chín đến, vùi trong cát khô, cất gần Tết mới đưa ra, bày lên mâm ngũ quả. Sau mấy tháng, hồng vẫn còn tươi rói, thơm ngon, là hoa trái vườn nhà dâng lên tổ tiên.

Hồng không hạt là đặc sản nổi tiếng của vùng đất Nam Anh
Hồng không hạt là đặc sản nổi tiếng của vùng đất Nam Anh

Phát triển kinh tế gắn với du lịch tâm linh

Một điều đặc biệt là hầu như những vườn hồng ở Nam Anh đều nằm hai bên triền đồi, dọc đường lên chùa Đại Tuệ. Đây là ngôi chùa cổ nằm trên đỉnh núi được cho là một trong những ngọn núi linh thiêng bậc nhất xứ Nghệ là núi Đại Huệ.

Chùa Đại Tuệ được xây dựng từ thế kỷ XIV, nơi đây thờ Phật bà Đại Tuệ - Phật Mẫu Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa (nghĩa là trí tuệ lớn làm giác ngộ thành Phật Mẫu). Chùa nằm ở độ cao hơn 450m so với mực nước biển, được trùng tu gần nhất vào năm 2010. Đây là ngôi chùa đã được Hội Kỷ lục gia Việt Nam công nhận bốn kỷ lục: Ngôi chùa trên núi có hồ nhân tạo lớn nhất; Ngôi chùa có hệ thống tượng hồng ngọc nhiều nhất; Ngôi chùa có hệ thống tượng bằng gỗ dâu nguyên khối nhiều nhất và ngôi chùa có hệ thống câu đối bằng thư pháp thuần Việt nhiều nhất Việt Nam.

Mỗi ngày, có hàng trăm lượt du khách từ khắp nơi tìm về chùa Đại Tuệ. Với mục đích tận dụng đặc sản địa phương, gắn kết với du lịch tâm linh, mới đây huyện Nam Đàn đã đưa ra đề án phát triển du lịch cộng đồng tại xã bán sơn địa này. 

Theo đề án, chính quyền sẽ chọn một số vườn hồng liền kề, được trồng hai bên đường lên chùa Đại Tuệ để đầu tư, phát triển. Mục đích giúp khách du lịch sau khi đến với chùa Đại Tuệ sẽ dễ dàng đi tham quan, trải nghiệm những vườn hồng trĩu trái, tận hưởng không khí trong mát trên triền núi.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách trong quá trình tham quan vườn hồng, UBND huyện sẽ đầu tư xây dựng hệ thống giao thông đi bộ trong khu vực vườn hồng, lắp đặt một số nhà vệ sinh di động... Riêng với những hộ gia đình có vườn hồng tiêu biểu sẽ được tập huấn kỹ năng giao tiếp nhằm tạo ấn tượng tốt với du khách.

Là một trong những gia đình thuộc diện của dự án, anh Phong chia sẻ: “Người dân chúng tôi thường làm việc theo kiểu tự phát, nhưng sau khi biết được chủ trương của chính quyền thì rất đồng tình. Hiện tôi và những gia đình nằm trong dự án đang chú trọng chăm sóc vườn hồng. Kết hợp với đó là trồng thêm một số giống cây địa phương khác tạo nên sự đa dạng, hấp dẫn khách du lịch. Dù đề án mới thực hiện, nhưng chúng tôi tin rằng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân”.

Trao đổi với phóng viên, ông Hồ Viết Sỹ, Chủ tịch UBND xã Nam Anh cho biết, toàn xã có 5/9 xóm trồng hồng, với diện tích gần 100 ha. Cây hồng không hạt Nam Anh nổi tiếng từ bao đời nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Ông tin rằng vào mùa hồng chín, cả vườn hồng đỏ rực sẽ làm hài lòng khách du lịch. 

Đọc thêm