Thẻ tín dụng: Con dao hai lưỡi

(PLO) - Thẻ tín dụng là vật bất ly thân của những cô nàng hiện đại nhưng nếu không biết cách sử dụng, nó sẽ là con dao hai lưỡi, “xén” đứt tay người dùng bất cứ lúc nào.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Nợ 28 ngàn, lãi suất 1,4 triệu
Là mẫu phụ nữ sành điệu, Huyền Linh dùng thẻ tín dụng từ rất sớm và nhanh chóng trở thành khách hàng VIP của nhiều ngân hàng. Cô luôn quảng bá với bạn bè, thời đi đâu mang theo cả cọc tiền rồi đứng đếm đã “xưa rồi lượm ơi”, phụ nữ sành điệu là tiêu tiền bằng thẻ. 
Có thẻ, Huyền Linh tự tin hơn hẳn bạn bè cùng trang lứa, vào nhà hàng sang trọng hay khách sạn 5 sao, cô tự tin rút thẻ chi dùng, bạn bè nhìn có đôi phần cũng phải nể trọng.
Nhiều chuyến đi nước ngoài, những chiếc thẻ đã “cứu cánh” cô, nâng điểm cho cô trong mắt mọi người, nhất là những đối tác làm ăn.
Đặc biệt, cô trở thành “đại lý” của các hãng máy bay và đặt phòng khách sạn cho bạn bè, đồng nghiệp mỗi dịp hè hay lễ tết. Nhờ lên mạng săn vé giá rẻ và phòng giá rẻ nhiều, cô cũng được các hãng hàng không, các công ty du lich tặng thẻ VIP, voucher giảm giá.
Nói chung, 5 năm xài thẻ, Huyền Linh luôn hài lòng và số thẻ trong ví cô cứ ngày một nhiều thêm.
Cho tới một ngày chẳng đẹp trời, cô nhận được tin nhắn “đòi tiền” từ một ngân hàng, nơi cô có thẻ visa với hạn mức tín dụng khá lớn. Kiểm tra lại chi tiêu trong tháng, cô thấy kỳ lạ bởi cô chẳng tiêu gì, không tiêu mà vẫn phát sinh dư nợ. Kiểm tra thông báo sao kê, cô thấy ngân hàng này ghi đó là tiền lãi. Gọi điện phản ảnh tới ngân hàng, cô ngã ngửa khi được thông báo: do tháng trước cô thanh toán thiếu 28 ngàn đồng nên đó là số lãi của số tiền cô đã chi tiêu. 
Mặc dù ngân hàng hết sức giải thích rằng đó là quy định, nhưng thanh toán thiếu 28 ngàn đồng bị tính lãi suất gần 1,4 triệu đồng, tương ứng với lãi xuất hơn 600% vẫn khiến Huyền Linh “chết điếng”.
Cô viết đơn khiếu nại ngân hàng vì cô là khách hàng hạng thẻ Priority, được ưu tiên, ưu đãi và nhân viên chăm sóc khách hàng riêng, thế nhưng cô không được nhắc nợ cũng như thời điểm khấu trừ tự động tài khoản của cô vẫn đủ số tiền cô phải trả. Tuy nhiên ngân hàng này đã không trích nợ hết mà để dư lại 50 ngàn đồng với lý lẽ: duy trì thẻ.
“Tôi biết chờ được vạ thì má đã sưng nhưng vẫn khiếu nại với mong muốn ngân hàng phải có cách giải thích hợp tình, hợp lý về việc vì sao không trừ đủ số tiền tôi có trong tài khoản và vì sao không nhắc nợ cho tôi, để tới kỳ thanh toán tiếp theo mới thông báo để tính lãi. Tôi cảm thấy như mình bị “sập bẫy”, Huyền Linh chia sẻ.
Cẩn trọng khi sành điệu với thẻ tín dụng
Trường hợp chẳng may bị tính lãi suất khủng do trả thiếu vài đồng như Huyền Linh không phải hy hữu. Anh Ngô Minh, nhân viên Bộ Tài Chính cho hay anh từng trả thiếu 5000 đồng, do không để ý số dư và tháng đó anh cũng “dính” một khoản tiền lãi lên tới 600 ngàn đồng. 
Anh Lê Đình, chuyên viên tư vấn tài chính phân tích: Khi bạn sử dụng thẻ tín dụng, bạn mượn tiền của ngân hàng để chi tiêu trước, và đổi lại ngân hàng sẽ thu lại một khoản lãi suất nếu bạn không trả nợ trong một thời gian nhất định. Lãi suất chính là một nguồn thu nhập đáng kể của ngân hàng. Và số tiền lãi cứ tăng lên mỗi ngày cho đến khi bạn thanh toán hết khoản nợ trong thẻ.
Ngân hàng tính lãi suất thẻ tín dụng theo từng ngày. Có nghĩa là lãi suất hàng năm mà bạn biết được chia cho 360 ngày (ví dụ 15% chia cho 360), và số phần trăm đó (0.0041% trong ví dụ vừa rồi) sẽ được nhân với mức dư nợ mỗi ngày của bạn cho đến khi bạn trả hết nợ. Hãy luôn ghi nhớ cứ thêm một ngày chậm trả là thêm một ngày tiền lãi. Vì thế nếu bạn có khả năng, đừng đợi đến ngày mai mới trả nợ của ngày hôm nay.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. 
Phần lớn các thẻ tín dụng có một khoảng thời gian miễn lãi suất lên đến 45 ngày (30 ngày của chu kỳ thanh toán cộng với thời hạn thanh toán 15 ngày). Trong khoảng thời gian này, các giao dịch của bạn sẽ không bị tính lãi suất ngân hàng. Hãy lợi dụng khoảng thời gian này và thanh toán hết dư nợ trước khi bị tính lãi.
Bạn thanh toán hết toàn bộ hóa đơn hàng tháng để tránh phải lãi suất cao. Nhưng bạn lỡ quên một lần và thanh toán trễ hơn vài ngày. Ngân hàng sẽ tính lãi suất và có thể thu thêm phí thanh toán chậm.
Anh Lê Đình cũng khuyến cáo các cô nàng sành điệu khi sử dụng thẻ tín dụng cần lưu ý để “tránh” sập bẫy ngân hàng. “Ngân hàng có rất nhiều cách để thu lợi khi bạn sử dụng thẻ tín dụng của họ. Tuy nhiên, nếu bạn biết cách chi tiêu và nắm rõ các điều khoản mà ngân hàng quy định, bạn có thể tránh được việc phải trả các loại chi phí và khoản phạt phát sinh ngoài ý muốn”, vị chuyên gia này khẳng định.

Thông tin cần biết:

 Tất cả mọi người đều có thể quên ngày thanh toán. Trong ngắn hạn thì mức phạt không đáng lo nhưng với dài hạn thì đó là cả một vấn đề.

Nếu bạn chậm thanh toán 30 ngày, tổ chức phát hành có thể báo cáo với cơ quan có thẩm quyền. Lịch sử tín dụng không còn hoàn hảo, do đó, bạn nhận được ít điều khoản có lợi hơn khi vay thế chấp.

Tránh gặp phải điều này bằng cách tận dụng các công nghệ xung quanh bạn. Thiết lập nhắc nhở trên điện thoại di động, máy tính hoặc thanh toán tự động. Đôi khi một mảnh giấy nhớ dán trên cửa tủ lạnh cũng là một lựa chọn tốt.

Chuyên mục Tiêu dùng & Dư luận của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả liên quan đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hành, chăm sóc khách hàng...
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com

Đọc thêm