Nông dân tán gia, bại sản vì thuốc bảo vệ thực vật giả

(PLO) - Nếu như cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật giả, “nhái” kiếm lời dăm chục ngàn mỗi chai thuốc thì người nông dân phải trả giá bằng cả một sản nghiệp. Nhiều cửa hàng, đại lý tại Đồng Nai, Bình Phước, Đắk Nông, Gia Lai… đang công khai bày bán, tư vấn cho người nông dân mua các loại thuốc này trước sự làm ngơ của cơ quan quản lý...
Nhiều gia đình mất cả gia sản vì tiêu chết hàng loạt dù được phun thuốc trị bệnh
Nhiều gia đình mất cả gia sản vì tiêu chết hàng loạt dù được phun thuốc trị bệnh
Thuốc diệt trừ nấm Phytophthora và kháng kích cây trồng gây bệnh thối rễ và vàng lá cây tiêu Agri fose 400 do Úc sản xuất ngang nhiên bị làm giả, làm nhái với những cái tên, hình ảnh na ná như Agri Photphonate (do Công ty Cổ phần Nông hóa Hà Lan, đóng tại Trảng Dài, Biên Hòa sản xuất), Agri Fose 400 (nhà sản xuất là Tập đoàn SMQ/CHE, nhà phân phối Công ty Vinachemical địa chỉ 268/8 Tô Ký,  Q.12, TP.HCM), Argi - Phosphonate -510 do Công ty TNHH SX TM DV Hóa Nông (252 đường Thới An 32, P.Thới An, Q.12, TP.HCM) sản xuất...
Không khó để có thể mua những sản phẩm này tại các đại lý bán thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Đắk Nông hay Gia Lai. 
Điêu đứng vì phun nhiều thuốc bảo vệ, tiêu vẫn chết hàng loạt
Nhiều nông dân tại vùng Tây Nguyên và Tây Nam bộ phản ánh, khoảng 1 năm trở lại đây xảy ra hiện tượng cây tiêu chết hàng loạt mặc dù người nông dân đã mua và phun rất nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật.
Anh Dương Nam Tảu (huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, cách đây 1 năm, gần 3.000 gốc tiêu của gia đình anh bỗng sinh bệnh thối rễ, vàng lá. Bệnh bắt đầu lan chỉ vài gốc,  sau đó lan cả vườn mặc dù anh đã phun rất nhiều loại thuốc nhưng tình hình không thể cứu vãn. Thiệt hại ước tính lên đến trên 1 tỷ đồng. 
Anh nhớ lại, khi vườn tiêu bắt đầu xuất hiện bệnh, anh có đem lá đến cửa hàng bán thuốc nhờ xem bệnh. Họ bán cho nhiều loại thuốc mà anh không nhớ tên, về phun nhưng không có tác dụng. Chỉ trong vòng 1 tháng, hàng nghìn gốc tiêu theo nhau chết, gia đình lâm cảnh nợ nần.  
“Hàng ngày nhìn vườn tiêu chết dần chết mòn mà gia đình không khỏi xót xa. Tiền vốn vay ngân hàng để đầu tư cho vườn tiêu còn chưa trả hết, bây giờ gây dựng lại phải mất 4 năm tiêu mới lớn. Nợ chồng nợ, lãi đẻ lãi biết bao giờ mới trả được” - anh nói.
Cùng cảnh ngộ gia đình anh Tảu, vườn tiêu của gia đình anh Bồ Công Thuận (Đồng Nai) chết hàng loạt. Mặc dù biết bệnh nhưng không thể tự mình kê đơn thuốc, anh Thuận ra đại lý mua thuốc và nhờ họ kê đơn. Anh cũng mua những loại thuốc mà họ bảo là tốt nhất, thế nhưng vườn tiêu vẫn chết.
Tại vườn tiêu nhà ông Arong Ywin xã H’Leo (huyện Ea H’Leo, Đắk Lắk), chúng tôi chứng kiến cảnh vườn tiêu đang chết. Nấm bệnh ăn từ dễ cây lên thân cây khiến thân cây đen dần, lá héo.  Bệnh lây từ trụ cây này sang cây khác mà người nông dân không biết nguyên nhân do đâu.
Ma trận thuốc bảo vệ thực vật
Khi chúng tôi hỏi mua thuốc trị bệnh vàng lá, thối rễ trên cây tiêu ở cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật lớn nhất xã Hiệp Hòa, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chủ cửa hàng tư vấn ngay: để trị bệnh phải mua 3 loại thuốc, trong đó 2 loại là thuốc trừ sâu. 
Tuy nhiên, khi khách nghi ngờ chai thuốc trừ sâu không ghi chữa được bệnh vàng lá, thối rễ ở cây tiêu thì chủ cửa hàng lại đưa thêm 1 chai thuốc khác và dặn sau khi dùng các loại thuốc trên mà tiêu không đỡ thì cần phải dùng thêm 1 loại thuốc nữa là Agri Fose Nhật 450 mới có thể trị được bệnh. “Loại thuốc này được quảng cáo là loại tốt nhất hiện nay và giá đắt nhất hiện nay” – chủ cửa hàng nói.
Còn tại Cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật Ngọc Thanh (huyện Xuyên Mộc), chủ cửa hàng đưa ra sản phẩm thuốc Agri Fose 400. Không bán kèm thêm sản phẩm khác nhưng bà chủ không quên dặn: “Em cứ về phun thử, nếu tình hình không cải thiện thì quay lại chị bán thêm loại khác nặng hơn, hàm lượng cao hơn”.
Trong khi đó tại Cửa hàng thuốc Hoàng (huyện Long Khánh, tỉnh Đồng Nai), phóng viên được “kê đơn” một trong 6-7 loại thuốc nhái Agri fose 400 đang được bày trên kệ cùng với một số sản phẩm hỗ trợ mà không hề biết nó có thể trị bệnh cho cây tiêu được không.
Tại sao các loại thuốc “chui”, thuốc không rõ nguồn gốc vẫn lưu hành trên thị trường? Tại sao người nông dân bỏ tiền mua nhiều loại thuốc nhưng vườn tiêu vẫn chết, gia sản của người nông dân trồng tiêu thì tiêu tan…? Đến nay những vấn đề này  vẫn không có cơ quan nào lên tiếng…
Hàng thật – chiết khấu 2.000 đồng/chai, hàng nhái – chiết khấu 80 nghìn đồng/chai
Chủ hiệu thuốc bảo vệ thực vật lớn nhất khu vực Long Khánh (Đồng Nai) tiết lộ, hiện có rất nhiều nhà phân phối chào bán các loại thuốc “nhái” nhưng cửa hàng này không nhập. Bán hàng “nhái”, một chai thuốc đại lý được chiết khấu 70-80 nghìn đồng/chai, trong khi đó bán thuốc thật cửa hàng chỉ được lãi 2.000 đồng/chai. Tuy nhiên, chủ hiệu này cho biết, thuốc “nhái” khi phun vào thì cây không chết ngay nhưng không trị được bệnh, còn khiến cho người nông dân tốn tiền hơn, và bệnh có thời gian lây lan. Nhiều người nông dân phun 2-3 lần thuốc “rởm” không được, quay trở lại, cửa hàng mới mang thuốc thật ra bán.

Đọc thêm