Quyền được “móc túi”

(PLO) - Một cái công ty gì đó tận Hồng Kông bắt tay với những nhà mạng lớn Việt Nam trong một thời gian không dài bằng những chiêu trò ma mãnh “móc túi” người sử dụng điện thoại hơn 230 tỷ đồng. Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát hiện vụ việc này, phạt 50 triệu đồng. 
Ảnh minh họa nguồn internet
Ảnh minh họa nguồn internet

Rõ ràng, hành vi “móc túi” khách hàng không bị xử lý gì cả, ai trao cho họ cái quyền “móc túi” dân ta như vậy và sự im lặng đáng sợ, tỏ vẻ vô can của các nhà mạng Việt Nam chẳng phải là biểu lộ sự đồng lõa hay sao?

Trên nhiều phương tiện truyền thông bóc mẽ những trò “móc túi” của nhà mạng như trúng thưởng, gài bẫy khách hàng sử dụng dịch vụ nọ kia dù họ không muốn và thản nhiên thu tiền, báo chí cảnh báo người sử dụng về việc đó đơn giản chỉ là các biện pháp chống đỡ chiêu trò “móc túi” của nhà mạng mà thôi. Những trò này đã diễn ra nhiều năm, công luận nhắc nhở và lên án nhưng xem ra đạo đức kinh doanh là thứ rất xa xỉ đối với các ông lớn viễn thông này. Có gì thì họ đổ tại cái công ty mà họ ký hợp đồng mà thôi, trách nhiệm bảo vệ khách hàng của mình cũng là thứ xa xỉ nốt.

Một kiểu “móc túi” khác khiến nhà giàu cũng khóc thuộc lĩnh vực ngân hàng. Không ít trường hợp chủ tài khoản bị “móc túi” từ lúc nào không biết. Biết ra thì sự đã rồi, ngân hàng lừng khừng, chối quanh, đổ tại bọn ăn cắp công nghệ cao, còn họ đã chi hàng triệu đô la cho việc bảo mật, coi như là xong chuyện. Một nữ nhân viên ngân hàng thôi mà cũng rút ruột của khách tầm cỡ đại gia 48 tỷ trong một thời gian rất ngắn, đủ hiểu tinh thần trách nhiệm của các nhà quản lý ngân hàng đến đâu.

“Móc túi” công khai và hợp pháp hơn cả là các trạm thu phí giao thông. Báo chí phải dùng đến từ “trấn áp” để chỉ các thủ đoạn nhà đầu tư áp dụng với người sử dụng phương tiện giao thông. Sự “móc túi” này là kinh hoàng khi số liệu chỉ ra rằng có trạm chỉ công khai số tiền bằng 1/3 số tiền thực tế họ thu được. 2/3 bỏ túi kia đích thực là do “móc túi” mà có được!

Đơn lẻ nhưng biểu hiện của sự thả nổi quyền lợi khách hàng là người mua xe của Thaco khi xảy ra sự cố thì chẳng thấy chính sách hậu mãi cùng với bảo hành đâu, kiện ra Tòa thì Thaco khất lần đẩy người mua vào cảnh khốn khổ (Báo Pháp luật Việt Nam đã tường thuật cụ thể về vụ tai tiếng này).

Là những khách hàng, những người bỏ tiền ra để sử dụng dịch vụ song không hề được tôn trọng. Dẫn chứng rõ nhất là hàng ngày mỗi thuê bao điện thoại di động nhận hàng chục tin nhắn rác với nhưng lời mời chào trơ trẽn và giả tạo, nhiều khi còn nhận được các cú điện thoại mời gửi tiền, tham gia bảo hiểm,... và họ còn biết cả tên chủ thuê bao nữa, ai có quyền cung cấp những thứ thuộc bí mật cá nhân đó?

Hành vi “móc túi” có dấu hiệu lừa đảo cần đến các biện pháp xử lý hình sự và các cơ quan chức năng phải vào cuộc. Ăn lãi ròng 230 tỷ phải nộp phạt có 50 triệu thì trò “móc túi” sẽ vẫn tiếp diễn mà thôi!

Đọc thêm