Quy định ưu đãi giá điện vẫn "nằm" trên văn bản?

(PLO) - Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 19/2013/TT-BCT quy định về giá điện ưu đãi cho người thuê trọ. Nghị định 134 của Chính Phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực đã có hiệu lực từ ngày 1/12/2013, nhưng hầu hết sinh viên và những người lao động vẫn không biết chủ trương này và đang phải trả mức giá “cắt cổ” do chủ nhà đưa ra.
Quy định ưu đãi giá điện vẫn "nằm" trên văn bản?
Như vậy chính sách vẫn chưa thể đi vào cuộc sống.
Lỗi tại ai?
Những người thuê nhà có thu nhập thấp ở Hà Nội hàng ngày đang phải gồng mình trong bão giá, trong đó có giá điện. Họ luôn ngóng chờ cơ quan chức năng có sự vào cuộc để bảo vệ quyền lợi cho mình. Nghị định 134/2013 của Chính phủ, Thông tư số 19/2013 của Bộ Công Thương lần lượt được ban hành quy định về giá điện cho người có thu nhập thấp, chế tài xử phạt những người cho thuê nhà với giá điện trái quy định. 
Nhưng khi các Thông tư, Nghị định có hiệu lực, phóng viên khảo sát các nhà trọ trên địa bàn Hà Nội vẫn chưa có sự thay đổi về giá điện cho người thuê nhà. Chủ nhà vẫn thản nhiên bảo đấy là giá chung, nhiều người thuê nhà và cả chủ nhà chưa hề biết về các văn bản đã ban hành này. 
Cũng có nhiều sinh viên, người lao động thuê nhà vui mừng khi đọc trên báo, thấy có quy định mới về giá điện, họ sẽ tránh được giá điện cao “cắt cổ” do các nhà trọ tự đặt ra, nhưng đến tận hôm nay họ bị vỡ mộng khi quy định đã có hiệu lực  vẫn đang nằm trên giấy. Lỗi này do ai?.
Khi quyền lợi bị bỏ mặc
Đòi quyền lợi cho bản thân của những người thuê nhà với chủ là một “cuộc chiến” không cân sức. Chủ thì có nhà, có đất dùng để cho thuê lấy lãi, còn những người đi thuê trọ thì họ phải xa quê lên thành phố bon chen kiếm sống, học tập. Với mật độ dân số cao như ở Hà Nội thì cầu nhiều, cung lại ít vì nơi đây tấc đất tấc vàng. 
Cũng dễ hiểu tại sao có những phòng trọ cấp bốn lụp xụp, tồi tàn nhưng giá cao, tiền điện 5.000 đồng/1kWh mà vẫn có người thuê. Câu nói quen thuộc của những người cho thuê nhà trọ là: “Đi đâu trong gầm trời Thủ đô mà chẳng thế, không chấp nhận thì đi kiếm phòng khác, ở đây không thiếu người thuê”. 
Chính sách ban hành ra thì những người có trách nhiệm, hàng tháng nhận tiền lương từ ngân sách nhà nước  do chính những người dân như họ đóng góp thì phải đứng ra chăm lo, đòi quyền lợi cho dân chứ. 
Người dân tự đứng lên tố cáo lên Bộ Công Thương, lên Sở Điện lực rồi các chủ nhà sẽ bị phạt, rồi sao nữa?. Đến khi họ biết ai tố cáo thì chỉ còn cách dọn đồ đi chỗ khác mà ở. Hay nếu được chủ nhà giảm vài chục ngàn tiền điện, hàng tháng họ lại tăng giá nhà, tiền nước cao ngất ngưởng thì sao?. Rồi đâu lại vào đấy cả. Thiệt thòi vẫn là… người dân.
Phải chăng đã hết cách, người thuê trọ đã phải sống cảnh thiếu thốn đủ bề, nay lại vẫn phải gồng mình chịu cảnh “chó cắn áo rách” qua giá điện “cắt cổ” này mãi?. Câu hỏi này xin gửi đến các cơ quan chức năng, đến Bộ Công Thương, đến Sở Điện lực,... những nơi có trách nhiệm phải giúp dân đòi lại quyền lợi chính đáng. Xin đừng để Thông tư số 19/2013/TT-BCT của Bộ Công thương và Nghị định 134 của Chính phủ chỉ  có tác dụng trên mặt giấy.

Đọc thêm