Phía sau “cuộc chiến vỉa hè”

(PLO) - Sau đúng một tháng Hà Nội ra quân dọn dẹp vỉa hè, bộ mặt đô thị đã trở nên thông thoáng và đẹp hơn nhiều. Tuy nhiên, phía sau chiến dịch này là đủ những hỉ nộ ái ố mà những người dân sống gần gũi với vỉa hè cảm nhận được. 
Hình ảnh mất mỹ quan đô thị sau khi thực hiện chiến dịch vỉa hè
Hình ảnh mất mỹ quan đô thị sau khi thực hiện chiến dịch vỉa hè

PLVN đã thực hiện một cuộc “tổng khảo sát” để đưa ra cái nhìn toàn diện nhất về chủ trương lớn đang diễn ra ở thủ đô cũng như nhiều địa bàn khác trên cả nước. 

Là những người kinh doanh buôn bán trên vỉa hè bị ảnh hưởng bởi doanh thu, là những người bán hàng rong chật vật, xoay sở tìm kế mưu sinh..Và nhiềucảnh mất mỹ quan đô thị vì những quyết định cứng nhắc của những người thực hiện…

Doanh số, khách hàng giảm đến 70-80%

Chị Vũ Thị Mạnh, chủ cửa hàng quần áo ở 101 Hàng Đào (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) không giữ được bình tĩnh khi chúng tôi đề cập đến “chiến dịch giành lại vỉa hè”: Từ ngày có chiến dịch dọn dẹp vỉa hè, cửa hàng tôi giảm tới 70-80% lượng khách, cả khách buôn lẫn khách lẻ, có những ngày chán quá không muốn mở cửa hàng vì “có mở cũng chẳng có ai vào…”

Chị Mạnh cho biết, khách vào mua hàng đa phần đi xe máy, không có chỗ để xe nên họ cũng chẳng dám vào xem hàng. “Nói lùi hàng vào để có chỗ để xe thì chỗ đâu mà bày hàng. Thế nên chúng tôi gần như chịu trận, không thể làm ăn buôn bán gì với tính trạng này. Đây, ngay bên cạnh, khách vào thay pin đồng hồ cũng bị nhắc nhở, đòi phạt”- chị Mạnh bức xúc.

Không chỉ việc buôn bán gặp khó khăn,mà ngay cả sinh hoạt hàng ngày đối với người dân tại phố Hàng Đào cũng bất tiện.Bởi, chỉ để xe 2 phút vào lấy đồ đi ngay cũng bị phạt, bị thu. Họ cho biết, đầu phố Gia Ngư có bãi trông xe nhưng người trong bãi không nhận trông xe của khách buôn vì biết khách gửi lâu và cũng quen mặt nhau cả rồi. “Chúng tôi chỉ mong ở khu phố cổ đất chật, nhà hẹp này, vỉa hè khoảng 2,5m thì nên cho chúng tôi để xe, không thì cửa hàng chắc phải đóng cửa vì không có khách”- Chị Mạnh đề nghị.

Không chỉ các phố du lịch như Hàng Ngang, Hàng Đào bị ảnh hưởng, các hộ kinh doanh mặt đường ở các phố xa trung tâm cũng kêu không kém. Chị Nguyễn Bích Thủy, bán hàng tại cửa hàng trái cây nhập khẩu tại127 Nguyễn Lương Bằng (quận Đống Đa) cho biết, từ ngày ra quân lập lại trật tự vỉa hè hàng hóa lưu thông chậm hẳn, lượng khách hàng cũng giảm rõ rệt, hơn nửa tháng giảm 50% lượng khách hàng tới mua.

Chủ cửa hàng bán tạp hóa ở 124 phố Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, gia đình chị chấp hành chủ trương của TP, tự tháo dỡ mái hiên di động để hè phố thông thoáng. “Tuy nhiên, cũng phải chia sẻ với nhiều người bán hàng rong, ngồi tạm, ngồi nhờ phía trước mặt tiền các cửa hàng.Họ gần như mất đất làm ăn, tứ tán khắp nơi, có người thì đã phải về quê kiếm kế sinh nhai.Doanh thu cửa hàng của tôi cũng bị giảm sút vì chính những người bán hàng rong này cũng lấy khá nhiều hàng mỗi ngày”.

