Người dân Quế Phong đổ xô hái “lộc” rừng

(PLO) - Khoảng hơn nửa tháng nay, người dân tại các xã miền núi thuộc huyện Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương (Nghệ An)… như vào “ngày hội” vì người người rủ nhau lên rừng hái quả bo bo bán cho thương lái. 
“Lộc rừng” đến với người dân Quế Phong
“Lộc rừng” đến với người dân Quế Phong

Do năm nay thương lái thu mua giá cao nên người dân vào rừng đông hơn năm trước, cuối ngày bo bo được gùi về trung tâm xã là có người đợi mua tại chỗ nên không sợ bị hư hỏng. Trong dịp nghỉ hè nên một số học sinh cũng tranh thủ giúp bố mẹ để kiếm tiền mua thêm quần áo mới và sách vở chuẩn bị cho năm học mới. 

“Hai vợ chồng cùng vào rừng hái bo bo, nếu may mắn gặp chỗ nhiều quả thì cũng có được hơn tạ bo bo về nhập, nếu ít cũng được gần một tạ, bán được khoảng 400 ngàn đồng”, chị Lương Thị Nguyệt trú tại bản Na Ty, xã Châu Thôn cho biết. Cũng như gia đình chị Nguyệt, cả bản có đến gần 30-40 người vào rừng hái quả bo bo về bán cho thương lái. Thời điểm hiện tại cũng đang là ngày nhàn rỗi, lúa rẫy chỉ sản xuất được một vụ nên sau khi thu hoạch người dân có thu nhập ít hơn, vì thế việc hái bo bo bán kiếm tiền cũng là một kế sinh nhai.

Ông Lô Văn Phương, một người thu mua quả bo bo tại xã cho biết, nếu đi hái trời nắng thì về nhập luôn với giá 4000 đồng/kg, trời mưa thì về phơi khô, sấy khô bán với giá 40.000 đồng/kg. Mỗi ngày tại điểm của gia đình ông thu mua được khoảng gần 10 tạ bo bo tươi của bà con, sau đó thương lái đến lấy về xuôi bán. 

Ông Phan Trọng Dũng - Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Quế Phong cho biết, trước đây người dân tự ý khai thác quả bo bo mà không biết chăm sóc hay bảo vệ cây nên năm sau không có thu hoạch được. Huyện Quế Phong đã đề xuất dự án phát triển và bảo tồn chăm sóc trồng mới cây bo bo ở những vùng khí hậu phù hợp với loại cây này. Do đó, huyện sẽ hỗ trợ cho những hộ gia đình có đất rừng trồng bo bo nguồn giống cây để trồng và tự chăm sóc, do đó diện tích ngày càng được cải thiện. Ý thức bà con khi đi khai thác cũng nâng cao hơn, không bẻ gãy, chặt phá khiến cây hư hại như trước nữa mà bảo vệ cho mùa sau…

Ngoài ra, trên dãy núi Lam Thành thuộc huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) bên cạnh bờ sông Lam những ngày qua cũng có một không khí rộn ràng khi người dân đổ xô lên núi hái sim. Những năm gần đây, sim được sử dụng cho mục đích ăn vặt hoặc ngâm rượu rất chuộng nên giá cả cũng cao hơn trước. Dãy núi Lam Thành với rừng sim mọc tự nhiên không ai trồng, những năm trước khi sim không có giá trị như bây giờ thì bị chặt phá hoặc trâu bò làm hư hại. Giá trị sim tăng cao nên người dân có ý thức giữ gìn, bảo vệ  hơn trước.

Sim bắt đầu cho thu hoạch quả vào tháng 7 tháng 8 hàng năm. Sim được nhập tại một số điểm thu mua tại xã Hưng Phú sau đó lựa chọn đóng gói chuyển vào các tỉnh miền Nam tiêu thụ. Giá sim nếu quả đẹp cũng được bán ra với giá 50.000 đồng/kg còn loại trung bình từ 25.000 đồng đến 30.000 đồng/kg. Theo những người đi hái sim, mỗi người một ngày cũng kiếm được 2-3kg sim để bán, có khi được cả triệu bạc, nhiều có thể còn hơn thế. 

Đọc thêm