Thanh, kiểm tra chất lượng của các sản phẩm đồ chơi trẻ em dịp Trung thu

(PLO) - Nhằm chống gian lận về chất lượng và ghi nhãn đồ chơi trẻ em trong hoạt động sản xuất, kinh doanh đồ chơi trẻ em phục vụ Tết Trung thu, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (QLCLSPHH), Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tăng cường đẩy mạnh thanh, kiểm tra chất lượng của các sản phẩm đồ chơi trẻ em lưu thông trên thị trường.
Số lượng lớn đồ chơi có tính chất bạo lực bị cơ quan Công an Thái Bình thu giữ. Ảnh minh họa
Số lượng lớn đồ chơi có tính chất bạo lực bị cơ quan Công an Thái Bình thu giữ. Ảnh minh họa

Thông tin từ Bộ KH&CN cho biết, vào thời điểm cận Tết trung thu 2018, cơ quan chức năng của Bộ đã và đang triển khai kế hoạch tăng cường kiểm tra chất lượng đồ chơi lưu thông trên thị trường. Theo đại diện Cục QLCLSPHH qua những đợt kiểm tra, thanh tra trước đây, các đồ chơi không đảm bảo chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc, thông qua các con đường nhập khẩu tiểu ngạch để vào Việt Nam. 

Thời gian qua, Cơ quan này đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra chất lượng sản phẩm đồ chơi trẻ em trên thị trường. Kể từ thời điểm Tết Trung thu 2017, đơn vị đã chủ trì, phối hợp kiểm tra tại 03 thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM. Qua các đợt, có tổng số 29 cơ sở được kiểm tra với 292 mẫu. Kết quả, về nhãn hàng hóa, có 178/292 mẫu (tương đương 61,0%) có nhãn phù hợp quy định, 114/292 mẫu (tương đương 39,0%) không phù hợp quy định về nhãn hàng hóa. 

Về thực hiện chứng nhận hợp quy (CR), có 212/292 mẫu (tương đương 72,6%) có dấu CR, 80/292 mẫu (tương đương 27,4%) không có dấu CR, 147/248 mẫu (tương đương 59,3% không có Giấy chứng nhận CR). Thông qua các đợt kiểm tra, Cục QLCLSPHH cũng đã lấy 12 mẫu thử nghiệm. Trong đó, có 03/03 mẫu chất lượng đạt theo QCVN 3: 2009/BKHCN và 09 mẫu đang chờ kết quả thử nghiệm.

Đại diện Cục  QLCLSPHH cũng cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan làm tốt công tác kiểm soát chất lượng, các quy định về nhãn hàng hóa, nguồn gốc đồ chơi trẻ em tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, phân phối trên cả nước, góp phần  hạn chế việc phát tán, sử dụng đồ chơi có nguy cơ gây hại đến sức khỏe con người.

Cục cũng sẽ đề xuất các Bộ như Bộ GD&ĐT, Bộ Công thương, Bộ KH&CN…  phối hợp ban hành danh mục hàng hóa là đồ chơi trẻ em bị cấm lưu thông trên thị trường (những đồ chơi gây nguy hiểm, đồ chơi bạo lực, đồ chơi bị ảnh hưởng xấu đến giáo dục thể chất, trí tuệ, tâm hồn trẻ nhỏ). 

Đọc thêm