Nông sản Việt tìm đường ra thế giới

(PLO) - 1kg cà phê Robusta của Việt Nam được bán với giá 50.000 – 75.000 đồng/kg. Trong khi đó, 1kg cà phê với chất lượng tương đương tại thị trường Singapore có giá tới 50 đô la Singapore (tương đương 800.000 đồng) tức là gấp 10 so với giá của Việt Nam. Làm thế nào để nông sản Việt ra thị trường thế giới?
Mở rộng thị trường vẫn là bài toán khó cho nông sản Việt  (Ảnh minh họa)
Mở rộng thị trường vẫn là bài toán khó cho nông sản Việt (Ảnh minh họa)

Rào cản lớn nhất: Thiếu trung thực 

Tại hội thảo “Lối đi nào cho nông sản hữu cơ Việt Nam” do CLB Khởi nghiệp Nông nghiệp Việt Nam tổ chức, GS.TSKH Lưu Duẩn – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội khoa học và Công nghệ Thực phẩm Việt Nam lưu ý, giá trị gia tăng của thực phẩm hữu cơ từ nơi sản xuất cho đến tay người tiêu dùng rất lớn. Qua các giai đoạn từ thu hoạch, bảo quản, chế biến, dịch vụ… giá trị thực phẩm tăng lên rất nhiều. Mặc dù người nông dân rất vất vả nhưng thu nhập lại thấp, khâu trung gian lại khiến nền nông sản Việt Nam phát triển chậm. Ngoài ra, công nghệ bảo quản, chế biến tạo ra giá trị gia tăng rất lớn nhưng đây là khâu mà chúng ta còn yếu. Điều này dẫn đến sức cạnh tranh của nông sản Việt rất thấp so với nhiều quốc gia trong khu vực.

Để tìm nguyên nhân cho những bất cập đó, GS.TS Lưu Duẩn đặt ra câu hỏi “Đâu là trở ngại lớn nhất cho nông sản hữu cơ Việt Nam?”.

Bên cạnh những ý kiến của đông đảo các DN tham dự như: Chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có phương thức làm việc rõ ràng, chưa có sự đồng bộ về mối liên kết giữa các khâu từ đơn vị cung cấp cho tới DN thu mua  Công nghệ kỹ thuật còn hạn chế… GS.TS Lưu Duẩn nhận định: “Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất là do sự thiếu trung thực trong nhiều khâu, nhiều lĩnh vực. Sự thiếu trung thực xảy ra trong thời gian dài khiến người tiêu dùng mất lòng tin vào chất lượng, độ an toàn của thực phẩm, thậm chí cả chứng nhận của sản phẩm, dẫn tới kém hợp tác”.

Để hạn chế điều này, GS.TS Lưu Duẩn nêu ra nguyên tắc 3 không: “Không tham lam, không ngộ nhận và không cả tin”.

Đồng quan điểm, TS.Nguyễn Quang Vũ – Chủ tịch Hiệp hội Người Việt Nam tại Singapore (VAS) kiêm Giám đốc Phòng Thương mại Việt Nam tại Singapore (VietCham Singapore) cho rằng chính sự thiếu trung thực của nhiều người sản xuất, DN Việt Nam đã làm mất uy tín của nông sản Việt với thế giới.

Theo ông Vũ, DN xuất khẩu nông sản Việt Nam mất rất nhiều đơn hàng xuất khẩu vì không giữ được chất lượng do chất lượng càng về sau càng đi xuống. Thậm chí, hiện nay Singapore còn cấm một số sản phẩm chăm nuôi của Việt Nam với lý do chất lượng không đảm bảo. Hiện tại trên thị trường, nhiều người tiêu dùng có thu nhập cao, sẵn sàng chi trả để đảm bảo an toàn thực phẩm. Đây chính là thời cơ thích hợp nhất để phát triển sản phẩm hữu cơ. 

Singapore - Cửa ngõ ra thế giới?

Có một thực tế bất hợp lý đối với nông nghiệp hữu cơ Việt Nam,  đó là: 1kg cà phê Robusta của Việt Nam được bán với giá 50.000 – 75.000 đồng/kg. Trong khi đó, 1kg cà phê với chất lượng tương đương tại thị trường Singapore có giá tới 50 đô la Singapore (tương đương 800.000 đồng) tức là gấp 10 so với giá của Việt Nam. Vậy làm sao để chấm dứt tình trạng này? 

Theo ông Vũ, cần phải có sự đồng hành, hợp tác, kết hợp các nguồn lực cả trong nước và cộng đồng người Việt ở nước ngoài. “VietCham sẽ giúp các DN Việt làm điều đó!”- ông Vũ khẳng định

Tại Singapore, VietCham thành lập Quỹ đầu tư kêu gọi vốn cho người Việt (Regulus Investment and Capital Holdings) – để kêu gọi nguồn vốn cá nhân cũng như tổ chức toàn cầu cho nông sản Việt. Với 39 phòng Thương mại hoạt động trong Liên đoàn DN Singapore, và các văn phòng tại Trung Đông, châu Âu, Mỹ, Nhật, Úc... VietCham sẽ xúc tiến thương mại, xuất khẩu cho nông sản Việt, tìm ra nguồn mua và phối hợp với các đơn vị tại Việt Nam để xây dựng thương hiệu và đảm bảo giữ vững chất lượng của thương hiệu đó. 

“Singapore rất nhỏ, mọi người đều không để ý tới thị trường vài triệu dân này, tuy nhiên Singapore lại là cửa khẩu của thế giới. Các sản phẩm xuất nhập khẩu quốc tế, các chuyến tàu chở hàng quốc tế đều phải đi qua cửa ngõ của Singapore, bởi đây là trung tâm cảng biển, trung tâm vốn và tài chính. Hơn nữa, còn là trung tâm của thông tin (điều mà Việt Nam luôn thiếu). Điều này sẽ giúp cho việc kêu gọi vốn đầu tư toàn cầu cũng như tìm nguồn mua cho các DN sản xuất nông sản Việt Nam được dễ dàng hơn”, ông Vũ nhấn mạnh.

Tuy nhiên, VietCham chỉ lựa chọn xuất khẩu những sản phẩm nông sản có thương hiệu, không hỗ trợ xuất khẩu thô. Hiện tại VietCham đã hỗ trợ xuất khẩu cũng như đi sâu vào xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gạo của Gentraco hay sản phẩm nước dừa Cocoxim của CTCP XNK Bến Tre Betrimex. Đây là những sản phẩm có đầu tư chiều sâu vào thương hiệu, tập trung vào phát triển bền vững. 

Để đáp ứng xuất khẩu bền vững và kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài, ông Vũ đưa ra lời khuyên đối với các DN Việt nói chung và các DN khởi nghiệp nói riêng, đó là cần quan tâm tới các yếu tố bền vững, lợi ích lâu dài cho toàn bộ chuỗi cung ứng cũng như người tiêu dùng, thay vì chỉ nhìn vào lợi nhuận ngắn hạn. Chỉ có như vậy, dòng hàng chảy ra thế giới và dòng ngoại hối đầu tư vào Việt Nam mới có thể bền vững, tăng trưởng. 

Đọc thêm