Rắc rối quanh những tranh chấp “mẩu giấy tiền tỷ“

(PLO) - Tờ vé số chỉ là mảnh giấy, trước khi có kết quả xổ số, hoặc dò hụt. Nhưng nếu may mắn trúng, thì nó lại trở thành số tài sản có giá trị không nhỏ. Thế nên, nhiều tình huống pháp lý khá phức tạp đã nảy sinh quanh nó.
Rắc rối quanh những tranh chấp “mẩu giấy tiền tỷ“
Trúng thưởng, dắt nhau ra tòa!
Mới đây, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang đã ra quyết định khởi tố vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản xảy ra tại đại lý vé số Triều Phát (TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang). 
Vụ việc xảy ra ngày 22/7/2011, gia đình bà Tuyết đến đại lý vé số Triều Phát để đổi vé số trúng thưởng giải đặc biệt 1,5 tỉ đồng. Tại đây, sau khi xem xét cẩn thận bằng máy, ông Ngô Xương Phúc, chủ đại lý vé số Triều Phát công nhận đây là vé số trúng thưởng và tiến hành các thủ tục trả thưởng cho bà Tuyết. 
Tuy nhiên, ông Phúc tự ghi thông tin của bà Tuyết vào phía sau tờ vé số và nhờ ông Trần Thanh Phương (người đi cùng và là cậu bà Tuyết) ký tên vào mà không để bà Tuyết tự ghi thông tin, tự ký tên. Sau đó, ông Phúc cất tờ vé số vào tủ. 
Đến khi chuẩn bị trả thưởng cho bà Tuyết thì đột nhiên ông Phúc lại bảo người cháu của mình là ông Ngô Xuân Bình vào tủ lấy tờ vé số kiểm tra lần nữa. Vừa cầm lên kiểm tra bằng mắt thường, ông Bình liền cho rằng đây là tờ vé số giả đã được cắt dán lại và từ chối trả thưởng. Sau đó, cự cãi, xô xát xảy ra, bà Tuyết đã làm đơn kiện ông Phúc ra tòa. Công an TP.Rạch Giá vào cuộc và niêm phong tờ vé số ông Phúc đưa. 
Bị VKS bác đơn, bà Tuyết vẫn tiếp tục kiện lên Toà án nhân dân TP Rạch Giá. Sau khi trưng cầu giám định tại Viện khoa học hình sự Bộ Công an thì được kết luận: “Tờ vé số mà người nhà bà Nguyễn Thị Tuyết đưa cho ông Ngô Xương Phúc và tờ vé số ông Trần Thanh Phương (cậu ruột bà Tuyết) ký tên vào không phải cùng một tờ vé số”. 
Trên cơ sở kết luận giám định này, ngày 12-9-2013 TAND TP Rạch Giá có công văn đề nghị khởi tố vụ án Hình sự gửi đến VKSND TP Rạch Giá, công an TP Rạch Giá, VKSND tỉnh và giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang.
Ngày 12/11/2013 các cơ quan tiến hành tố tụng đi đến thống nhất: Viện trưởng VKSND tỉnh rút quyết định giải quyết khiếu nại trước đó, đồng thời yêu cầu Viện trưởng VKSND TP.Rạch Giá ra quyết định hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án Hình sự của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP Rạch Giá để Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Kiên Giang khởi tố vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Liên quan đến tranh chấp tờ vé số, còn không ít sự việc kì khôi. Đó là một vụ "tranh chấp vé số" khác ở tỉnh Tiền Giang của ông Trần Văn Xiêm (SN 1958, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang). 
Ông Xiêm tố cáo, vào ngày 22/4, bà Vũ Dương Thị Thùy Mai (hàng xóm) đã chiếm đoạt của ông một tờ vé số trúng giải đặc biệt. Ông Xiêm có mua ba tờ vé số thuộc công ty Xổ số kiến thiết tỉnh Đồng Tháp. Chiều tối, bà Mai điện thoại bảo ông Xiêm ra nhà bà dò số. Trong số 3 tờ, ông Xiêm đưa cho bà hàng xóm một tờ dò dùm. Sau khi bà Mai thông báo đã trúng 100 triệu, ông Xiêm có giành lại nhưng bà Mai đã nhanh tay giữ lấy.
Ông Xiêm cho biết, bà Mai xin ông tờ vé số trúng thưởng để trả nợ nhưng ông không cho hết mà hứa sẽ cho một phần, ông Xiêm đồng ý cho bà Mai giữ tờ vé số, nhưng sau đó, khi về, người nhà ông phát hiện tờ vé số trúng thưởng đến 1,5 tỉ đồng chứ không phải 100 triệu đồng như bà Mai nói với ông. 
Trở sang nhà bà bạn thân, ông Xiêm đòi lại tờ vé số nhưng bà Mai nhất định không trả, sau đó bà đã nhờ người thân đi nhận thưởng ở TP.HCM. 
Về phía bà Mai, bà này lại khẳng định là tờ vé số do chính tay ông Xiêm cho bà, sau đó thấy trúng thưởng nên tiếc quá đòi lại. Thế là hai người bạn thân mấy chục năm trời nay trở mặt và lôi nhau đến cơ quan điều tra...
