Thông tư mới của Bộ TT&TT làm khó cho người dân, doanh nghiệp?

(PLO) - Trước việc Bộ TT&TT quyết định thay đổi mã vùng và độ dài thuê bao, đã có nhiều ý kiến phản ứng, thậm chí cho rằng việc làm này vô hình làm khó cho người dân, doanh nghiệp.
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa ban hành Thông tư số 22/2014/TT-BTTTT ngày 22/12/2014 ban hành Quy hoạch kho số viễn thông. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/3/2015 thay thế cho Quyết định trước đó.
Vì sao phải thay đổi mã vùng và độ dài thuê bao?
Theo thống kê của Bộ TT&TT, trong những năm vừa qua số lượng thuê bao điện thoại di động ngày càng tăng, ngược lại số lượng thuê bao điện thoại cố định ngày càng giảm. Xu hướng suy giảm số thuê bao điện thoại cố định có thể vẫn diễn ra trong những năm tới. 
Hiện tại, tổng số thuê bao điện thoại cố định và di động khoảng 130 triệu, trong đó số lượng thuê bao điện thoại cố định khoảng gần 7 triệu (chiếm khoảng 5,4% tổng số thuê bao), số lượng thuê bao điện thoại di động khoảng hơn 120 triệu (chiếm khoảng 94,6% tổng số thuê bao).
Tại Thông tư mới ban hành của Bộ TT&TT có hai nội dung được khá nhiều người quan tâm. Thứ nhất là mã vùng điện thoại cố định các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ thay đổi, cụ thể: Thành phố Hà Nội đổi từ 4 thành 24; Thành phố Hồ Chí Minh đổi từ 8 thành 28; Thành phố Đà Nẵng đổi từ 511 thành 236; Thành phố Hải Phòng đổi từ 31 thành 225; Thành phố Cần Thơ đổi từ 710 thành 292…
Bên cạnh đó, theo Bộ TT&TT, sau ngày 1/3, thuê bao di động sẽ chỉ gồm 10 chữ số, tính cả số "0".
Lý giải về lý do thay đổi mã vùng, Bộ TT&TT cho hay, theo Quy hoạch cũ và thực tế đang sử dụng, độ dài mã vùng là 1, 2 hoặc 3 chữ số, độ dài số thuê bao là 7 hoặc 8 chữ số. 
Cụ thể, về độ dài mã vùng, 2 thành phố (Hà Nội và TPHCM) có độ dài 1 chữ số; 37 tỉnh/thành phố có độ dài 2 chữ số và 24 tỉnh/thành phố có độ dài 3 chữ số. Về độ dài số thuê bao điện thoại cố định, 2 thành phố (Hà Nội và TPHCM) có độ dài 8 chữ số; 61 tỉnh/thành phố có độ dài 7 chữ số. Điều này dẫn đến độ dài quay số khi gọi đường dài trong nước hoặc gọi từ mạng di động đến thuê bao điện thoại cố định là không thống nhất, tùy theo tỉnh/thành phố mà độ dài quay số là 10 hoặc 11 chữ số bao gồm cả số mào đầu quốc gia ‘0’. 
Bộ đánh giá, với việc không có sự thống nhất trong độ dài quay số dẫn đến dễ gây nhầm lẫn và khó nhớ đối với người sử dụng dịch vụ.
Theo đó, Quy hoạch mới giải quyết bất cập này bằng việc quy hoạch độ dài mã vùng là 2 hoặc 3 chữ số, độ dài số thuê bao điện thoại cố định giữ nguyên là 7 hoặc 8 chữ số phụ thuộc vào vùng đánh số cụ thể. Về độ dài mã vùng, 2 thành phố (thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh) sẽ có độ dài 2 chữ số; 61 tỉnh/thành phố sẽ có độ dài 3 chữ số. 
Về độ dài số thuê bao điện thoại cố định thì vẫn giữ nguyên như hiện tại. Như vậy, độ dài quay số khi gọi đường dài trong nước hoặc gọi từ mạng di động đến thuê bao điện thoại cố định là thống nhất trên toàn quốc, đều là 11 chữ số bao gồm cả số mào đầu quốc gia ‘0’.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Về lý do xóa sổ thuê bao di động 11 số, theo Bộ TT&TT, Quy hoạch cũ và thực tế đang sử dụng, độ dài mã mạng di động là 2 (đầu 9x) và 3 (đầu 1xx) chữ số, độ dài số thuê bao điện thoại di động là 7 chữ số. Theo đánh giá của Bộ TT&TT, điều này dẫn đến độ dài quay số khi gọi đến thuê bao điện thoại di động là không thống nhất, tùy theo mã mạng mà độ dài quay số là 10 hoặc 11 chữ số bao gồm cả số mào đầu quốc gia ‘0’. Với việc không có sự thống nhất trong độ dài quay số dẫn đến dễ gây nhầm lẫn và khó nhớ đối với người sử dụng dịch vụ, không đảm bảo công bằng trong quay số.
Quy hoạch mới đã giải quyết bất cập này bằng việc quy hoạch độ dài mã mạng di động là 2 chữ số, độ dài số thuê bao điện thoại di động vẫn giữ nguyên như hiện tại là 7 chữ số. Như vậy, độ dài quay số khi gọi đến thuê bao điện thoại di động là thống nhất đối với tất cả các doanh nghiệp viễn thông và người sử dụng dịch vụ, đều là 10 chữ số bao gồm cả số mào đầu quốc gia ‘0’.