Bà Phan với gánh hàng rong mong muốn được đóng thuế vỉa hè để tiếp tục bán hàng
Bà Phan với gánh hàng rong mong muốn được đóng thuế vỉa hè để tiếp tục bán hàng

Sau “dẹp loạn” lại mất… bộ mặt đô thị

Theo ghi nhận của PLVN, trên các tuyến đường Láng (quận Đống Đa), Trường Chinh (quận Hoàng Mai) và Cửa Bắc (quận Ba Đình) nhiều hộ gia đình đã chủ động tự phá dỡ các công trình lấn chiếm vỉa hè trước sự chỉ đạo quyết liệt của UBND TP.Hà Nội. Tuy nhiên, phần lớn các loại phế thải xây dựng sau khi phá dỡ đều được đổ thẳng ra vỉa hè. Thậm chí ngay gần cổng UBND phường hay điểm chờ xe bus các bãi đổ vẫn ngang nhiên tồn tại.

Ông Nguyễn Đức Thành (quận Ba Đình) chủcửa hàng phụ liệu xây dựng cho biết, trước đây gia đình ông có lấn ra vỉa hè nửa mét, theo chủ trương của UBND TP Hà Nộiông trả lại đường cho nhà nước. “Vỉa hè thông thoáng hơn càng tốt, nó cũng không ảnh hưởng gì đến việc kinh doanh của gia đình chúng tôi”- Ông Thành chia sẻ.

Hỏi về đống phế thải vẫn còn ngổn ngang trên vỉa hè, thậm chí tràn xuống lòng đường suốt dọc tuyến phố, ông Thành cho biết, để dọn đi những đống phế thải này phải  thuê người mất 600.000-800.000 đồng/1 chuyến nên không mấy nhà chịu bỏ tiền ra để xử lý, mà tự đi dọn thì cũng chẳng biết đổ đi đâu… “Nên tạm thời cứ để luôn đó.Chờ UBND TP Hà Nội chỉ đạo giải quyết…”- Ông Thành nói.

Chị Vũ Thị Hoa (Cửa hàng sách Ngân Nga, phố Đinh Lễ, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại phê phán hiện tượng khác. Chị cho biết, chị ủng hộ chỉnh trang đô thị nhưng phải làm cho hợp lý.“Như ở phố này, phường bắt chúng tôi để xe ở trong, giáp tường nhà, dành phần đất bên ngoài cho người đi bộ. Nhưng chị nhìn xem, đất thì gồ ghề, cây to, tủ điện án ngữ... Cứ giả thử có người đi bộ vừa đi vừa nhìn sách, đọc sách, nhỡ họ va vào cây, vào tủ điện thì sao” - vừa nói chị vừa chỉ tay vào những cây, những tủ choán lối đi của người đi bộ. 

Chị bảo, phố Đinh Lễ có mái hiên khá rộng, dành để che nắng, che mưa cho người đi bộ thì bây giờ lại để che chở cho xe máy, đẩy người đi bộ vào khu vực thiếu an toàn. Bắt buộc để xevào trong rất bất tiện mỗi khi cửa hàng chuyển sách vào cửa hàng. “Phố này cũng còn may vì vẫn còn chỗ đỗ xe nên công việc kinh doanh không ảnh hưởng lắm. Tôi chỉ nghi ngại cho sự an toàn cho người đi bộ thôi…”- chị Hoa phân trần

Trường hợp phân chia vỉa hè không hợp lý như chị Hoa chia sẻ rất nhiều. Khắp Hà Nội, phố nào cũng… đẩy người đi bộ vào thế mất an toàn như thế. Lò Đúc, Tôn Đức Thắng, Trần Duy Hưng, Xuân Đỉnh, Đội Cấn… Đỉnh điểm, trên đoạn đường từ số 124 Trần Duy Hưng trở đi phần đường giành cho người đi bộ chỉ được bằng 2 gang tay hay ở đoạn 64 Đội Cấn (Ba Đình) chỉ vừa 1 gang tay. Phần đường quá nhỏ nên buộc người dân phải đi dưới lòng đường, gây nguy hiểm và mất mỹ quan đô thị.Hoặc lại có phố rộng thênh thang nhưng chính quyền cũng dẹp hết, như phố Xuân Đỉnh, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Hình ảnh mất mỹ quan đô thị sau khi thực hiện chiến dịch vỉa hè
Hình ảnh mất mỹ quan đô thị sau khi thực hiện chiến dịch vỉa hè

“Lén lút” làm ăn

Vỉa hè Hà Nội đã thực sự có một diện mạo mới, thông thoáng và sạch sẽ hơn, mọi hoạt độngdường như đã đi vào quy củ.Dọc các tuyến phố của quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và Đống Đa, hầu hết người dân đã thực hiện tốt việc trả lại vỉa hè trước kia lấn chiếm, tạo không gian thông thoáng cho người đi bộ. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít người dân tranh thủ những lúc các đơn vị chức năng không đi kiểm tra đã bán hàng “trộm” trên vỉa hè. 