Một sự việc tương tự xảy cũng xẩy ra ở TP.HCM. Ông Nguyễn T. V và ông Trần Thanh P., lúc ngồi trên bàn nhậu, có người bán vé số dạo đi qua nài nỉ quá nhưng trong túi không có tiền lẻ nên chỉ mua đúng một tờ. Chủ ý mua là của ông V., nhưng do ông không có tiền lẻ nên ông P. là người trả tiền. Ông V. giữ tờ vé số. 
Sau khi biết tờ vé số trúng độc đắc, ông P. đòi ông V. chia một nửa tiền thưởng cho mình nhưng ông V. không đồng ý mà chỉ yêu cầu trả lại... 10 ngàn đồng tiền ông xin của ông P. mua tờ vé số. Thế là ông P. vác đơn đi kiện ông bạn nhậu của mình.
Trường hợp khác, không đưa ra pháp luật, nhưng phức tạp và trớ trêu, đó là vụ việc của anh Tr. Tr. L. tại Bình Dương. Trong bàn tiệc, khi biết mình trúng số, anh L. đã mừng rỡ cho mọi người chuyền tay nhau xem. 
Trong khi xem, giành giật, em trai một người bạn là Ng. T. H. đã lỡ tay làm rách tờ vé số, không còn hợp lệ để nhận thưởng nữa. Xót của, gia đình anh L. yêu cầu H. bồi thường số tiền trúng thưởng. Giữa hai bên nảy sinh tranh chấp và vẫn đang tiếp tục hòa giải, thỏa thuận.
Rắc rối giải quyết tranh chấp vé số
Về các tình huống pháp lý xảy ra chung quanh tờ vé số, luật sư Nguyễn Thanh Lương, Phó chủ nhiệm đoàn Luật sư Bến Tre đưa ra các phân tích:
Trong vụ kiện “đánh tráo vé số” ở Kiên Giang, căn cứ kết luận giám định cho thấy có dấu hiệu đánh tráo tờ vé số và vi phạm pháp luật hình sự là rõ ràng, do đó việc công an khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản là có căn cứ pháp luật. Tuy nhiên để xác định ai là người thực hiện hành vi vi phạm để xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật sẽ do các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét xử lý thỏa đáng. 
Trường hợp tranh chấp vé số giữa bà Mai ông Xiêm, các tình tiết cho thấy hai bên đã nhìn nhận tờ vé số là của ông Xiêm đã được trúng thưởng 1,5 tỷ đồng. Khi tranh chấp xảy ra sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án Dân sự. Khi tranh chấp bà Mai phải chứng minh rằng ông Xiêm đã cho bà tờ vé số trước hoặc sau khi trúng thưởng, thì số tiền thưởng sẽ thuộc về bà Mai. 
Ngược lại ông Xiêm phải chứng minh điều mình nói, là ông đã nhờ bà Mai dò dùm vé số sau đó có giành lại, đòi lại nhưng không được và đồng thời cũng chứng minh là mình chỉ hứa cho bà Mai một phần. 
Nếu ông Xiêm chứng minh được các tình tiết nêu trên ông sẽ đòi được phần tiền thưởng còn lại sau khi trừ phần tiền đã đồng ý cho bà Mai (lưu ý do phần tiền cho chưa được rõ ràng Tòa án thẩm quyền sẽ lấy lời khai bổ sung, xem xét xác định rõ ràng hợp tình hợp lý). Nhưng sự việc sẽ còn khá phức tạp sau khi đưa ra tòa, vì thế tốt hơn hết là hai bên nên  thương lượng hòa giải để giữ gìn sự đoàn kết, tình xóm giềng.
Tình huống một người mua vé số một người trả tiền đến khi có kết quả trúng thưởng tranh chấp xảy ra. Cụ thể trong trường hợp này chủ ý mua là của ông V nhưng do ông không có tiền lẻ nên ông P là người trả tiền và ông V giữ tờ vé số, thì dù rằng nếu có thể hiện tình tiết ông V mượn tiền hoặc ông P cho tiền ông V thì số tiền trúng thưởng vẫn thuộc về ông V. 
Chỉ loại trừ trường hợp ông P chứng minh được rằng ông V là người giữ dùm tờ vé số thì số tiền trúng thưởng sẽ thuộc về ông P, hoặc chứng minh hai bên đã có sự thỏa thuận thì giải quyết tranh chấp sẽ theo thỏa thuận của hai bên. Còn trường hợp hủy hoại tờ vé số sau khi đã có kết quả trúng thưởng, dù là lỗi vô ý hay cố ý người hủy hoại vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường số tiền trúng thưởng theo quy định pháp luật hiện hành.
Như vậy, những tình huống pháp lý rắc rối xoay quanh tờ vé số là không ít. Không phải là tiền, nhưng lại có giá trị quy đổi thành tiền, tờ vé số đã khiến bao người bạn, người thân tan nát tình cảm, ngoảnh mặt với nhau, thậm chí đáo tụng đình. Vì vậy, điều tốt nhất nên làm là khi mua, khi giữ vé số, dù chưa biết có trúng thưởng hay không, cũng nên cẩn trọng, rõ ràng, đừng để nguy cơ tranh chấp, giành giật sau này xảy ra.

Đọc thêm