Bộ TT&TT cũng cho biết, quy hoạch mới được ban hành trên cơ sở nghiên cứu, xem xét một cách kỹ lưỡng thông lệ quốc tế và tình hình thực tế của Việt Nam nhằm một mặt đảm bảo quy hoạch được sử dụng lâu dài, sử dụng kho số tiết kiệm, hiệu quả, công bằng, minh bạch, thúc đẩy thị trường viễn thông phát triển bền vững. 
Mặt khác phải hạn chế tối đa ảnh hưởng không tích cực có thể phát sinh đối với doanh nghiệp và người sử dụng dịch vụ, hạn chế tối đa việc sử dụng các mã, số không đúng mục đích làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và an toàn xã hội. Cụ thể là tất cả các số thuê bao điện thoại cố định và di động vẫn giữ nguyên không thay đổi.
Về công tác triển khai thực hiện Quy hoạch mới được tốt nhất, Bộ Thông tin và Truyền thông đã giao Cục Viễn thông: Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch kho số viễn thông trình Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện. Chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông triển khai thực hiện Quy hoạch kho số viễn thông và kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch kho số viễn thông sau khi được phê duyệt.
Những phản ứng trái chiều…
Trước việc Bộ TT&TT ban hành Thông tư mới trên, trao đổi với PLVN, anh Quang Tuấn – trưởng phòng Hành chính một doanh nghiệp tại Hà Nội cho biết, việc ban hành thông tư mới và đến ngày 01/03/2015 đã có hiệu lực gây ra khá nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. 
“Từ cuối năm 2014, chúng tôi đã tiến hành in ấn các loại phong bì, nhãn mác, giấy tờ có liên quan đến công ty cho cả quý 1 năm 2015. Trên các loại giấy tờ này đều có ghi số điện thoại của doanh nghiệp. Giờ có thông tin mới chắc chắn phải sửa nếu không sẽ rất phiền toái. Chi phí để in ấn lại cũng không phải là ít. Thiết nghĩ, cơ quan quản lý cần ban hành quyết định sớm hơn để các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị, nếu không sẽ rất thiệt thòi”- anh Tuấn nói.
Cũng liên quan đến lợi ích kinh tế khi Thông tư này được ban hành, cán bộ một trường Đại học tại Hà Nội cho hay, nhà trường hàng năm có truyền thống làm lịch để tặng cho cán bộ, giảng viên, nhân viên và gần 20.000 sinh viên các hệ đào tạo. “Số lượng lịch in ra là rất lớn và chúng tôi vừa mới hoàn thiện xong khâu in ấn. Trên tờ lịch có ghi rõ tên cơ quan, địa chỉ và số điện thoại liên hệ. Giờ sắp có sự thay đổi mã vùng của thành phố, nhiều khả năng sẽ phải tính toán để in ấn lại. Tuy nhiên, chi phí không phải là rẻ. Và thực sự là rất lãng phí”- vị cán bộ này cho biết.
Bên cạnh đó, ngay trong cách sắp xếp mã vùng, nhiều người cũng phản ứng và cho rằng chưa hợp lý. “Tôi thấy có một sự vô lý kỳ lạ. Tại sao số thuê bao cố định đang giảm mà lại phải thay đổi? Có ảnh hưởng gì không? Ngoài ra, tại sao không thống nhất tất cả các mã vùng đều phải có 3 chữ số mà Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vẫn là ngoại lệ? Ngoài ra, các tỉnh thành đều thay đổi loạn cả lên, thật lộn xộn. Gây khó nhớ cho người dùng. Tại sao không thay đổi tất cả, và đánh số cao dần từ Bắc vào Nam hoặc ngược lại” – một độc giả bầy cách.
“Cách đây mấy năm đã thay đổi một lần, tại sao giờ lại đổi tiếp? Mà giờ đang là đầu tháng 1, còn gần 2 tháng nữa là Thông tư này đã có hiệu lực, một thời gian quá ngắn để thay đổi. Có một tầm nhìn thiếu khoa học và một khả năng dự báo chưa tốt ở đây. Trước khi thay đổi nên xử lý những người trước kêu thiếu số, xin tăng lên 11 số. Nếu làm được việc đó chắc chắn nhiều người sẽ ủng hộ” - độc giả bình luận./.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin thêm về sự việc./.
Chuyên mục Tiêu dùng & Dư luận của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả liên quan đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hành, chăm sóc khách hàng...

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư:baodientuphapluat@gmail.com

Đọc thêm