Hầu hết là họ bán đồ ăn trưa, tối và trà đá. Nhưng theo quan sát của phóng viên, những người kinh doanh này cũng chỉ dám bày một vài chiếc ghế nhựa, hoặc 1, 2 cái bàn nhỏ ra sát mép vỉa hè và trong khoảng 1, 2 tiếng họ lại cất vào nhà. Hoặc những người gánh hàng rong vẫn tranh thủ những đoạn đường vắng… cán bộ để đặt thúng, bán hàng. 

Người người này cho rằng, họ chỉ tranh thủ ngồi ra vỉa hè trong thời gian ngắn, chứ không lấn chiếm vỉa hè, như ý kiến của bà Minh, bán bún đậu ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. “Tôi cũng chỉ để có vài cái ghế nhựa con ra cho khách ngồi, người dân vẫn đi qua lại thoải mái đấy thôi. Quán chật, khách thì đông, nên bí quá cũng bày ghế ra mép chút xíu” - bà Minh giải bày.

Trong dáng người xanh sao, gầy gò, cụ Nguyễn Thị Phan (67 tuổi, Hoài Đức,Hà Nội) bán hàng rong trên phố Láng Thượng (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Tôi bán hàng rong ở đây đã 20 năm rồi.Mặt hàng chủ yếu là hoa quả, cứ túc tắc một ngày chỉ được 70.000-80.000.Từ ngày họ dẹp vỉa hè, tôi không còn chỗ để buôn bán nữa nhưng quen khách rồi nên tôi vẫn tranh thủ ngồi đây.Mỗi lần thấy công an phường là tôi chẳng cần quan tâm đường có xe hay không, phải chạy sang bên kia đường “trốn” đã. Họ đi rồi, tôi lại ra bán tiếp”.

Rồi bà tiếp: “Tuổi chúng tôi cũng già cả hết rồi, đi làm thuê thì không ai nhận mà công việc nặng nhọc cũng không đủ sức làm. Tôi biết chính sách của nhà nước không cho bán hàng rong,cũng biết vỉa hè là đất của nhà nước, là nơi để dành cho người đi bộ.Nhưng không đi buôn, đi bán thì gia đình không thể sống được chị ạ. Bây giờ chỉ mong nhà nước cho chúng tôi nộp thuế vỉa hè để chúng tôi không phải lén lút bán trộm như thế này nữa” - bà Phan bày tỏ.

Tương tự như bà Phan, bà Minh là những trường hợp bán hàng rong, bán hàng trên vỉa hè của phường Kim Liên. Sau nhiều ngày ra quân, bộ mặt đô thị Kim Liên đã thông thoáng hơn rất nhiều, nhưng những con ngõ của Kim Liên lại dày đặc những hàng ăn, quán nước và các gánh hàng rong… Họ đều ở tình thế vừa bán hàng vừa trông ra đầu ngõ, hễ cứ thấy lực lượng chức năng là đứng dậy chạy mất, bỏ lại vài cái ghế nhựa không kịp cất hoặc cái ấm, cái phích chưa kịp mang theo. 

Những trăn trở về tìm kiếm công ăn việc làm, về sinh nhai của những người bán hàng bị ảnh hưởng bởi chiến dịch vỉa hè này cũng chính là trăn trở của của chính quyền địa phương. Nhiều lãnh đạo phường mà chúng tôi đã gặp cũng bày tỏ về việc địa phương đang tìm cách tháo gỡ những hệ lụy của chiến dịch vỉa hè để lại như chuyện mưu sinh, như chuyện “dẹp chỗ này lại phình chỗ kia”… 

(Còn tiếp)

 Kỳ 2: Gỡ khó cho các hộ bán hàng rong…

Đọc thêm