Tâm lý “sính” ngoại khiến hàng Việt ế ẩm

(PLO) - Vẫn còn một bộ phận người tiêu dùng chưa nhận thức rõ mục tiêu của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đối với sự phát triển bền vững kinh tế đất nước, còn có tư tưởng ham giá rẻ, mang tâm lý “sính” hàng ngoại mà chưa chú trọng dùng hàng Việt.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân chủ trì Hội nghị
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân chủ trì Hội nghị

Đó là một trong những hạn chế khi thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thời gian qua được Ban Chỉ đạo T.Ư Cuộc vận động chỉ ra tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2017 của Ban Chỉ đạo diễn ra chiều qua (10/4).

Nhiều DN cạnh tranh không lành mạnh

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo T.Ư Cuộc vận động (BCĐ CVĐ), sau một thời gian triển khai, CVĐ đã nâng cao nhận thức của người dân trong việc lựa chọn, tiêu dùng hàng Việt, giúp DN nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm và không ngừng cải tiến kỹ thuật nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao, giá cả hợp lý.

Đặc biệt, các DN trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, nông nghiệp đã có nhận thức đúng đắn về trách nhiệm trong việc thực hiện các quy trình pháp luật về an toàn thực phẩm theo hướng sản xuất thực phẩm an toàn, ngày càng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Tuy nhiên, ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ cũng chỉ ra không ít khó khăn, hạn chế của CVĐ như tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn khó kiểm soát trên thị trường.

Một số hàng hóa Việt Nam chưa thực sự thu hút người tiêu dùng về mẫu mã, chất lượng và giá cả. Trong khi đó, vẫn còn một bộ phận người tiêu dùng chưa nhận thức rõ mục tiêu của CVĐ đối với sự phát triển bền vững kinh tế đất nước, còn có tư tưởng ham giá rẻ nhập khẩu, còn mang tâm lý “sính” hàng ngoại mà chưa chú trọng dùng hàng Việt.

 Đặc biệt, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN cũng làm ảnh hưởng đến uy tín các DN và niềm tin của người tiêu dùng đối với hàng Việt. Điển hình là việc Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam công bố kết quả không trung thực trạng về các mẫu nước mắm có hàm lượng asen cao.

Kiểm soát tốt việc bán phá giá

Đánh giá cụ thể hơn, ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ-Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư CVĐ – cho rằng, trong 4 chương trình đổi mới của năm 2016 thì có tới 3 nội dung chưa làm được (đó là đưa hàng dệt may hướng tới người tiêu cùng trong nước; thực hiện chuỗi chăn nuôi bò sữa, sản xuất sữa và sữa học đường; đưa sản phẩm dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam đến người tiêu dùng Việt Nam); chỉ duy nhất làm được việc “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” do Bộ Y tế triển khai. Bởi vậy, theo ông Nhân, trong năm 2017, BCĐ cần làm tốt công tác kiểm soát việc bán phá giá; khen thưởng những DN có sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá cao…

Trên tinh thần đó, BCĐ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành chức năng có biện pháp quản lý chặt chẽ hàng nhập khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nhập khẩu có biểu hiện bán phá giá; kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu ra của sản phẩm, vấn đề an toàn thực phẩm để nhân dân yên tâm khi sử dụng hàng Việt. 

Đối với các tỉnh ủy, thành ủy, phải tăng cường công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đề cao trách nhiệm gương mẫu của người đứng đầu cấp uỷ, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng hoá thương hiệu Việt Nam.

Phải biết dân nghĩ gì về hàng Việt!

Cho rằng việc sử dụng hàng Việt Nam mặc dù chưa thể thỏa mãn 100% người tiêu dùng, nhưng đã có sự tiến triển rất rõ, được triển khai sâu rộng về vùng sâu, vùng xa, bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định  “dùng hàng Việt Nam không chỉ là ưu tiên nữa mà đã là sự tự hào”.

Phản ánh những băn khoăn, trăn trở của cả người dân và DN về CVĐ, ông Ngô Đông Hải, Phó ban Kinh tế T.Ư thấy cần giải đáp nhiều câu hỏi như thế nào là hàng Việt? tiêu chí, tiêu chuẩn ra sao để người dân thuận tiện hơn trong việc lựa chọn.

Còn bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đề nghị công tác tuyên truyền phải gắn với những ưu điểm của từng sản phẩm bán ra thị trường giúp người tiêu dùng sẽ có điểm tựa tin cậy để lựa chọn sản phẩm. Bà Hòa cũng cho rằng, CVĐ phải gắn chặt chẽ với hai CVĐ khác, đó là Chống hàng giả, hàng kém chất lượng và Vệ sinh an toàn thực phẩm, mới hiệu quả”.

Dù triển khai bằng hình thức và phương pháp nào thì CVĐ vẫn hướng tới sự hài lòng của người dân, do đó, ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị phải triển khai một cách sâu rộng công tác giám sát ý kiến người tiêu dùng.

“Công tác giám sát phải làm rõ được người tiêu dùng (từ vùng miền núi, đồng bằng đến đô thị) đang nghĩ gì về hàng Việt, cố gắng trong tháng 8, tháng 9 tới phải có báo cáo kết quả về công tác giám sát này”- Chủ tịch BCĐ lưu ý.

 Phải chỉ đích danh hàng kém chất lượng

“Cơ quan chức năng hay báo chí khi phát hiện hàng kém chất lượng thì phải chỉ đích danh sản phẩm đó chứ không nên nói chung chung, nếu không sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các DN có cùng sản phẩm, nói rộng ra là ảnh hưởng đến CVĐ”- ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị.

Đọc thêm